- Tại cuộc Đối thoại quan chức Quốc phòng ARF sáng 18/5, giới quan chức quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương tin có tất cả điều kiện và quyết tâm cần thiết để thúc đẩy hợp tác thực sự giữa quân đội các nước.
Đây là cuộc đối thoại quan chức quốc phòng lần thứ 3 kể từ khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch ARF từ tháng 7/2009.
Thiếu biện pháp hợp tác thực tế
Trong 3 giờ thảo luận, các quan chức quốc phòng của ASEAN và các nước đối tác, trong đó có các nước lớn, đã cùng nêu những vấn đề an ninh cùng quan tâm, tập trung thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu tới an ninh khu vực và các giải pháp tăng cường hợp tác.
Ảnh: B.Trung |
Những thách thức an ninh này phức tạp, khó dự đoán hơn và mang tính xuyên quốc gia.
“Cách thức duy nhất để ứng phó với các thách thức này là thông qua hợp tác và đối tác chặt chẽ. Nó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực lớn từ tất cả các quốc gia trong khu vực cũng như sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế”, đại diện nước chủ nhà Việt Nam, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Bộ Quốc phòng Vũ Tiến Trọng phát biểu.
Hợp tác quốc phòng được xem là “mảnh ghép cuối cùng” để hoàn chỉnh quá trình hợp tác đa dạng giữa các quốc gia thành viên.
Trong vài năm qua, hợp tác quân sự giữa các quốc gia ARF đã được định hình và mở rộng với nhiều hình thức hợp tác đa dạng và ở nhiều cấp độ, nhiều kênh khác nhau. Bên cạnh cuộc họp này, còn có Hội nghị chính sách an ninh ARF và cuộc gặp giữa các Học viện Quốc phòng…
Những cuộc gặp thường niên này đóng góp tích cực vào xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia ARF.
Tuy nhiên, “mô hình và mức độ hợp tác vẫn còn hạn chế trong việc trao đổi thông tin, định dạng các mối đe dọa và thiếu các biện pháp để hợp tác thực tế trong các lĩnh vực cụ thể”.
Nhiều gợi ý đã được các nước đưa ra tại buổi đối thoại để tăng cường hợp tác hiệu quả và thực chất của quốc phòng ARF như tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, triển khai nỗ lực chung giữa các tổ chức dân sự và quân sự, tiến hành các diễn tập thực địa và diễn tập trên sa bàn, tăng cường sự tham gia của các quan chức quốc phòng trong cơ chế đối thoại ARF, thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng vũ trang các nước thành viên.
Ảnh: B.Trung |
“Tin rằng chúng ta có tất cả các điều kiện và quyết tâm cần thiết để thúc đẩy hợp tác giữa quân đội các nước trong khu vực vì lợi ích chung”, giới quốc phòng ARF nhận định.
Xây dựng cơ sở dữ liệu chung
Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu đang được tất cả các quốc gia quan tâm, các quan chức cũng chia sẻ mối quan tâm chung và đưa ra nhiều giải pháp gợi ý.
Trong đó, các nước cho rằng cần chia sẻ thông tin, quan điểm; thiết lập các cơ chế hợp tác như thông báo, cập nhật cơ sở dữ liệu, khoanh vùng khu vực ảnh hưởng thiên tai thường xuyên, cảnh báo sớm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân đối phó.
Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu chung của các quốc gia trong khu vực, giúp ứng phó tốt nhất với các thảm họa thiên nhiên.
Quân đội luôn giữ vai trò đi đầu trong xử lý vấn đề thảm họa, vì thế, nhu cầu hợp tác là có thật. Các nước đang cùng bàn thảo để vừa hợp tác hiệu quả, vừa đảm bảo chủ quyền của mỗi quốc gia.
“Hợp tác không có nghĩa là một nước được quyền đưa quân sang nước khác hỗ trợ khi chưa có tiếng nói đề xuất của nước có chủ quyền”, đại diện phía Việt Nam nhấn mạnh bên lề Hội nghị.
Tháng 3/2011, các nước sẽ tham gia diễn tập cứu hộ chung với Indonesia.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Trọng, cho hay, tới nay, các nước chưa có cơ chế ứng xử mang tính bắt buộc trong trường hợp người dân của một quốc gia do thiên tai, ví dụ như bão biển, bị dạt sang một quốc gia khác.
Hội nghị không chính thức các Tư lệnh quốc phòng ASEAN vừa qua đã giao cho các cơ quan chức năng của Việt Nam xây dựng quy chế phối hợp các nước để giải quyết thảm họa xảy ra ở cấp độ khu vực.
Cơ chế quy định trình tự thông tin phối hợp như thế nào đảm bảo nhanh chóng ứng phó thảm họa mà vẫn giữ được chủ quyền an ninh quốc gia - ông Trọng cho hay.
- Phương Loan