- Bên hành lang QH sáng nay (28/5), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Hà Văn Hiền cho hay, Luật Khoáng sản sửa đổi lần này sẽ đưa ra quy định khắc phục tình trạng cấp giấy phép dễ dãi, xin - cho và chạy dự án.
>> Nghị trường và dấu ấn đại biểu
Hạn chế xin - cho dự án
Bộ trưởng Công thương trả lời phỏng vấn báo chí hôm qua nói rằng đang có một "nghịch lý" là những nơi giàu khoáng sản thì đời sống nhân dân đa phần vẫn khó khăn. Vậy ai hưởng lợi từ việc khai thác khoáng sản? Từng đi làm việc ở các địa phương để thẩm tra dự án luật, ông thấy thực tế thế nào?
- Không hẳn là như vậy. Nhưng có một vấn đề là quyền lợi của người dân ở những nơi nhiều khoáng sản chưa được đảm bảo, chưa thỏa đáng.
Dự án Luật Khoáng sản sửa đổi lần này đặt ra vấn đề về chính sách và sự điều tiết hợp lý nguồn thu cho các địa phương có khoáng sản. Những địa phương này sẽ được bù đắp một phần kinh phí để đầu tư cho phát triển.
Trả lời phỏng vấn VietNamNet mới đây, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) phản ánh tình trạng tỉnh cấp phép cho một DN khai thác vàng trên đất nông nghiệp, đất rừng tự nhiên và cho rằng ở đây đã xảy ra chuyện chạy dự án. Trong quá trình đi thẩm tra luật, ông đánh giá hiện tượng này thế nào?
- Hiện tượng cấp chồng chéo dự án lên nhau là chuyện dễ hiểu vì phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng, vùng nào được cấp, vùng nào không được cấp phép vẫn chưa rõ ràng.
Trong cuộc giao ban trực tuyến ở Ủy ban Kinh tế vừa qua, có người nói hiện nay doanh nghiệp đang lũng đoạn khai thác khoáng sản. Luật sửa đổi sẽ sửa những vấn đề này thế nào?
- Thực tế là quy hoạch khai khoáng hiện nay chưa tốt, đều là do điều tra cơ bản, quy hoạch và phân cấp chưa tốt nên mới dẫn đến tình trạng như vậy.
Cho nên ở chỗ lẽ ra chưa khai thác, khu vực hạn chế thì vẫn cứ được cấp phép khai thác.
Dự thảo cũng quy định rõ ràng hơn về điều kiện để DN được nhận giấy phép khai khoáng. Ghi rõ thủ tục minh bạch để khắc phục tình trạng xin - cho, chạy chọt như hiện nay.
Tới đây, chúng ta sẽ khắc phục tình trạng quy hoạch chưa tốt theo hướng nào? Giao cơ quan nào chủ trì?
- Nội dung sửa đổi xoay quanh chuyện quy hoạch, phân cấp và cơ chế tài chính.
Về quy hoạch, sẽ phải quy định rõ các loại quy hoạch, cơ quan chịu trách nhiệm. Có ba loại quy hoạch là quy hoạch về điều tra cơ bản, quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản chung của cả nước, quy hoạch chế biến khoáng sản. Tùy mỗi loại quy hoạch để ứng với việc phân quyền tương ứng.
Chẳng hạn, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm về quy hoạch điều tra cơ bản và quy hoạch thăm dò chung của cả nước. Quy hoạch chung về khai thác khoáng sản phải được Thủ tướng phê duyệt.
Bộ TN&MT cũng là cơ quan cấp phép khai thác khoáng sản và thanh tra khai thác khoáng sản.
Các Bộ Công thương, Xây dựng sẽ lập quy hoạch khai thác và chế biến khoáng sản theo nhu cầu sử dụng của các ngành này.
Đảm bảo quyền lợi dân
Hiện nay, tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản trong cả nước đang bộc lộ khá nhiều bất cập, mà Cao Bằng chỉ là một ví dụ. Vậy Luật khoáng sản sửa đổi lần này cần tính tới những điểm mấu chốt gì để khắc phục?
- Luật hiện hành đang có một hạn chế là tuy phân cấp nhưng lại chưa phân định rõ ràng trách nhiệm Trung ương với địa phương.
Thảo luận tại Hội trường về KT-XH, nhiều ĐB phản ánh tính trạng loạn khai khoáng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chăm chú ghi chép các ý kiến. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Vì thế mới sinh ra chuyện cấp giấy phép dễ dãi như vừa qua. Người ta cấp phép cho cả những doanh nghiệp chưa đủ năng lực. DN nhận được quyền khai thác lại chuyển nhượng lẫn nhau.
Trong lần sửa đổi này, Luật đưa ra quy định là Bộ TN&MT sẽ quy hoạch và khoanh vùng những mỏ do Trung ương cấp phép và quản lý.
Còn lại, địa phương quản lý và cấp phép các mỏ nhỏ lẻ hoặc loại khoáng sản thông thường như cát xây dựng, đá xây dựng...
Phân chia như vậy sẽ dễ dàng hơn khi xác định trách nhiệm.
Nhưng ông có e ngại xảy ra xung đột giữa Trung ương - địa phương trong việc xác định quy mô mỏ to, mỏ nhỏ?
- Nếu Luật được thông qua nhưng Bộ TN&MT không công bố sớm quy hoạch phân vùng khoáng sản mà cứ giữ khư khư thì sẽ gây khó khăn cho địa phương. Nếu không làm sớm, sẽ sinh ra chuyện tiêu cực.
Một vấn đề sẽ sửa đổi lần này là về tài chính khoáng sản. Điểm mới lần này là quy định về tổ chức đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản.
Thông qua điều tra cơ bản sẽ xác định được vùng nào cấp phép trực tiếp, vùng nào phải đấu giá. Còn theo cách thức nào thì Chính phủ quy định.
Lâu nay, khi cấp phép cho DN khai thác thì nhà nước chỉ thu thuế tài nguyên và phí môi trường.
Thực tế, khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước. Khi giao cho DN khai thác, anh đã giao quyền sở hữu cho DN đó và họ sẽ có toàn quyền để định đoạt việc bán thế nào, giá cả bao nhiêu. Nhà nước chỉ thu được mỗi thuế.
Sắp tới, khi cấp phép khai thác, Nhà nước sẽ thu tiền cấp quyền khai thác mỏ, ngoài ra anh vẫn phải tuân theo các nghĩa vụ khác như thuế môi trường, thuế giá trị gia tăng.
Cấp huyện, xã, nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng của việc đào phá, tác động môi trường lại có rất ít quyền để giám sát, chỉ có quyền lớn nhất là "báo cáo và chấp hành quyết định đăng ký của cấp trên". Ông thấy cần thay đổi thêm điểm gì để khắc phục hạn chế này?
- Chúng tôi cũng đã tính đến quyền lợi của nơi có mỏ khoáng sản. Vì lâu nay vẫn có một hệ lụy từ khai khoáng như hạ tầng bị phá hủy, không khí, nước đều ô nhiễm. Vậy thì người dân nơi có mỏ sẽ được hưởng cái gì?
Luật sẽ đưa ra một quy định là ở những địa phương có mỏ khoáng sản, các DN phải có trách nhiệm gì và nhà nước sẽ điều tiết nguồn thu ra sao, để lại cho địa phương bao nhiêu thì hợp lý.
Ngoài ra, người dân trên địa bàn phải được tham khảo và lấy ý kiến trong quá trình thăm dò.
-
Lê Nhung