- Những người đồng tình vẽ ra một viễn cảnh "lãng mạn" về việc ăn sáng ở TP.HCM, ăn trưa Đà Nẵng và ăn tối Hà Nội, vay nợ được thì cứ vay. Đại biểu thận trọng hơn thì e ngại chẳng may khi làm thực tế đội vốn hoặc rủi ro sẽ để lại "tiếng xấu" về nhiệm kỳ QH khóa XII cho đời sau.
>> Nóng bỏng nghị trường
>> "Siêu dự án" và trách nhiệm của Quốc hội
Nói như Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Nguyễn Minh Thuyết trong phiên họp tổ chiều nay (21/5), "đây là tính toán lãng mạn nhưng thử hỏi nguời dân mấy ai đủ tiền để đi về trong ngày kiểu đó. Không có khách thì làm sao thu hồi vốn?".
"Tại sao QH không ủng hộ Chính phủ?"
Tỏ ra lạc quan, Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc thuyết phục: "Bài toán kinh tế, môi trường, công nghệ... chúng tôi đã tính hết. QH cứ quyết chủ trương đi".
Ông Phúc đảm bảo rằng "từng dự án thành phần cũng sẽ phải qua cửa QH, hoàn toàn kiểm soát được rủi ro phát sinh chứ không có chuyện "ào ào đồng khởi" làm một loạt".
Vị trưởng ngành đầu tư cũng cho rằng, phải đặt dự án này trong tiến trình phát triển, chứ nếu lấy điều kiện, mức thu nhập và hoàn cảnh hiện nay để áp đặt và tính toán, rồi nghi ngờ tính "viễn tưởng" của dự án là không hợp lý. Vì ngay cả Nhật Bản cũng làm đường sắt cao tốc từ sau thế chiến thứ hai, khi thu nhập quốc dân còn yếu kém và phải vay tiền Ngân hàng Thế giới, 40 năm sau mới trả hết.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc (trái) giải thích với ĐB Nguyễn Lân Dũng khi ông Dũng cảm thấy "không đủ thông tin bấm nút trước một dự án mà con cháu sẽ phán xét chúng ta". Ảnh: Lê Anh Dũng
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long đồng tình: "Có đi vay mới có đầu tư cho phát triển, quan trọng là sau đó lo trả nợ".
Ông Long cũng "thuận miệng":"Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay".
Giám đốc Công an TP Hải Phòng Trần Bá Thiều nói thêm: "Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ ý kiến ra, ý kiến vào. Nếu Chính phủ đã quyết liệt như vậy thì tại sao Quốc hội không ủng hộ Chính phủ? Tần Thủy Hoàng xưa nếu không quyết liệt thì làm sao để lại Vạn lý Trường Thành?".
Nhiều vị đại diện ở các tỉnh thành có đường cao tốc đi qua cũng hết lời ca ngợi tính ưu việt của hệ thống đường sắt ở Nhật và các nước châu Âu mà họ vừa được mời sang tham quan.
"Đừng đẩy QH vào thế khó"
Nhắc lại bài học xây đường Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nói, khi trình dự án, Chính phủ cũng lạc quan về khả năng sẽ hình thành chuỗi đô thị chạy dọc tuyến đường, nhưng thực tế chẳng mấy ai qua lại.
"Dự án trình ra QH trong khi không nhận được sự đồng thuận cao của các nhà khoa học, chuyên gia và chính nhiều người trong nội bộ ngành GT-VT thì việc đại biểu phân vân trước khi bấm nút là đương nhiên", bà Nga nói.
Hầu hết các ý kiến phân vân đều dẫn lại những cảnh báo của UB KHCN&MT về tính khả thi, thời gian (quá dài), nguy cơ nợ nần với nhiều phân tích thấu đáo.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận: Tôi thấy đề án này hơi xa xỉ, "ăn chơi". Ảnh: Lê Anh Dũng
Biết rằng QH chỉ cần gật đầu chủ trương xây, sau đó chủ đầu tư hẵng tính kỹ và báo QH sau, nhưng Trưởng đoàn ĐBQH Lạng Sơn Phùng Thanh Kiểm vẫn lo lắng: "Bàn chuyện kế hoạch năm, chiến lược 5 - 10 năm mà QH ta vẫn đang phê Chính phủ dự báo sai. Thế mà ta lại ngồi đây bàn chuyện dự án giao thông của 23 năm tới. Có thực tế không?".
