- Trả lời hàng loạt câu hỏi của báo chí liên quan đến tái cơ cấu Vinashin trong buổi họp báo Chính phủ chiều nay (2/7), ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho hay, Chính phủ không ưu ái Vinashin.
Sẽ thanh tra toàn diện
Thưa ông, phải chăng Chính phủ quá nuông chiều, ưu ái Vinashin nên đã thực hiện tái cơ cấu để giảm nợ cho tập đoàn này?
Ông Phạm Viết Muôn: Nói Chính phủ ưu ái Vinashin là không đúng. Phát triển công nghiệp chế tạo, trong đó có đóng tàu, là một trọng điểm của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế biển. Đã là trọng điểm thì có hỗ trợ, và chính phủ có cơ chế hỗ trợ.
Ông Phạm Viết Muôn: Ở Vinashin, có những dự án đã đầu tư nhưng Bộ GT-VT không biết, Thủ tướng không biết, xong xuôi rồi mới hay. Ảnh: LN
Nhưng Chính phủ không ưu ái Vinashin. Tập đoàn này cũng như bất cứ doanh nghiệp nào khác, phải hoạt động đúng luật, tiền vay ngân hàng phải sử dụng đúng.
Nói thêm về chuyện có ưu ái hay không. Sinh ra DN là để DN làm ra tiền. Từ đó mới có đóng góp cho ngân sách, đầu tư cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế.
Chuyển về Vinalines nhiều đội tàu đang làm ăn thua lỗ như vậy liệu có đẩy Vinalines vào hoàn cảnh khó khăn như Vinashin hay không?
Khi tái cơ cấu tập đoàn, một số dự án được chuyển về các nơi, trong đó có những dự án đã đầu tư tương đối toàn diện, có dự án mới có tên. Ví dụ như KCN Lai Vu, nói là có nhà máy đóng tàu nhưng chưa làm gì, mới làm một cái nhà tôn trên bãi đất.
Việc chuyển các dự án, trong đó có đội tàu về Tổng công ty hàng hải Vinalines đúng là tạo thêm khó khăn cho hàng hải nhưng sẽ không khó khăn bằng khi còn ở lại Vinashin.
Để Vinalines nhận các dự án như vậy, Chính phủ có bù đắp gì cho khó khăn của họ sắp tới?
Chuyển một số dự án về cho Vinalines vì nếu vẫn còn để lại ở Vinashin thì không tập trung được vào đóng và sửa chữa tàu biển do tài chính khó khăn. Vì hàng hải là đúng chuyên ngành. Ngoài 3 triệu tấn tàu còn có thêm 1,2 triệu tấn nữa.
Cũng không cần phải thuyết phục gì mà ở đây là Vinalines chung tay với Vinashin, chung tay với Chính phủ để cùng làm.
Nếu trong mấy năm đã phát triển rồi mà nay lại ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng, các tập đoàn kinh tế, làm đến như vậy rồi mà còn không làm tiếp là không được.
Tổng tài sản của Vinashin trên 90.000 tỷ đồng, tổng dư nợ lên tới hơn 80.000 tỷ.
Hiện nay, nợ của Vinashin tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng là bao nhiêu, khi chia tách thì tính thế nào, đặc biệt là nợ quá hạn? Xử lý thế nào?
Tổng tài sản của Vinashin khoảng trên 90.000 tỷ đồng; vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng; tổng dư nợ trên 80.000 tỷ đồng. Khi tái cơ cấu sẽ chuyển nợ sang cho Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải. Nợ của Vinashin được chuyển sang dầu khí, hàng hải khoảng 20.000 tỷ đồng.
Mục tiêu tái cơ cấu Vinashin không phải là để giảm nợ, mà là duy trì, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu biển, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, năng lực đã và đang đầu tư, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngân hàng, đồng thời bảo đảm đời sống người lao động.
Trong hoàn cảnh hiện tại, dự án đó nếu để Vinashin làm sẽ không có tiền đầu tư, nhưng chuyển sang dầu khí sẽ có đủ tiền, vì ngành dầu khí cũng cần đóng tàu kim loại cho Dung Quất, Nghi Sơn...
