Ở phần 1, bài viết đã trình bày tới thực trạng các công ty công nghệ cao của Đức thấp thỏm lo âu trước việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm. Trong phần hai này, tác giả đưa ra các biện pháp thực tế mà những hãng sản xuất Đức áp dụng để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Tại Hanau, một thành phố gần Frankfurt ở bang phía tây Hesse, việc trả lời cho câu hỏi đưa ra là điều quyết định cho tương lai của Vacuumschmelze, còn gọi là VAC - một công ty với 3.800 nhân viên chuyên sản xuất nam châm vĩnh cửu. "Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình Trung Quốc”, giám đốc bán hàng khu vực châu Âu Helmut Dönges nói.
Mỏ Bayan Obo ở Trung Quốc. Ảnh: Google Earth
VAC là một trong những nhà nhập khẩu neodymium - một kim loại nằm trong nhóm đất hiếm với những thuộc tính đặc biệt - lớn nhất, Nam châm neodymium có tính từ trường mạnh gấp 25 lần những loại làm từ ferit thông thường. Neodymium là vật chất quyết định của nhiều ngành công nghiệp thế kỷ 21.
Loại vật liệu đặc biệt này được vận chuyển bằng tàu theo từng khối kích cỡ vừa tay cầm. Tại Hanau, từng khối này được tháo dỡ, ép vào khuôn và nung ở nhiệt độ cao để dùng cho nhiều ứng dụng khác nhau: trong động cơ máy, công tơ điện, máy khoan răng, hệ thống lái có trợ lực và bộ điều chỉnh cửa sổ.
Các nhà cung cấp ô tô là khách hàng lớn nhất của VAC, và dự báo sẽ có sự bùng nổ động cơ điện, động cơ hybrid khiến nhu cầu các sản phẩm của họ gia tăng mạnh trong tương lai. Một chiếc Mercedes S400 Hybrid chứa khoảng nửa kg neodymium.
VAC gần đây nhập khẩu 400 - 500 tấn neodymium/năm, gấp đôi so với 5 năm trước đây. Nhu cầu vật liệu này dự kiến sẽ tăng tiếp tục gấp đôi vào năm 2012.
Tương lai thiếu thốn
Trong một nghiên cứu của Bộ Kinh tế Đức, các nhà khoa học đến từ Berlin và thành phố phía tây nam là Karlsruhe đã xác định tỉ lệ ngày một gia tăng trong tiêu dùng kim loại hiếm. Họ kết luận rằng, nhu cầu neodymium sẽ tăng khoảng 3,8 lần vào năm 2030, trong khi nhu cầu gallium - được dùng trong quang điện - sẽ tăng lên 6 lần.
Chắc chắn các công ty sẽ bị ảnh hưởng đáng kể từ việc giảm bớt nguồn cung kim loại hiếm. Đại gia điện tử Siemens là một ví dụ, khi đặc biệt cần tới những vật liệu chuyên dụng để chế tạo máy X quang hay máy phát điện.
Những dấu hiệu đến từ Bắc Kinh là khá rõ ràng: Phần trăm đất hiếm được cho phép xuất khẩu đang giảm dần. Năm 2009, Trung Quốc quyết định giảm xuất khẩu xuống 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc giữ phần lớn vật liệu quý hiếm để phục vụ nhu cầu nội địa. Thực trạng thiếu nguồn cung là một phần trong chiến lược tài nguyên tự nhiên mới mà Bộ Công nghệp và công nghệ thông tin theo đuổi.
Các nhà hoạch định chính sách của chính phủ buộc phải cân nhắc, sắp xếp lại việc sản xuất, dường như thông qua việc tăng giá. Nỗ lực của họ đã thành công. Giá neodymium vào khoảng 25 USD/kg, gấp bốn lần với năm 2003.
Trong khi đó, người Trung Quốc có ý sáp nhập rất nhiều mỏ nhỏ ở Nội Mông vào tay một số công ty khai thác, tạo ra tập đoàn hùng mạnh như Tập đoàn Thép, đất hiếm, công nghệ cao Baotou - nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới.
Đặng Tiểu Bình, nhà cải cách huyền thoại của Trung Quốc, có một câu nói được lưu vào bảng vàng treo tại đại sảnh tổng hành dinh của Baotou: “Trung Đông có dầu, Trung Quốc có đất hiếm”.
Gia tăng tích trữ
Thậm chí khi ra sức tích trữ nguồn tài nguyên khoáng sản của chính mình, Trung Quốc còn không ngừng đẩy mạnh đảm bảo khả năng tiếp cận một cách có hệ thống với các nguồn tài nguyên khác ở khắp thế giới, trong đó có việc đầu tư vào các mỏ sắt ở Australia hay dự trữ cobalt tại Congo.
