
Tổng Bí thư khẳng định: "Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Tư tưởng của Người mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam và dẫn dắt dân tộc ta đến tương lai tươi sáng".
![]() |
Tổng Bí thư: "Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng bản vị, cục bộ địa phương, tham vọng quyền lực, tranh công đổ lỗi... là nguyên nhân chủ yếu gây ra chia rẽ, bè phái". Ảnh: Mạnh Hùng |
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc, Tổng Bí thư cho rằng "Đảng càng phải nắm vững, kiên định, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh".
Theo đó, "nắm vững và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết phải quán triệt đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Người đã chỉ ra cho cách mạng nước ta".
Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là “làm sao cho dân giàu, nước mạnh”, “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt...".
Tổng Bí thư nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng cho một nhóm người nào, của cá nhân nào. Nhiệm vụ của Đảng là một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác".
Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân của đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, vì vậy Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lưu ý phải luôn ghi nhớ lời căn dặn của Người: "cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".
"Trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".
Người đứng đầu Đảng cũng cho rằng công cuộc xây dựng CNXH là công cuộc vĩ đại chưa có tiền lệ, vừa mở đường vừa tiến lên, có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ.
"Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng bản vị, cục bộ địa phương, tham vọng quyền lực, tranh công đổ lỗi... là nguyên nhân chủ yếu gây ra chia rẽ, bè phái, bệnh này tai hại cho Đảng, nó làm hại đến sự thống nhất và thanh danh của Đảng. Đó là một tội ác cần phải loại trừ".
"Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", Tổng Bí thư nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư nhấn mạnh nước ta là một cộng đồng với nhiều dân tộc, giai tầng khác nhau nhưng hễ ai là người Việt Nam cũng có lòng yêu nước, "cách mạng là sự nghiệp của toàn dân, Đảng ta chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình khi tập hợp được toàn dân để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc".
Tổng Bí thư cũng cho rằng: "Phương pháp đại đoàn kết là phát huy dân chủ, vận động, giáo dục, thuyết phục, nêu gương..., lấy thẳng thắn chân thành để đối xử, lấy tin yêu, giúp đỡ nhau để cảm hóa, trân trọng phát huy nhân tố tích cực, hạn chế nhân tố tiêu cực".
Xử nghiêm vi phạm, bất kể người đó ở cương vị gì
Đánh giá 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư cho rằng bên cạnh những thành tựu mang tính lịch sử chúng ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức và nguy cơ tụt hậu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thêm vào đó, "những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội... chậm được khắc phúc, tệ quan liêu tham nhũng lãng phí, suy thoái đạo đức lối sống... chưa được đẩy lùi".
"Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy thật đầy đủ, còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị, xã hội", Tổng Bí thư lưu ý.
2010 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra vào đầu năm 2011. Vì vậy, cần "mở rộng sinh hoạt dân chủ nhằm tập hợp được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện trình Đại hội", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
- Cao Nhật