- Chiều 1/6, các đại biểu tập trung thảo luận ở tổ về dự thảo Luật thanh tra sửa đổi.
>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu
"Gọt chân cho vừa giày"
Có nên thành lập thanh tra chuyên ngành ở cấp tổng cục, cục và chi cục hay không là vấn đề được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận, và cả tranh luận.
ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) hiện đang là Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chia sẻ vui mừng của các ngành liên quan vì Luật sửa đổi đã "gỡ khó", giải quyết những vướng mắc cho công tác thanh tra ở các đơn vị.
ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội): Luật đã gỡ khó cho công tác thanh tra ở các đơn vị. Ảnh: Lê Anh Dũng
"Khi Nhà nước, Chính phủ giao cho một cơ quan chức năng quản lý ngành thì phải trao cho họ cây gậy để quản lý. Muốn cơ quan chức năng quản lý nhà nước thì phải cho họ có cơ quan thanh tra, kiểm tra", bà Hoa nói.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đồng tình: "Thanh tra thực chất là "tai mắt" của cơ quan quản lý nhà nước. Đã có cơ quan quản lý nhà nước là có hoạt động thanh tra".
Bà Hoa nói thêm, Luật Thanh tra năm 2004 xóa bỏ cơ quan thanh tra chuyên ngành, thế nhưng, đến năm 2008, dưới sức ép của các bộ, ngành, Thủ tướng đã ra quyết định tạm thời cho tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành giống như trước năm 2004, dù như vậy là không đúng luật cho lắm.
Thực tế, ở Chi cục của bà Hoa hiện có 7 cán bộ thanh tra chuyên ngành cùng rất nhiều cộng tác viên ở cơ sở. Chi cục trả lương, nhưng theo luật, Chi cục trưởng không có quyền điều động thanh tra, mà các thanh tra chịu trách nhiệm điều động của Giám đốc Sở. Thế nhưng, công việc nhiều, giám đốc Sở có với tới đến nhân viên thanh tra ở chi cục để điều động?
Trái với vui mừng của bà Hoa vì Luật sửa đổi được tạo khung pháp lý cho hoạt động đúng luật, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), thành viên Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, dự thảo chẳng qua là cách "đòi Quốc hội gọt chân cho vừa giày".
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Dự thảo Luật chẳng qua là cách "đòi Quốc hội gọt chân cho vừa giày". Ảnh: Lê Anh Dũng
Luật thanh tra 2004 xóa bỏ thanh tra chuyên ngành, thế nhưng, thực tế thanh tra ở cục, tổng cục và cả chi cục "mọc như nấm sau mưa". Yêu cầu sửa luật theo hướng này chỉ là cách Chính phủ ép Quốc hội "hợp thức hóa", "hợp pháp hóa" việc họ đã làm, ông Minh nhận xét.
"Không cẩn thận chúng ta sẽ tạo nên tình trạng thanh tra chồng lên thanh tra mà không hiệu quả gì", ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cảnh báo. Đồng thời, việc nở rộ thanh tra chuyên ngành không khéo lại khiến Thanh tra Chính phủ ngày càng không thể phát huy, thậm chí không có vai trò gì.
Bà Khánh và ông Minh đều cho rằng, cách cho phép thanh tra tổng cục, cục và chi cục còn đi ngược lại chủ trương tinh giản bộ máy.
Thế nhưng, "dồn hết về thanh tra bộ, sở, có những ngành, lĩnh vực nhiều vấn đề, liệu thanh tra bộ có với tới được không?", ĐB Hoa (Hà Nội) nêu vấn đề.
Bị vô hiệu hóa
Trong khi đó, ĐB Đặng Văn Khanh, Viện trưởng Viện Kiểm sát Hà Nội than nhiều khi quy định luật pháp khiến kết quả thanh tra "bị vô hiệu hóa".
Ông Khanh phân tích, theo dự thảo Luật sửa đổi, kết luận thanh tra phải được người có thẩm quyền chấp nhận mới thực hiện. Cụ thể, người có thẩm quyền là người thành lập đoàn thanh tra hay trưởng đơn vị bị thanh tra? Nếu đơn vị bị thanh tra không chấp nhận, kết luận thanh tra có được thực hiện không?
Hơn nữa, khi thanh tra một vụ việc, đoàn thanh tra đưa dự thảo kết luận, báo cáo với người ra quyết định lập đoàn và người này sẽ quyết định có ra kết luận thanh tra hay không. Điều này khiến cho quy trình ra kết luận dềnh dang, nhiều vụ việc rõ mười mươi vẫn bị ém lại, không ra kết luận hoặc có thì kết luận bị "vo tròn lại".
"Vụ việc vỡ hai đập nước ở Mê Linh là ví dụ điển hình của việc thanh tra xong để đó", ông Khanh đơn cử.
Hơn nữa, như ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) phản ánh, nhiều trường hợp không đáp ứng được tính kịp thời, khiến các đối tượng vi phạm có thể kịp thời che dậy hoặc tẩu tán hành vi sai.
"Không ít trường hợp đưa lên Chính phủ rồi xác định không nghiêm trọng và rút kinh nghiệm, khiến cho thanh tra giống như ông Ác trong chùa, chỉ tối ngày kiếm chuyện", ông Phong nói thêm.
Khi cơ quan thanh tra phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật có thể dẫn đến truy tố trách nhiệm hình sự, có thể chuyển hồ sơ trực tiếp sang cơ quan điều tra không?, ông Phong đặt vấn đề.
"Thực tế lâu nay chưa thanh tra nào dám làm, mà phải báo cáo lên trên chờ ý kiến chỉ đạo", ông Phong nói.
Ông Khanh nói thêm, người ra quyết định lập đoàn thanh tra được trao quyền quá lớn, khiến cho đoàn thanh tra hầu như chỉ làm việc duy nhất là "thu thập tài liệu", mà không có thực quyền thanh tra.
Không khắc phục được những vấn đề này, theo ĐB Khanh, thanh tra tổng cục hay toàn cục thì cũng không làm được gì!
- Phương Loan - Thủy Chung