Cùng thời điểm đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục lấp đầy kho dự trữ của mình. Thống kê lượng kẽm tăng gấp ba kể từ tháng 3/2009, trong khi đó nguồn cung chì tăng gần 600%. Với hơn 2 nghìn tỉ USD dự trữ ngoại hối, Bắc Kinh có “thừa” tiền để lấp đầy kho hàng hóa.
Một cuộc chiến giành giật tài nguyên khoáng sản đã bắt đầu, khi các quốc gia công nghiệp hóa thế giới đều ganh đua để tiếp cận với những nguồn dự trữ lớn nhất. Đức vẫn có vẻ đứng bên lề trong cuộc xung đột này ngay cả ở hiện tại. "Đức không sớm công nhận chiến lược quan trọng của những tài nguyên này”, Christoph Eibl, một nhà quản lý quỹ và chuyên gia hàng hóa tại Thụy Sĩ nói.
Đức đã “hấp tấp” phụ thuộc vào niềm tin rằng, tài nguyên tự nhiên luôn sẵn có, rẻ mạt và phong phú. Rất nhiều công ty thậm chí còn đồng loạt ra khỏi ngành công nghiệp. Tập đoàn hóa chất Bayer là một ví dụ, đã bán cổ phần của họ ở nhiều nước như Nam Phi và Brazil. Chính phủ Đức cũng vậy, họ tập trung hơn vào nguồn tiếp cận dầu mỏ và khí đốt thay vì vonfram hay indi.
Vì lý do này, Ulrich Grillo của BDI mong muốn chính phủ mới của Đức sẽ phát triển một chiến lược tài nguyên tự nhiên riêng rẽ cho những vật liệu kim loại quý hiếm. "Chúng ta cần tiếp cận không giới hạn nguồn kim loại này”, ông nói. “Và các chính khách phải hỗ trợ chúng ta”.
Miễn cưỡng đầu tư
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, thực tế không đồng nhất với việc một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc thích thú với chiến lược kiểm soát kim loại công nghiệp đặc biệt trên toàn cầu. Nguồn khoáng sản khan hiếm có thể nằm sâu dưới lòng đất ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Trên thực tế, theo các nhà địa chất, nói chung nguồn này không hẳn thiếu thốn. Tính sẵn có của kim loại hiếm phụ thuộc nhiều hơn vào vấn đề giá cả.
Các công ty gia công kim loại ở phương Tây miễn cưỡng trong việc đầu tư cần thiết để sở hữu vài tấn kim loại hiếm trong bối cảnh đòi hỏi chặt chẽ cả về nguồn nhân lực và năng lượng. Trung Quốc, với lực lượng lao động rẻ và luật môi trường lỏng lẻo lại có thể khai thác những kim loại hiếm kể trên.
Công nghiệp Đức vì thế cần phải tìm ra cách khác để tiếp cận nguồn cung khoáng sản hiếm. Một lựa chọn, đó là tái sinh các kim loại công nghiệp giá trị. Ví dụ, Siemens đã hoàn tất việc tái sinh indium trong thiết bị X quang. Những công ty khác nỗ lực tránh sử dụng các loại kim loại hiếm cùng nhau. Trong lĩnh vực phát triển động cơ điện, nhà cung cấp tự động Contitech thiên về phương pháp tạo từ tính bằng điện thay vì neodymium, để bằng cách đó, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn kim loại thô không ổn định.
Dĩ nhiên, các hãng của Đức sẽ không thể sản xuất nếu hoàn toàn thiếu kim loại hiếm, ngành công nghiệp sẽ tiếp tục phụ thuộc vào việc vận chuyển nguồn hàng hóa này từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nội Mông. Trong lúc đó, tại Trung Quốc, các nhà chiến lược lại muốn tự hạn chế việc khai thác khoáng sản quý. Thay vào đó, họ hy vọng tiến trình xuất khẩu kim loại thô sẽ trở thành quá trình sản xuất thành phẩm trong tương lai.
Trần Phúc Tài, một nhà hoạch định của chính phủ làm việc tại khu công viên công nghệ cao của Baotou cho hay, ông sẵn sàng đề xuất với một giám đốc của Bosch về việc công ty nên phát triển một nhà máy sản xuất động cơ điện tại thành phố Nội Mông với nhiều lợi thế về mức lương, mức thuế cũng như các chính sách khác của chính phủ.
Dĩ nhiên, ông Trần khẳng định, giá đất hiếm cũng có thể đàm phán. "Bất kỳ ai xây dựng nhà máy trong công viên công nghệ cao của chúng tôi sẽ được chiết khấu 5-10% giá các kim loại thô”.
-
Thái An (Theo Spiegel)