Lãnh đạo Hà Nội phải dám chịu trách nhiệm đưa ra những quyết định không bị tác động bởi các nhóm lợi ích - ý kiến của nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mại.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, hôm qua (2/4), Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học về Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
"Còi xương"
Đa phần các nhà khoa học đánh giá bản dự thảo đã được chuẩn bị công phu, tâm huyết. Tuy nhiên, bộ phận soạn thảo cả hai đồ án đều chưa bám sát phân tích kỹ bối cảnh kinh tế và xã hội hiện thời của cả nước và của Hà Nội, đặc biệt các giải pháp đưa ra chưa thuyết phục.
Ước tính dân số năm 2010 của Hà Nội là 6,6 triệu dân, dự báo năm 2020 là 8,5 triệu, năm 2030 là 10,9 triệu nhưng theo ý kiến của nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội Trần Trọng Hanh, việc dự báo dân số theo phương pháp tăng trưởng cho Thủ đô là không hợp lý.
Nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc HN: Bí thư Thành ủy và Chủ tịch TP phải được tuyển cử, bầu chọn đúng người kiệt xuất...
"Sự phát triển nóng, khó kiểm soát dẫn đến sự xuất hiện bệnh "đầu to", "còi xương", và "siêu thành phố", trái với những mong đợi về một thủ đô xanh, sinh thái, bền vững và mỹ quan. Tóm lại, Thủ đô phải lớn về mặt chất lượng", ông Hanh nhấn mạnh
Về mặt thể chế, ông Hanh cho rằng cần xác định lại vị trí của Thủ đô Hà Nội như một "đặc khu kinh tế - hành chính", có quyền tự chủ, tự quyết các vấn đề lớn, tránh tình trạng bị lệ thuộc quá nhiều vào các bộ, ngành như hiện nay làm cản trở quá trình phát triển, đổi mới của Thủ đô.
Với quan điểm này, theo ông Trần Trọng Hanh, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP phải được tuyển cử, bầu chọn đúng người kiệt xuất, có uy tín, bản lĩnh và đủ năng lực để dẫn dắt chiến lược quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội sớm trở thành hiện thực.
Còn theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, trước hết phải định vị Hà Nội năm 2030, 2050 ra sao, cái gì được coi là đặc sắc của Thành phố. Hà Nội cần phải được thể hiện có tầm văn hóa, phải có bản sắc riêng.
Ông cho rằng, Chiến lược phát triển và Quy hoạch phát triển chưa có điểm nhấn phát triển cho Hà Nội. Phần giải pháp thực hiện được đề cập chưa cụ thể, chưa thuyết phục và thiếu tính sáng tạo.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế thương mại Nguyễn Văn Nam thắc mắc: "Tiềm năng lớn nhất của Hà Nội là trí tuệ, là con người. Tại sao không phát huy, khai thác "mỏ vàng" đó cho Hà Nội?".
Không thể coi Hà Nội như mọi địa phương khác, khép kín tự lực mà phải là "Hà Nội mở", trước hết là mở chính sách, mở tấm lòng thu hút trí tuệ, thu hút nhân tài xây dựng Thủ đô.
“Hà Nội cần một sự chuyển mình thật sự, thay đổi thực sự từ nhận thức, tư duy đến tổ chức hành động, từ người lãnh đạo cao nhất đến từng nhân viên cơ quan", ông Nam nhấn mạnh.
Kiểm soát bằng công cụ hành chính sẽ thất bại
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng cần nói tới tàn dư của cơ chế bao cấp còn tồn tại đáng kể trong tư duy lãnh đạo ở nhiều cấp, ngành như một điểm hạn chế cần lưu tâm.
Quy hoạch chung Hà Nội chọn định hướng phát triển không gian phía Tây. |
Ông dẫn ví dụ: Ai cũng biết tình trạng di dân cơ học từ nông thôn ra các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, luôn gây ra áp lực lớn lên quá trình phát triển. Vấn đề là dùng giải pháp nào để khắc phục, kiểm soát hành chính để ngăn chặn hay điều tiết kinh tế trong thị trường để hạn chế.
“Hiện nay Hà Nội vẫn đang hướng theo cách sử dụng công cụ hành chính để kiểm soát, tôi tin rằng cách này sẽ không thành công”, ông Đăng Hùng Võ khẳng định.
Chia sẻ với ông Võ, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mại nhận định cái khó của việc xây dựng chiến lược hay quy hoạch phát triển là cách tiếp cận vấn đề.
Theo ông, cho đến nay ở nước ta vẫn thường làm theo cách đánh giá tình hình thực hiện trên cơ sở so sánh với các chỉ tiêu kế hoạch, nêu lên một số nhận định chung về thế giới và trong nước rồi vạch ra định hướng và chỉ tiêu phát triển.
Chúng ta cần tiếp cận theo phương pháp mới, theo đó khi đánh giá thực trạng tình hình kinh tế -xã hội của Thủ đô 2001-2010 không chỉ so với các chỉ tiêu kế hoạch, mà chủ yếu so với khả năng các nguồn lực mà Hà Nội có thể huy động và sử dụng có hiệu quả hơn. Theo ông, "chúng ta cần so sánh Thủ đô với vài thành phố lớn trong khu vực để đo lường trong cùng một khoảng thời gian vì sao Hà Nội phát triển chậm hơn".
Ông cũng dẫn chứng Tokyo chỉ sau 15 năm sau chiến tranh từ đống tro tàn biến thành thủ đô của 12 triệu người sánh ngang New York, Quảng Châu mất 10 năm để vượt Bangkok. 3 năm là thời gian để xây dựng cơ bản Thủ đô hành chính tráng lệ của Malaysia.
Ông Mại cũng nhắc lại việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng 3 dự án trọng điểm quốc gia với quyết tâm tạo nên bộ mặt mới của đất nước: khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu đại học Quốc gia và đường cao tốc Láng - Hòa Lạc.
"12 năm kể từ ngày ông ký quyết định về 3 dự án đó, đến nay chưa có dự án nào hoàn thành. Không thể kể hết sự lãng phí do kéo dài thời gian thực hiện và cũng chẳng ai chịu trách nhiệm trước nhân dân về tình trạng đó", GS Nguyễn Mại nói.
Theo ông, tư duy phát triển đô thị hiện đại cần trở thành nền tảng nhận thức và quan điểm phát triển Hà Nội trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Trên cơ sở cách tiếp cận đó, các mục tiêu trong từng giai đoạn xây dựng Hà Nội thành thủ đô văn minh, hiện đại sẽ được thực hiện như thế nào tùy thuộc vào việc lựa chọn mô hình phát triển và lộ trình thực hiện mô hình đó.
"Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo của Hà Nội phải biết lựa chọn trọng tâm và trọng điểm, phải dám chịu trách nhiệm đưa ra những quyết định không bị tác động bởi các nhóm lợi ích, những người có quyền lực cao hơn, hoặc đôi khi để thỏa mãn ý đồ cá nhân", nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội nói.
- Cao Nhật