- Một nữ nhà văn Mỹ đã dành tâm huyết trong hành trình tìm kiếm diễn biến "Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong" thông qua các tài liệu giải mã được lưu giữ ở Anh, Pháp, Hongkong. Đó là Lady Borton, người có đời sống gắn bó với Việt Nam hơn 30 năm qua.
Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong |
Cầm trên tay cuốn "Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong" bằng tiếng Việt xuất bản mùa hè năm 2004, bà Phí Thị Mùi, trưởng phòng Kiểm kê - Bảo quản của Bảo tàng Hồ Chí Minh, nói nếu không có bà Lady Borton, thì không thể có chương hai của cuốn sách này.
Bà Mùi, cũng là người biên tập bản thảo, cho hay một trong những nội dung chính của cuốn sách, diễn biến vụ án Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền thực dân Anh bắt giam tại Hongkong được giới thiệu đến bạn đọc chính là từ tài liệu sưu tầm từ Anh, Pháp, Hongkong của bà Lady Borton.
Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong (1931-1933) được biết đến là một vụ án nổi tiếng trong lịch sử tòa án Hongkong thế kỷ XX, đánh dấu một giai đoạn hoạt động cách mạng bí mật đầy sóng gió của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dù đã có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tìm hiểu, giới thiệu song những tư liệu, đặc biệt là các tài liệu giải mã vụ án lưu trữ ở phía Anh, Pháp, Hongkong chỉ được bắt đầu sưu tầm công phu khi bà Lady Borton đến London trong một chuyến công tác năm 2000.
Cho đến trước khi có sưu tầm của bà Lady Borton, Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn chưa tiếp cận được nguồn tài liệu này. Khi đó, cái tên Tống Văn Sơ (Sung Man Cho), tên hoạt động của Người ở Hongkong, vẫn là "từ khóa" chưa phổ biến. Một trong những nguồn được coi là tư liệu chính thống nhất chính là tác phẩm "Vừa đi đường vừa kể chuyện" của Hồ Chủ tịch công bố từ năm 1961.
"Khi nghiên cứu xử lý các tư liệu sưu tầm do bà Lady Borton gửi tặng Bảo tàng, một trong những cảm nhận của chúng tôi là sự đối mặt đầy hiểm nguy của Người cũng như sự khôn khéo, tài tình, bản lĩnh tuyệt vời của Hồ Chủ tịch.
Những trang tài liệu sưu tầm của bà, được lựa chọn một số đăng trong cuốn sách có thể giúp độc giả phần nào biết được những gì chính quyền thực dân Anh và Pháp câu kết để bắt Nguyễn Ái Quốc, âm mưu đưa Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương, hoặc đưa đến một nơi xa xôi nào đó là thuộc địa của Pháp, nhằm vô hiệu hóa hoạt động chính trị của Người và thủ tiêu Nguyễn Ái Quốc", bà Mùi nói.
Nguyên Phó Ban Đối ngoại trung ương, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Trịnh Ngọc Thái, đồng thời là người dịch các tư liệu do bà Borton sưu tầm cũng nói: “Lady là người tâm huyết nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Những tài liệu do bà sưu tầm rất quý, nhiều phát hiện mới và sưu tầm được những tài liệu mà Việt Nam chưa có”.
Từ khóa "Nguyen Ai Quoc"
Nhà văn Lady Borton nhớ lại khoảng năm 2000, bà có việc riêng sang London. Lúc đi, một người bạn Việt Nam là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Tình nhờ bà ghé qua trung tâm lưu trữ ở London để xem có bất cứ tư liệu nào liên quan đến luật sư Loseby, người đã giúp đỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong". Sau khi thu xếp công việc riêng ở London cho đến trước khi trở lại Hà Nội, bà dành ba ngày ghé qua Trung tâm lưu trữ Quốc gia ở London.
"Bắt đầu bằng từ khóa "Loseby", tôi không tìm thấy kết quả như mong đợi. Tiếp đó, từ "Hồ Chí Minh" cho ra hàng loạt kết quả. Ba ngày trong trung tâm lưu trữ, nhưng không cho ra kết quả nào về một giai đoạn hoạt động cách mạng có liên quan đến luật sư Loseby hay vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong".
Buổi sáng cuối cùng ở trung tâm lưu trữ, sau khi tìm qua tất cả tài liệu liên quan từ khóa "Hồ Chí Minh", bà suy nghĩ không thể không có bất cứ tài liệu nào về vụ án này khi mà Hongkong là thuộc địa của Anh. Quyết định đánh thử từ khóa mới "Nguyen Ai Quoc", kết quả bất ngờ cho ra hai hộp tư liệu với nhiều nội dung mong đợi hơn dự kiến. 3 giờ trước khi ra sân bay, bà chỉ kịp đủ thời gian photo 250 trang tài liệu để mang về Hà Nội.
