221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1277956
Nợ quốc gia tăng sát mức an toàn
1
Article
null
Nợ quốc gia tăng sát mức an toàn
,

- Nợ Chính phủ tiếp tục tăng, 8/25 chỉ tiêu về xã hội và môi trường không đạt, tỷ lệ khu công nghiệp, chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đang ngày càng ít đi.

Hai Ủy ban của Quốc hội là Kinh tế và Tài chính - Ngân sách đưa ra những cảnh báo này sau khi thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách cuối năm 2009 và những tháng đầu năm nay.

Tỷ lệ dư nợ tăng ngày càng nhanh

Mô tả ảnh.
Người dân tham quan các gian hàng điện máy trong siêu thị trước dịp hè. Ảnh: LN

Theo nhận định chung, tình hình kinh tế - xã hội từ cuối năm đến nay có khởi sắc tích cực.

GDP quý cuối năm 2009 tăng cao hơn, đưa tốc độ tăng trưởng cả năm đạt mức 5,32%, cao hơn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội (5,2%)

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12/2009 tăng thấp, 6,52%, thấp hơn số ước thực hiện 7% đã báo cáo Quốc hội.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, "nền kinh tế đang tồn tại nhiều khó khăn tiềm ẩn cần kịp thời nhận diện và giải quyết".

Đáng lo ngại là tỷ lệ dư nợ của Chính phủ đang tăng ngày càng nhanh: 33,8% GDP năm 2007, năm 2008 tăng lên 36,2% và 2009 là 41,9%.

Như cảnh báo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, dự kiến dư nợ Chính phủ năm nay có thể lên tới 44,6%. Có hai nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này, đó là việc tăng phát hành trái phiếu Chính phủ và điều chỉnh mức tăng bội chi ngân sách đột biến lên trên 5% GDP.

"Mức dư nợ Chính phủ và nợ quốc gia tăng sát mức an toàn cho phép. Vay nợ trong nước và nước ngoài gặp khó khăn, phải vay với lãi suất cao, dẫn đến việc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia đứng trước những khó khăn cho nhiều năm sau", Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định.

Theo đó, việc điều hành ngân sách và đảm bảo an ninh tài chính trong năm nay sẽ khó khăn. Đây chính là một thách thức cho việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi và giữ vững an ninh tài chính.

Mô tả ảnh.
Quốc hội lo ngại về tỷ lệ dư nợ Chính phủ đang tăng dần. Nguồn số liệu: Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội.

Trong những năm tới, Ủy ban này vẫn kiên trì đề xuất cần đảm bảo bội chi trong giới hạn 5% GDP, đồng thời thận trọng với các trường hợp đòi hỏi nguồn vốn ngân sách lớn.

Trong một cảnh báo liên quan đến chính sách tiền tệ, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc thắt chặt tiền tệ như năm vừa qua có phần quá mạnh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Dư nợ tín dụng bình quân năm 2009 tăng 3,13%/tháng. Nhưng đến tháng 1 năm nay chỉ tăng 0,26%, các tháng tiếp theo đều tăng dưới 2%.

Chính tốc độ sụt giảm quá nhanh của mức tăng tổng dư nợ tín dụng đã làm cho doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Tổng phương tiện thanh toán tăng thấp khiến tín dụng tăng thấp và lãi suất tăng cao không bình thường.

"Chật vật"

Trong khi các chỉ tiêu kinh tế được cho là vượt so với dự tính, thì nhiều vấn đề xã hội lại chưa được giải quyết. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, chỉ tiêu xử lý ô nhiễm môi trường thấp.

Thống kê hộ nghèo thì mỗi nơi một phách. Tổng cục Thống kê nói còn 12,3% hộ nghèo, trong khi con số do Bộ LĐTB&XH đưa ra là 11,3%.

8/25 chỉ tiêu không đạt đều là các chỉ tiêu xã hội ảnh hưởng sát sườn đến người dân như tỷ lệ dùng nước sạch ở đô thị, chất thải rắn được thu gom...

Đáng lưu ý là tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đang tiếp tục "giật lùi", chỉ đạt 50%, thấp hơn so với năm 2008 (60%).

Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra, chất lượng tăng trưởng kinh tế là mục tiêu được nói đến nhiều năm nay nhưng vẫn chưa cải thiện là bao. Dự kiến, hệ số ICOR năm 2010 sẽ rất cao.

Ngay những tháng đầu năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, đặc biệt hàng hóa thiết yếu với dân như thực phẩm, giao thông, dịch vụ...

Việc điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản như điện, than, nước, xăng dầu diễn ra gần như đồng thời trong một khoảng thời gian rất ngắn cùng với việc điều chỉnh tỷ giá liên tục diễn ra ngay trước Tết đã gây hiệu ứng cộng hưởng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đột biến trong quý I năm nay.

Điều này gây ra tâm lý hoang mang lo lắng cho người dân và doanh nghiệp.

Nhận định chung của Ủy ban Kinh tế là nền kinh tế năm nay sẽ phải chật vật để cùng lúc đạt hai mục tiêu: ổn định cân đối vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm qua. Và trước mắt đang là hàng loạt vấn đề bức xúc của đời sống người dân.

Báo cáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trọn ngày hôm nay (7/5) trước khi đưa ra nghị trường 2 tuần tới.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,