Sông Mekong nổi lên như một cơ sở để kiểm tra các chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Dường như Bắc Kinh mong muốn tiếp cận các nước láng giềng phía nam cùng chung một dòng sông theo xu thế hữu nghị hơn là "cậy nước lớn".
>> Toàn cảnh: Khi dòng Mekong khát
>> Mekong-Trung Quốc: ’Đắp đập ngăn sông’ và câu chuyện lòng tin
Một động thái chưa từng có trong tiền lệ là quyết định gỡ bỏ bí mật về hai trong số bốn con đập mà Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn. Bắc Kinh đang đi theo một chính sách ngoại giao cởi mở hơn kể từ giữa tháng 3.
Vào ngày 7/6, các quan chức cấp cao từ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam lần đầu tiên đã được mời tới thăm đập Tiểu Loan mới xây dựng và đập cũ Cảnh Hồng trong một phần lịch trình của chuyến đi tìm hiểu thực tế.
Sông Mekong ở Thái Lan. Ảnh: Static
Đây là chuyến thăm đột phá đi sâu vào các hẻm núi ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - vốn trước đây và tới tận tháng này, vẫn là vùng lãnh thổ bí mật với các quan chức đến từ những quốc gia lưu vực sông Mekong.
Lời đề nghị trên diễn ra sau những động thái của Bắc Kinh hồi đầu tháng 4 tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nước sông Mekong gồm bốn nước lưu vực sông và thêm Myanmar. Hội nghị này được tổ chức tại Huahin, kỷ niệm 15 năm Hiệp định Mekong 1995 - bước đi dẫn tới con đường thành lập Ủy hội Mekong (MRC), một tổ chức liên chính phủ của bốn nước hạ nguồn Mekong đảm nhận sứ mệnh quản lý và phát triểu vùng lưu vực.
"Tại hội nghị, chính phủ Trung Quốc có dấu hiệu cho thấy sẽ cởi mở hơn với các nước ở hạ nguồn Mekong", phát ngôn viên MRC Damian Kean tại Vientiane cho biết.
Một số chuyên gia đã nhìn thấy bước ngoặt đáng kể của Trung Quốc trong tháng 3, khi nước này bắt đầu công bố những chính sách bí mật về các thiết kế trên sông Mekong - con sông bắt nguồn từ Tây Tạng, dài 4.660km, đi qua Vân Nam và Myanmar rồi đổ vào lưu vực trước lúc ra Biển Đông.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đã bị chỉ trích mạnh mẽ về việc hoàn thành bốn đập thủy điện và lên kế hoạch xây nhiều đập khác trên dòng Mekong, khiến mực nước sông tại một số điểm của lưu vực xuống mức kỷ lục trong 50 năm qua hồi đầu năm nay. Ước tính có 60 triệu người dân đang sinh sống ở trong lưu vực, rất nhiều trong số này sinh kế phụ thuộc vào đánh bắt cá trên sông Mekong.
Bắc Kinh đã có đề xuất cởi mở thông qua Thái Lan - một quốc gia Đông Nam Á với rất nhiều nhà hoạt động, tổ chức bảo vệ môi trường, chỉ trích mạnh mẽ việc xây đập thủy điện. Những nhóm như Liên minh Cứu Mekong - một mạng lưới tại Bangkok - trước đó tuyên bố rằng: "Sự thay đổi mức tải trầm tích và thủy học hàng ngày của sông Mekong kể từ đầu 1990 có liên quan tới hoạt động đập thủy điện của Trung Quốc".
Việc ông Trần Đức Hải, tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok, đã tổ chức cuộc họp báo trong tháng 3 được coi là hành động phá vỡ sự yên lặng của Bắc Kinh về đập thủy điện - vốn tồn tại kể từ khi Mạn Loan - đập thủy điện đầu tiên Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn Mekong vào năm 1992.
Ông Trần nói với báo giới, các đập thủy điện Trung Quốc không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô hạn kỷ lục trong mùa khô năm nay. "Dòng chảy trung bình hàng năm của sông Lan Thương chỉ chiếm 13,5% dòng chảy của Mekong tại cửa sông đổ ra Biển Đông". (Trung Quốc gọi Mekong là sông Lan Thương).
Ngày 1/4, một cuộc thảo luận hiếm hoi về Mekong đã diễn ra tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok. Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan, Diêu Văn, cho biết Tiểu Loan - con đập thủy điện lớn nhất Trung Quốc đã bắt đầu trữ nước kể từ tháng 7/2009, nhưng hoạt động này đã dừng lại khi mùa khô bắt đầu.
Trong chuyến thăm Bangkok hồi tháng 3, ông Hồ Chính Dược - trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc, được cho là đã có những tuyên bố làm an lòng các nước láng giềng chung dòng Mekong. "Trung Quốc sẽ không làm gì gây tổn hại tới lợi ích chung với các quốc gia trong khu vực Mekong", ông nói với Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva.
"Trung Quốc đã hiểu rằng, cách tiếp cận của họ trong quá khứ về việc tránh ràng buộc với các nước hạ nguồn Mekong không còn tác dụng", Carl Middleton, điều phối viên chương trình Mekong tại Tổ chức Các sông quốc tế - một nhóm vận động bảo vệ môi trường của Mỹ - nói.
Thông tin về các đập thủy điện mà Trung Quốc giờ đây sẵn sàng chia sẻ với các nước hạ nguồn Mekong và MRC nên cung cấp cho các cộng đồng ở hạ nguồn, ông nhấn mạnh. "Trung Quốc cần công nhận rằng, Mekong là dòng sông chia sẻ nếu muốn đạt được hòa bình và thịnh vượng trong khu vực".
Theo các nhà phân tích, đạt được hòa bình trong khu vực là một trong những lợi ích của Bắc Kinh vì lý do địa chính trị trong sự "thức tỉnh" của Mỹ thông qua việc giúp quản lý và phát triển sông Mekong.
Vào giữa tháng 5, MRC và Ủy hội sông Mississippi đã ký thỏa thuận đầu tiên về hợp tác quản lý sông, xác nhận một kế hoạch đã được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra vào tháng 7/2009, trong cuộc gặp cấp bộ trưởng đầu tiên Mỹ - hạ nguồn Mekong tại khu nghỉ dưỡng Phuket ở Thái Lan.
Trong chuyến thăm này, bà Clinton cũng đã ký Hiệp ước hữu nghị - một hiệp ước an ninh khu vực mà Bắc Kinh đã ký năm 2003. "Chính sách ngoại giao của Trung Quốc với các nước hạ nguồn Mekong là phản ứng trực tiếp với việc Mỹ ký Hiệp ước hữu nghị năm ngoái", Kavi Chongkittavorn, nhà báo phụ trách khu vực của tờ The Nation, Thái Lan nói. "Bắc Kinh đã mất lợi thế họ có và không thể để có một hình ảnh tiêu cực trong khu vực".
-
Thái An (Theo Atimes)