- Buổi thảo luận tổ về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam chiều 21/5 diễn ra nóng bỏng không kém thời tiết Hà Nội bên ngoài. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chưa đủ thông tin để quyết định về dự án lớn này.
>> Nóng bỏng nghị trường
>> "Siêu dự án" và trách nhiệm của Quốc hội
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn:
Xin chủ trương là không hợp lý
Quyết định bây giờ phải tính đến trách nhiệm. Theo tính toán thì phải đến 40 năm sau ta sẽ trả hết nợ đi vay, nhưng lúc đó chúng ta có còn nữa không hay lại để cho con cháu? Vì thế, chủ đầu tư lập luận rằng cứ báo cáo Quốc hội đồng ý về chủ trương là không hợp lý.
ĐBQH Nguyễn Lân Dũng:
Không thể quyết khi không đủ thông tin
Tôi cho rằng chỉ nên thông qua chủ trương chung về giao thông vận tải, trong đó có đường sắt cao tốc. Nếu chỉ tập trung làm đường sắt cao tốc thì sẽ bỏ quên những việc khác.
Trong khi hiện nay, dân vẫn đi trên các tuyến đường bộ rất xấu, mất an toàn.
Đại biểu tranh luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tại phiên thảo luận tổ chiều 21/5. Bên trái là Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc, bên phải là ĐB Nguyễn Lân Dũng. |
Nếu Chính phủ kỳ vọng việc làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam là để giải quyết các vấn đề trên là không đúng, vì đường này chỉ có một trục, phải dành tiền xây các tuyến đường và phát triển các phương tiện khác.
Sau 11 nước khác, chúng ta liệu có phải là nước giàu có thứ 12 sẽ làm đường sắt cao tốc? Rất nhiều vấn đề đặt ra chưa được giải đáp thỏa đáng.
Mà Quốc hội chỉ biểu quyết khi có thông tin. Nếu không có thông tin sẽ khó.
Bên chủ đầu tư nói cứ thông qua thì họ sẽ báo cáo chi tiết. Nhưng khi đồng ý rồi, mà họ làm không đạt yêu cầu, báo cáo không khả thi thì QH sẽ rút lại hay sao? Chả lẽ biểu quyết lại?
Kế hoạch này quá lớn, đây chỉ nên xem là làm thí điểm, khi đó nợ sẽ không quá lớn.
Nếu lần này, chưa đủ thông tin mà cứ thế bấm nút thông qua, thì thế hệ sau sẽ đánh giá thế nào về Quốc hội khóa này? Anh kêu là chưa có thông tin, mà anh cứ quyết, như vậy là có lỗi với con cháu. Rõ ràng chuyện này đặt đại biểu vào tình thế rất lúng túng.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận:
Hãy để kỳ họp sau
Thú thực là nếu phải quyết thì hãy để kỳ họp sau, để QH nghe giải trình căn cơ của các bên, nhất là nghe phản biện của các chuyên gia. Cá nhân tôi không tán thành. Hãy để đến 2020 hãy quyết, để khi VN đã là nước cơ bản công nghiệp hóa.
Đăm chiêu trước khi phát biểu (ảnh trái), say sưa thảo luận cả khi giải lao (phải)... |
Hiện tại tính 60 tỷ USD, nhưng chắc 30 năm nữa, con số không thể dừng lại ở đó. 10 năm trước, giá nhà 30-40 cây vàng thì bây giờ phải mấy trăm cây. Tuy Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ đồng ý chủ trương nhưng có bắt QH làm ngay đâu. Dự án lớn như thế này cần phải có thời gian để tính toán cho thấu đáo. Đừng đẩy QH vào thế để cho cử tri lại thắc mắc về quyết định của QH.
Điều tôi băn khoăn nhất là tiền đâu. Như ông bố bà mẹ đêm nằm tính toán có 2 đứa con, xây cho đứa đầu 1 nhà lầu, đứa kia 1 trang trại, nhưng sáng thức dậy mới ngớ ra tiền đâu? Vay thì phải trả. ĐB chúng ta biết hết, GDP có 90 tỷ USD năm vừa rồi. 1 dự án ngốn hết 2/3 GDP của quốc gia thì phải cân nhắc.
Trách nhiệm của QH thế nào? Chúng ta đã ai tính đến bài học nợ của Hy Lạp chưa? Cả EU bây giờ phải cứu mà không biết có cứu được không. Chúng ta chấp hành ý kiến cấp trên nhưng phải căn cứ vào thực lực. Không thể quyết một dự án lớn thế này mà không biết bao giờ mới trả nợ được.
Phó đoàn ĐBQH, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM Trần Du Lịch:
Xử lý bài toán tài chính
Làm thế nào có tiền để làm chuyện lớn? Đầu tư có ảnh hưởng tăng bội chi?
Nếu tách biệt ra, đổi mới mô hình là Nhà nước đầu tư đường, giống như nhà nước đầu tư sân bay, còn hãng đầu tư máy bay và thay đổi mô hình quản lý, tức các doanh nghiệp đầu tư các đoàn tàu khai thác và thu hồi tiền chạy đường và Nhà nước tách biệt từng phần… thì phần đầu tư nhẹ hơn.
... và thuyết phục đại biểu khác. Trong ảnh: Ông Trần Du Lịch nêu bài toán tài chính. |
Bài toán tài chính phải đặt trong mô hình phát triển, tổ chức và tách biệt phần Nhà nước, phần doanh nghiệp, làm rõ nguồn vốn.
Dự án này đi vào kỹ thuật nhưng mô hình, tổ chức quản lý liên quan xử lý bài toán tài chính thì chưa đầu tư sâu.
Phải tính toán phương án tài chính, các nguồn, để làm sao tạo ưu tiên đầu tư mà không đẩy bội chi ngân sách lên quá lớn, ảnh hưởng tài chính quốc gia.
-
Lê Nhung - Vân Anh - Xuân Linh ghi
Ảnh: Lê Anh Dũng