Theo ông Kiểm, quốc gia còn cần rất nhiều tiền nhưng bao nhiêu dự án đang xếp hàng, TP.HCM muốn đắp đê biển ngăn triều cường, rồi bảo vệ biển đảo, quân đội... "Vì yêu cầu chung thì tôi cũng phải đồng ý thôi nhưng cứ bấm nút xong rồi để con cháu chúng ta chịu à?", ông Kiểm nói.
"Rằng hay thì thật là hay
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cũng "tâm tư": Dự án quá lý tưởng nếu chúng ta giàu có, nhưng đằng này, nợ quốc gia đã gần ngưỡng báo động. Tại sao chỉ 11 nước làm đường sắt cao tốc?
Nghe ra mới biết rất gay về tiền"
"Có bấm nút thì cũng phải bấm một cách có trách nhiệm để thế hệ con cháu khi trả nợ không thể phán quyết những gì chúng ta quyết định lúc này", ông Vinh nói.
Nói như Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, chủ đầu tư cũng đã "rút bớt" một số dự án để giảm nhẹ số tiền khi trình QH. Vì thế "nếu bấm nút thông qua, con cháu chúng ta sẽ khổ".
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói thẳng ông không tán thành bấm nút vì như vậy đã đẩy QH vào thế khó. Với ông, đây là một đề án "xa xỉ, ăn chơi".
"Năm vừa rồi GDP có 90 tỷ USD. Dự án ngốn hết 2/3 GDP. Mỗi năm gắng lắm mới duyệt 5.000 tỷ đồng cho toàn ngành giao thông, quá nửa đi vay nước ngoài. Vậy trách nhiệm của QH thế nào? Chúng ta đã ai tính đến bài học nợ của Hi Lạp chưa? Chấp hành ý kiến cấp trên nhưng phải căn cứ thực lực. Đời cha ăn mặn đời con khát nước. Không cha mẹ nào lại ăn vào phần con cháu. Không thể quyết một dự án lớn mà không biết bao giờ mới trả nợ được", ông Thuận nói.
"Không thể ngẫu hứng chính trị"
Nói như ĐB Phương Hữu Việt (Bắc Giang), đáng lý, chủ đầu tư trình xin QH cho phép lập dự án nghiên cứu tiền khả thi, chứ không phải báo cáo đầu tư. QH đồng ý thì mới lập tiếp dự án khả thi. Chứ với báo cáo đầu tư này không thể quyết kiểu "ngẫu hứng chính trị" sau bài học bấm nút xây đường Hồ Chí Minh và nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình: Nếu quyết thì khóa này ta chỉ quyết làm thí điểm 2 tuyến rồi rút kinh nghiệm. Ảnh: Lê Anh Dũng
Vì thế, nhiều ĐB cho rằng, trước mắt phải làm tốt các tuyến giao thông hiện có, thậm chí chỉ tập trung đường bộ cao tốc và cải tạo mở rộng đường sắt hiện nay.
Khi mà sân bay quốc tế Nội Bài còn nhếch nhác, ngày mưa phải đưa xô ra hứng nước (ĐB Nguyễn Hoàng Anh, Hải Phòng), đi từ nội thành ra sân bay mất đứt hơn hai tiếng (ĐB Nguyễn Đức Hiền, Quảng Ngãi) và tuyến đường sắt hiện tại vừa lạc hậu, vừa mất an toàn thì không nên tiếp tục "vẽ" thêm dự án mới. Càng không nên so sánh với đường sắt cao tốc các nước vì họ làm khi mà đường xá, giao thông đều rất "chuẩn".
Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Son cũng nhắc đi nhắc lại, đây là dự án "tráng lệ dành cho 50 - 70 năm tới", vì lúc này chỉ mơ có được tuyến đường sắt 150 - 200km/h đã là hạnh phúc. Không bao giờ nên "nhập nhèm" hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội.
Bên cạnh phương án lùi sang cho các khóa sau quyết định, nhiều ĐB cũng đề xuất khả năng xây thí điểm một tuyến, hoặc TP.HCM - Nha Trang, hoặc Hà Nội - Vinh rồi rút kinh nghiệm, vì nói như Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh, nếu QH đồng ý, nhưng Chính phủ lại triển khai khác với kế hoạch thì sao?
-
Lê Nhung - Vân Anh - Xuân Linh