Nhà văn Mỹ Lady Borton. Ảnh: XL |
Khi tặng tài liệu cho Bảo tàng Hồ Chí Minh xử lý chuyên môn, bà cũng kịp sao một bản để cá nhân đọc và tìm hiểu. Những trang tài liệu bỗng cuốn nữ nhà văn vào hành trình theo dòng vụ án đầy những khúc mắc bí ẩn để biết cách nào Nguyễn Ái Quốc trở về an toàn trước hàng loạt toan tính, âm mưu của chính quyền thực dân Anh và Pháp.
Tài liệu ghi lại ngày 6/6/1931, cảnh sát Anh ở Hongkong bí mật bắt Nguyễn Ái Quốc, lúc đó lấy tên là Tống Văn Sơ (Sung Man Cho) ở Cửu Long, Hongkong. Chính quyền Pháp mừng rỡ và mở cuộc vận động chính quyền Hongkong, sau đó là chính quyền Anh ở London để giao Nguyễn Ái Quốc cho Pháp.
Vai trò của hai luật sư Loseby và Jenkin, cùng hàng loạt thư điện tín giữa Anh và Pháp bấy giờ làm rõ những âm mưu thủ tiêu Người... tất cả hiện lên thật rõ. Bà quyết định trở lại London tìm tiếp tư liệu lưu trữ của Bộ Thuộc địa Anh, Bộ Ngoại giao, các trung tâm lưu trữ...
Để rõ hơn, bà tính cách đến Paris tìm kiếm tài liệu trong các trung tâm lưu trữ của Bộ thuộc địa Pháp, Bộ Ngoại giao Pháp. Bà cũng đến Hongkong để tìm tư liệu từ báo chí do vụ án Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ nổi tiếng trong lịch sử tòa án Hongkong, tìm đến nhà tù Victoria, nơi Người bị giam giữ, Tòa án Tối cao Hongkong, nơi diễn ra 9 phiên xét xử vụ án này...
Vẫn tiếp tục hành trình
Bộ sưu tập của Lady Borton đóng góp cho Bảo tàng Hồ Chí Minh là diễn biến vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong từ ngày 6/6/1931 đến ngày 22/1/1933. Trong cuốn sách "Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong" xuất bản năm 2004, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã công bố, bao gồm các nội dung rất phong phú.
Đó là tư liệu về Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hongkong, tư liệu về việc chính quyền Pháp vui mừng khi Nguyễn Ái Quốc bị bắt và kế hoạch vận động giao Nguyễn Ái Quốc cho Pháp, tư liệu về âm mưu của chính quyền Anh và Hongkong trục xuất Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương, báo chí đưa tin nhà cầm quyền Anh bắt Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong.
Tư liệu về 9 phiên tòa xét xử Nguyễn Ái Quốc, diễn biến sau 9 phiên tòa, báo chí đưa tin Nguyễn Ái Quốc chết trong tù ở Hongkong, tư liệu sau khi Nguyễn Ái Quốc rời khỏi Hongkong, tư liệu về việc Hội đồng cơ mật Hoàng gia Anh ở London giải quyết đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc... Tất cả sống động và có nhiều nội dung trùng khớp như Hồ Chủ tịch kể trong "Vừa đi đường vừa kể chuyện".
Gần 10 năm sau kể từ khi cuộc sưu tầm tư liệu vụ án Hong Kong, bà Lady Borton vẫn không ngừng nghỉ việc tìm kiếm. Với bà, dường như câu chuyện vẫn còn những điều chưa khám phá hết. Những chuyến đi lại London, Paris, Hongkong đều do bà Lady tự chi trả. Bà còn tình nguyện giúp Bảo tàng Hồ Chí Minh dịch và biên tập một số cuốn sách quý về Hồ Chí Minh.
Bà Mùi kể vừa nhận điện thoại từ Lady Borton nói mới tìm ra tài liệu liên quan đến luật sư Jenkin, người biện hộ cho Nguyễn Ái Quốc trong vụ án ở Hongkong.
“Chỉ có một tình cảm yêu mến sâu đậm với Việt Nam, với Hồ Chủ tịch, sự nghiệp cách mạng của Người, bà Lady mới dành nhiều tâm huyết đóng góp tự nguyện cho việc sưu tầm này như vậy”, bà Mùi nói.
-
Xuân Linh