- Theo một chuyên gia đường sắt, dự án đường sắt cao tốc trình QH thất bại là bởi những người lập dự án nghĩ đơn giản, quá nóng vội, quá chủ quan và rốt cuộc đã không thể thuyết phục được Quốc hội.
"Phải lắng nghe chuyên gia"
Từng lên tiếng phản đối sự “thiên vị” của các lãnh đạo đường sắt khi chỉ trình phương án đường sắt cao tốc 300km/h thay vì phải trình Quốc hội đầy đủ các phương án hiện đại hóa đường sắt, TS Vương Đình Khánh, nguyên Phó TGĐ Tổng Công ty đường sắt Việt Nam coi việc Quốc hội từ chối thông qua dự án là “thất bại của ngành đường sắt”.
“Tôi tiếc cho đường sắt của tôi không được đầu tư gì cả”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, thất bại là bởi những người lập dự án nghĩ đơn giản, “tưởng được cái to” nên quá nóng vội, quá chủ quan và rốt cuộc đã không thể thuyết phục được Quốc hội.
“Tôi mong các anh ấy sẽ rút ra bài học: trước khi trình những dự án lớn cho ngành phải biết lắng nghe, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, phải tiếp thu thì mới thuyết phục được cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước”, ông Khánh nói.
Tỷ lệ biểu quyết lần thứ ba. Ảnh: Lê Nhung
Ông Khánh tâm sự rằng, hơn 30 năm gắn bó với đường sắt, ông luôn ao ước đường sắt được đầu tư, được hiện đại, được nâng thành khổ đôi 1435mm nên lần này ông cũng rất mong Quốc hội có chủ trương đầu tư một số tiền lớn vào hiện đại đường sắt.
“Thế nhưng cũng có lý do cả bởi các anh lãnh đạo đường sắt chỉ trình cái đường sắt cao tốc! Giá như các anh ấy trình thêm các phương án khác như điện khí hóa đường sắt lên thành khổ 1435 hay 200km/h thì có thể sẽ khác”, ông Khánh lý giải
“Buồn cho ngành đường sắt của tôi nhưng tôi vui vì quyền lực của Quốc hội đã gần với ý chí của dân, nó cho thấy nền dân chủ càng ngày càng cao”, vị này nói thêm.
Cũng là người đường sắt, TS Phạm Công Hà (Chủ tịch Hội kinh tế vận tải đường sắt) lấy làm tiếc cho ngành đường sắt.
Ông Hà nói: Giá mà ngành đường sắt trình một dự án (phương án) thiết thực hơn, có sự chuẩn bị kỹ hơn để làm đà cho sự hiện đại hóa đường sắt thì sự thể đã khác, đằng này, họ trình một dự án không thực tế nên Quốc hội đã đúng khi từ chối thông qua một dự án không thực tế.
"Ông tổ" của điện khí hóa đường sắt Việt Nam, GS Bạch Vọng Hà đã chia sẻ: "Tôi cũng mơ ước Việt Nam ta sẽ có những tuyến đường sắt chạy nhanh bằng điện. Nhưng tôi cũng mơ ước Hà Nội và TPHCM sớm có mạng lưới giao thông chạy điện hoàn chỉnh để giải quyết hai vấn nạn lớn nhất hiện nay là kẹt xe và ô nhiễm do ô tô, xe máy gây ra. Tôi nghĩ, giờ chưa phải lúc làm đường sắt cao tốc".
Ông Hà phân tích, vốn để xây dựng các tuyến metro, tàu điện bánh sắt, tàu điện bánh hơi chắc chắn sẽ nhỏ hơn đầu tư cho ĐSCT hàng chục lần, hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn nhiều. Thời gian hoàn vốn cũng ngắn hơn và hiện thực hơn nhiều. Hiện nay, việc huy động một vài tỷ USD để làm một tuyến metro cũng còn khó khăn và các dự án này cũng đã phải kéo dài qua nhiều năm,cho nên, Quốc hội quyết chưa làm ĐSCT là đúng đắn.
Cũng theo ông Hà, nếu dự án ĐSCT được thông qua thì có nghĩa là ta vừa hiện đại hóa đường sắt hiện có, vừa xây dựng ĐSCT, là việc làm không cần thiết và rất tốn kém. Vì, phải xây hai hệ thống cấp điện khác nhau trên hai tuyến. Bởi ĐSCT khổ 1.435mm chạy điện trong khi đường sắt hiện có chạy bằng diezel.
Đó là hai loại sức kéo hoàn toàn khác nhau, không thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau được. Với tính ưu việt của sức kéo điện, chúng ta sẽ phải dùng sức kéo này để hiện đại hóa đường sắt hiện có.
Đường sắt cao tốc Ảnh minh họa |
“Hoan nghênh QH"
“Phải thú thực khi nghe thông tin Quốc hội không thông qua dự án đường sắt cao tốc tôi rất sướng.Tôi hoan ngênh Quốc hội đã nói lên tiếng nói của nhân dân, đã thể hiện được sự thay đổi lớn về vai trò của Đại biểu Quốc hội. Tôi sung sướng và hoan nghênh QH”, TS Nguyễn Quang A nói.
Ông A tâm sự, hai ngày trước, khi biết Quốc hội thăm dò ý kiến đại biểu trước khi “bấm nút” Nghị quyết về ĐSCT, thì có tới 57% đại biểu thông qua.
“Vậy mà hôm nay, chỉ sau hai ngày, nhiều người đã thay đổi! Và tôi cho đó là một sự thay đổi rất tốt, một sự thay đổi “chưa từng có” để đại biểu là chính mình”, TS Nguyễn Quang A bày tỏ.
“Thế là Quốc hội đã “đột phá”, TS Phạm Sỹ Liêm đánh giá, “Quốc hội đã thể hiện ý nguyện của nhân dân trong vấn đề này, đấy cũng là một cái “nhắc nhở” Chính phủ khi đưa những dự án ra cần lấy ý kiến của nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học kỹ càng hơn nữa để có phản biện, có sự đồng thuận cao”.
TS Liêm còn bày tỏ sự vui mừng và cho rằng, quyết định này của Quốc hội thể hiện nền dân chủ cao của chúng ta, nó cho thấy ý nguyện của dân nhân đã rất được tôn trọng
-
Chí Hiếu