- Thảo luận về Luật Thanh tra (sửa đổi) tại hội trường chiều 14/6, nhiều đại biểu lo lắng về chuyện phải đảm bảo được tính độc lập tương đối của cơ quan thanh tra.
"Ý chí người khác"
Dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) được thiết kế theo hướng Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, vừa là cơ quan giúp Thủ tướng thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần xác định lại địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này cho phù hợp.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): "Tổ chức thanh tra khó có thể độc lập, khách quan khi đối tượng là người trong bộ máy"
"Thực tế, các tổ chức thanh tra hoàn toàn lệ thuộc vào các cơ quan cùng cấp, như thế khó có thể độc lập, khách quan khi đối tượng là người trong bộ máy", đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, từng là Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, bày tỏ lo ngại.
Cùng với lo lắng này, đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ: "Muốn thanh tra mà khi nào cũng phải chờ quyết định thành lập đoàn thanh tra của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì nhiêu khê quá!".
"Rất nhiều vụ việc đòi hỏi cơ quan thanh tra phải có những phản ứng nhanh mới mong có hiệu quả, không thể cứ ngồi chờ quyết định đó", ông Nhã nói thêm.
Một đại biểu khác của Hà Nội, bà Đặng Huyền Thái cũng cho rằng quy định như trong dự thảo Luật vẫn chưa đề cao tính độc lập của cơ quan thanh tra, "còn nặng nề tính giúp việc trong đó chủ yếu là kiến nghị và đề nghị".
Còn Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) lấy ví dụ "giải quyết các vụ đất đai thì phải chờ Chủ tịch cho ý kiến, từ khi quyết định thành lập cho đến khi thành lập, khi thanh tra và khi kết luận".
"Khi kết luận được rồi, đoàn thanh tra đó chuẩn bị kết luật để báo cáo với Chủ tịch thì Chủ tịch cũng rất nhiều việc, cho nên có khi không xem xét giải quyết ngay cho nên phải kéo dài thời gian. Và khi đưa ra để thông qua kết luận đó, ý chí đó là ý chí của ai, nhiều khi ý chí của đoàn thanh tra bị át đi và đó là ý chí của người khác cho nên không đảm bảo và thực hiện kết luận đó kéo dài".
Bổ sung thêm một thực tế nữa, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng: "Nhiều vụ việc khi bắt đầu thanh tra thì rất bức xúc nhưng sau đó kết luận lại thường rất "nhẹ nhàng".
Theo ông Lợi, chính điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho những vụ khiếu nại vẫn chưa có hồi kết.
Chồng chéo
Về hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, dự thảo luật chỉ rõ thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước.
Trong khi đó, thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành, việc chấp hành những quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên đại biểu Đặng Huyền Thái vẫn băn khoăn cho rằng quy định như vậy là chưa rõ ràng và rất dễ dẫn đến chồng chéo trong nhiệm vụ và đối tượng thanh tra.
Đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Theo bà Thái, "chính vì sự nhập nhằng này mà đến khi xử lý các kết luận của thanh tra thì đùn đẩy, vòng vo không biết ai chịu trách nhiệm cuối cùng".
Ghi nhận các ý kiến thảo luận chiều nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa dự thảo Luật để báo cáo lại QH trong kỳ họp tới.
- Cao Nhật - Ảnh: Lê Anh Dũng