"Khoản vay 750 triệu USD trái phiếu Chính phủ đến năm 2012 mới đến hạn trả. Hiện nay, Vinashin vẫn trả lãi bình thường". Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp
Tương tự, nếu để Vinashin thì còn nhiều khó khăn, nhưng nếu chuyển những đội tàu đó sang hàng hải thì sẽ được khai thác tốt. Phải tiếp tục đầu tư để không bỏ phí những dự án đã và đang triển khai như ở Nam Định, Nghi Sơn..
Thanh tra Chính phủ đang chuẩn bị vào thanh tra Vinashin, việc tái cơ cấu này có làm ảnh hưởng đến cuộc thanh tra?
Thanh tra làm theo kế hoạch. Việc tái cơ cấu không làm ảnh hưởng. Vinashin vẫn sẽ bị thanh tra toàn diện. Chứ không phải chỉ thanh tra tài chính. Ở đâu sai phạm thì ở đó xử lý.
Bài học trao quyền nhưng phải giám sát
Chính phủ rút ra được bài học nào từ vụ việc tái cơ cấu tập đoàn này?
Điều này tôi đã nhiều lần nói: tin thì tin nhưng phải kiểm tra.
Dù đã có quy chế hoạt động cho tập đoàn, nhưng các bộ ngành phải kiểm tra, giám sát. Ở Vinashin, có những dự án đã đầu tư, có những tàu đã mua nhưng Bộ GT-VT không biết, Thủ tướng không biết, xong xuôi rồi mới hay. Bài học lớn nhất là trao quyền cho lãnh đạo tập đoàn nhưng phải tăng cường kiểm tra.
Hạ thủy tàu Lash của Tổng công ty Nam Triệu (thuộc Vinashin) tại Hải Phòng. |
Từ năm 2006, các chuyên gia đã cảnh báo không nên đầu tư cho ngành đóng tàu, Chính phủ có lắng nghe các ý kiến này không?
Các năm 2006, 2007, Vinashin hoạt động tốt. Năm 2008, suy giảm kinh tế tác động mạnh đến Vinashin. 166 hợp đồng đóng tàu với trị giá 5 - 6 tỷ USD đã ký nhưng bị hủy, trong khi đó Vinashin đã đầu tư, nên rất khó khăn.
Chúng tôi thường xuyên lắng nghe ý kiến các chuyên gia, cũng như tăng cường kiểm tra. Nhưng đúng là không ai có thể ngờ hết được, cũng giống như năm 2006 - 2007, không ai có thể dự báo kinh tế của năm 2008, 2009.
Để xảy ra khó khăn thất thoát vốn như hiện nay, Vinashin có nhận trách nhiệm hoặc xin lỗi không?
"Tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế là bình thường. Sau Vinashin sẽ còn làm tiếp để hoạt động tốt hơn". Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc
Để xảy ra tình trạng hiện nay có nguyên nhân từ bên ngoài như khủng hoảng kinh tế, nhưng nguyên nhân chính đến từ bên trong như đầu tư dàn trải, công nợ, điều hành yếu kém...
Tập thể Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và giám đốc các công ty thành viên phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân để báo cáo Thủ tướng. Từ đó mới xác định trách nhiệm. Sai phạm thì xử lý. Kiểm điểm trách nhiệm còn cao hơn lời xin lỗi.
Sau Vinashin, đến lượt tập đoàn nào sẽ được tái cơ cấu? Trước kia, Bộ Công thương từng trình đề xuất đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực, tình hình sắp tới sẽ thế nào, thưa ông?
Chính phủ chỉ đạo xây dựng thị trường điện cạnh tranh, trong đó có vấn đề tái cơ cấu EVN.
Quá trình cũng đang làm, các bộ sẽ trình Thủ tướng. Vừa rồi thiếu điện, nhân dân cũng kêu, DN cũng kêu. Nhưng tái cơ cấu với EVN không phải làm như với Vinashin.
-
Lê Nhung ghi