221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1279626
"Mỗi anh ôm một ít"
1
Article
null
'Mỗi anh ôm một ít'
,

- "Tài nguyên bị băm nát" là trăn trở của tất cả các nhà khoa học dự hội thảo về tài nguyên khoáng sản do VUSTA tổ chức ở Hà Nội.

Các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật VN (VUSTA), giới nghiên cứu và quản lý thảo luận cả ngày 14/5 về tài nguyên khoáng sản và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Chạy theo để nắm

Báo cáo của Viện Tư vấn phát triển CODE chỉ rõ, công tác quản lí khai thác khoáng sản còn mang nặng lợi ích kinh tế, tăng trưởng GDP và tư duy nhiệm kì, chưa chú trọng yếu tố phát triển bền vững.

Quản lý khoáng sản chưa có tổ chức thống nhất đủ thẩm quyền để điều phối các bên liên quan trong việc quản lý bảo vệ và khai thác khoáng sản. Hiện nay, hoạt động của một mỏ khai khoáng do nhiều bên chịu trách nhiệm quản lý, giám sát: Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và UBND địa phương.

Việc quản lý chồng chéo, gián đoạn tạo kẽ hở buông lỏng quản lý để các tổ chức, cá nhân lợi dụng… "Khi có vấn đề xảy ra mới phối hợp giải quyết nhưng trách nhiệm không thuộc về ai", ông Phạm Quang Tú từ CODE nói.

Mô tả ảnh.
Khai thác titan ở Ninh Thuận đang làm dấy lên mối lo về các hoang mạc. Ảnh: Báo Ninh Thuận online

"Hiện nay quản lý rời rạc, mỗi anh ôm một ít, khó làm lắm". Thế nên mới có chuyện Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định Nguyễn Văn Thắng than "nhiều lúc chúng tôi phải chạy theo để quản lí việc khai khoáng".

Ông Thắng nói thêm, có nắm được trữ lượng của mỏ, địa phương mới quản lý được. Thế nhưng ở Bình Định, DN báo cáo tới đâu thì chính quyền hay tới đó, không thể kiểm tra. Tiếng là giám sát, quản lý, nhưng sở không biết họ khai thác bao nhiêu và trữ lượng mỏ có bao nhiêu.

Chúng ta quy định không xuất khoáng sản thô ra bên ngoài, song không biết bằng cách nào, đi đường nào và vào lúc nào, mà khoáng sản Việt Nam khai thác xong cứ "chạy" hết sang Trung Quốc, ông Thắng nói.

"Chúng tôi theo dõi liên tục, tổ chức cả người đi sang giáp biên giới, tại Quảng Ninh, mà không quản lý nổi. Không biết bằng cách nào, khoáng sản vẫn thất thoát đều sang Trung Quốc".

Phó Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái Lê Đình Đạo bổ sung, địa phương được giao nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thế nhưng, lại bị giao kiểu "khoán trắng". Muốn kiểm tra, bảo vệ cũng không có ngân sách.

Đào và chặt

Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên lo ngại, dường như mô hình phát triển của Việt Nam thời gian qua là "nhà nước và nhân dân cùng đào".

Cùng hướng vào xuất khẩu như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng cái khác của chúng ta là dựa nguyên lý "đào, chặt" để xuất khẩu.

Lo lắng của Chủ tịch Tổng hội địa chất VN Nguyễn Khắc Vinh lại là " đào tài nguyên đem bán, nhưng nhu cầu khoáng sản của thế giới ta lại không nắm được... Phát hiện thấy quặng là bới lên để khai mỏ mà không biết sẽ bán cho ai".

Vì thế, "tài nguyên bị băm nát" là điều trăn trở của tất cả các nhà khoa học tại cuộc hội thảo.

"Chừng nào nhà nước còn dựa vào khai thác tài nguyên là chính, nhân dân cũng sẽ "thi đua" với nhà nước để đào và lén lút bán ra ngoài phần tài nguyên của đất nước", ông Thiên nói.

Hơn lúc nào hết, yêu cầu về một chiến lược phát triển thay thế đang đặt ra cấp thiết, nhằm phát triển bền vững. "Cần tăng năng lực sống để người dân có thể không phải dựa vào tài nguyên mà sống và phát triển".

Ai hưởng lợi?

Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định Nguyễn Văn Thắng đặt vấn đề: "Khai thác khoáng sản nhà nước lợi gì, dân lợi gì, hay chỉ DN là có lợi?".

Tài nguyên thiên nhiên theo luật định là tài sản quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân, việc khai thác phải đem lại lợi ích cho đa số nhân dân. Thế nhưng, không những không đem lợi, "DN khai thác khoáng sản có khi còn phá đường của dân", TS Vinh nói. "Chỉ đóng vài đồng thuế tài nguyên, cộng thêm "nháy nháy" cho vài quan chức, thế là họ nghiễm nhiên tận thu tài nguyên đất nước".

"DN khai thác xong rồi đi, hệ quả xã hội - môi trường còn lại, đã có nhà nước lo", ông Thắng nói.

Đồng tình, ông Đào Trọng Hưng (Viện Khoa học - công nghệ VN) nêu quan ngại về cách quản lý tài nguyên theo lãnh thổ, theo ngành hiện nay. Tập đoàn Than - khoáng sản ( TKV) được nhà nước cấp phép, khai thác trong phần lãnh thổ của mình, còn địa phương phải lo dọn hậu quả.

Ông Hưng dẫn lời một chủ tịch phường ở Quảng Ninh, "mọi hậu quả thì gọi đến phường, còn tàu than ở đâu, phường không được biết".

Theo ông Thắng, cốt lõi của vấn đề khai khoáng là "giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế giữa DN - nhà nước và người dân địa phương".

Ông Trần Đình Thiên nhận định Luật Khoáng sản sửa đổi sắp tới phải là công cụ pháp lý để thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Tài nguyên đào lên chỉ mới là nguồn lực, nó phải được thị trường hóa. Hiện nay, cấu trúc sở hữu tạo nên các nhóm lợi ích kiểm soát quá trình thị trường hóa nguồn lực, hướng lợi ích vào số ít người. Muốn phát triển bền vững, phải phá vỡ cho được cấu trúc sai lạc đó - ông Thiên khẳng định.

  • Phương Loan
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,