- Thẩm tra dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội (KHCN&MT) cho rằng, cần tính toán thời điểm xây đường sắt cao tốc hợp lý vì lo ngại gánh nặng nợ quốc gia sẽ tăng.
Chiều nay (20/5), Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tán thành nguyện vọng muốn xây đường sắt cao tốc, song cơ quan thẩm tra là Ủy ban KHCN&MT nhận định,cần xem xét, quyết định một cách thận trọng trong quan hệ giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, trên cơ sở tiềm năng tài chính, hiệu quả đầu tư và bối cảnh nợ nước ngoài gia tăng. Cân nhắc thời điểm xây dựng Ủy ban nhận định, dự án kéo dài 25 năm với những biến động khó lường, những rủi ro trong quá trình xây dựng dẫn tới tăng vốn đầu tư vì tăng khối lượng và đơn giá xây dựng cơ bản đến 77% là xây dựng hầm, cầu cạn, cầu qua sông và qua đường bộ, do phát sinh những vấn đề liên quan đến thiết kế, biến động về tỷ giá, giá cả, thị trường, do thu xếp tài chính không đáp ứng tiến độ. "Tổng mức đầu tư sẽ không dừng ở 56 tỷ USD", Chủ nhiệm Ủy ban, ông Đặng Vũ Minh cảnh báo.
Với tổng mức đầu tư của riêng giai đoạn đầu là 21 tỷ USD, mỗi năm bình quân cần tới 2,63 tỷ USD, phụ thuộc đến 2/3 vào vốn vay nước ngoài. Trong bối cảnh nợ nước ngoài của Việt Nam vào khoảng 38,9% GDP, nợ Chính phủ đã ở mức trên 42% GDP, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng đáng kể. Lo ngại khả năng huy động vốn, Ủy ban KHCN&MT đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cụ thể và chi tiết hơn về vấn đề này, đồng thời làm rõ mức đầu tư cho việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách địa phương. Với thu nhập quốc dân (GDP) hiện nay của nước ta khoảng 110 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 6 - 7%/năm thì chưa thể đáp ứng vốn đầu tư cho nhiều ngành kinh tế, trong khi đó yêu cầu đầu tư cho dự án này là quá lớn. Dự án "ngốn" số tiền khổng lồ nên hiệu quả tài chính không cao.
Rất cần thiết lượng hóa tác động của những rủi ro này cũng như đánh giá mức độ nhạy cảm của các chỉ tiêu kinh tế.
Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường Đặng Vũ Minh: Đề nghị Quốc hội xem xét quyết định theo từng cụm dự án thành phần. Ảnh: TTXVN
Nhiều thành viên Ủy ban KHCN&MT đề xuất nâng cấp tuyến đường sắt hiện nay.
Nếu lựa chọn giá vé bằng một nửa giá vé máy bay thì hiệu quả kinh tế cao nhất với tỷ lệ nội hoàn kinh tế (EIRR) là 10,6%, nhưng vẫn nằm dưới mức tối thiểu yêu cầu là 12%.
Nếu giá vé bằng 75% giá vé máy bay thì người dân sẽ ưu tiên chọn máy bay.
VÌ vậy, Ủy ban đề xuất tính giá vé phù hợp để thu hút khách và đạt hiệu quả tài chính, đồng thời khai thác dịch vụ ngoài vận tải để đạt tỷ lệ nội hoàn tài chính cao hơn.
Theo ông Minh, khi làm dự án, cần phân tích nợ quốc gia để đảm bảo trong tầm kiểm soát.
Nên nâng cấp tuyến đường hiện tại?
Sẽ có 16.529 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó 9.480 hộ mất đất ở và 7.049 hộ mất đất sản xuất. Nhưng phương án di dân còn rất sơ bộ, cần tính đến sự phức tạp của công tác này, đặc biệt với những địa phương như TP.HCM và Đà Nẵng hiện không còn quỹ đất dự trữ.
Thường trực Ủy ban nhận định, trong chiến lược và quy hoạch xác định xây dựng các đoạn tuyến cụ thể thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài 2020km, không có đoạn tuyến nào kéo dài từ Hà Nội đến TP.HCM. Vì vậy, cần làm rõ mối quan hệ của dự án này trong quy hoạch ngành.
Tổng chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là 30.437 tỷ đồng. Nhưng thực tế sẽ lớn hơn bởi còn chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp.
Ngoài phương án mà Chính phủ đề xuất, nhiều thành viên Ủy ban cũng đề xuất nên chăng nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại.
Trước mắt, đồng thời với việc xây dựng mới tuyến đường đôi khổ 1,435m, tốc độ giai đoạn 1 là 200km/h, sau đó khi đủ điều kiện thì sẽ phát triển thành đường sắt cao tốc với tốc độ 300km/h.
So với phương án 4 Chính phủ đề nghị thì phương án này sẽ giải quyết được cả việc vận chuyển hành khách và hàng hóa, chi phí ban đầu thấp hơn, không gây áp lực lớn về vốn đầu tư và sẽ khả thi hơn.
Tuy dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh không có tác động lớn đến ô nhiễm không khí nhưng có đi qua một số vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các dải rừng nguyên sinh là những vùng nhạy cảm về môi trường, sẽ có ảnh hưởng nhất định đến hệ sinh thái rừng, nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm… đã tồn tại và được tự nhiên chọn lọc qua nhiều thế hệ.
Vì vậy, cần nghiên cứu phương án xây dựng hợp lý nhất, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan. Cần hạn chế tối đa diện tích cây rừng phải chặt hạ, tăng cường trồng rừng ở những phần đất trống, có phương án bảo vệ, phòng, chống xói lở.
Với hơn 1.500 ha đất nông nghiệp phải thu hồi, cần tính đến việc duy trì diện tích đất nông nghiệp cần thiết. Cần tính toán ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động đến các yếu tố gây bất lợi cho Dự án như: địa chất, thủy văn, bão lũ, v.v...
Thường trực Ủy ban kiến nghị QH xem xét từng cụm dự án thành phần và phải báo cáo QH trước khi khởi công từng dự án. Trước mắt là đến năm 2020.
Với tổng mức đầu tư hiệu chỉnh và cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với dự án cũng thuộc thẩm quyền của QH nên không thể giao Chính phủ quyết định như kiến nghị của Chính phủ.
Chiều mai (21/5), các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ về dự án này và sẽ xem xét thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tại phiên bế mạc sáng 19/6.
Đến 2020 đưa vào khai thác đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP.HCM; 2030 đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào 2035. Tổng số nhu cầu sử dụng đất là 4.170 ha, trong đó 383,7ha là đất ở khu dân cư tại vùng đô thị, 813,1ha là đất ở khu dân cư vùng nông thôn, 1.589,3ha đất nông nghiệp và 1.383,9ha đất rừng
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam với chiều dài 1.570km, đi qua 27 ga. Tàu nhanh đi hết 5 giờ 38 phút, tàu thường 6 giờ 51 phút. Dự kiến khởi công 2012.
-
Lê Nhung