Những tàu chiến tiến sát Okinawa và nhiều vụ việc khác đã khiến nước Nhật lo ngại về sự mở rộng của hải quân Trung Quốc.
>> Hải quân Trung Quốc ’với tay’ khắp thế giới
Sự bất ngờ, quan ngại và báo động của Tokyo vài ngày trước đây khi một đội tàu chiến Trung Quốc gồm 10 chiếc tập trận gần đảo Okinawa ở phía nam là hoàn toàn có lý do.
Tàu ngầm lớp Tống loại cải tiến trang thiết bị mới của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Tiexuenet
Nó là bằng chứng cho suốt hai thập niên đổ tiền của, thời gian và nỗ lực hiện đại hóa quân sự mà Bắc Kinh theo đuổi với mục tiêu: Dùng sức mạnh quân sự hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế ngoại giao.
Trước khi đội tàu chiến Trung Quốc tiến sát đảo của Nhật vài ngày, một máy bay trực thăng từ tàu chiến Trung Quốc đã "lượn" trên đầu một tàu hải quân Nhật. Những năm gần đây, có nhiều vụ việc khác đã chứng tỏ tham vọng tiến xa hơn của hải quân Trung Quốc.
Năm ngoái, một tàu ngầm Trung Quốc đã va chạm với thiết bị định vị được tàu Mỹ USS John S.McCain lai dắt gần Philippines. Năm 2006, một tàu ngầm Trung Quốc đã lọt qua được hệ thống phòng thủ tàu ngầm rất tinh vi của hải quân Mỹ và nổi cách tàu sân bay USS Kitty Hawk chỉ 8km - nghĩa là tàu Mỹ đã nằm trong tầm bắn của tàu ngầm này bao gồm cả ngư lôi lẫn tên lửa chống hạm.
Trên thực tế, cuộc tập trận cách đây 10 ngày của hải quân Trung Quốc tại khu vực phía đông nam các đảo quan trọng của Nhật Bản với sự tham gia của 2 tàu ngầm tấn công hạt nhân và 8 tàu chiến được coi là dấu hiệu báo trước "cú sốc" với Nhật.
Đội tàu cùng với hoạt động tập trận có sự phối hợp hoàn hảo trên biển là lần kiểm tra khả năng chiến đấu của tàu nhằm bảo vệ đội tàu sân bay Trung Quốc trong tương lai gần.
Bắc Kinh quyết định mặc dù tàu sân bay cùng đội tàu chiến đấu bảo vệ nó rất khó khăn để hoạt động hiệu quả, nhưng đây lại là sự thể hiện hữu hiệu và hữu hình uy lực của quân đội nên Trung Quốc sẽ phải có.
Giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động năm 2015. Tới 2020, hải quân Trung Quốc có thể có 6 hàng không mẫu hạm được trang bị những loại máy bay chiến đấu tối tân nhất.
Chiến lược phát triển hải quân của Trung Quốc "vươn ra biển xa" thay vì bảo vệ vùng bờ biển gần đã làm nhiều quốc gia kinh ngạc. Các nước láng giềng và Washington - vốn là người "bảo lãnh" hải quân cho an ninh châu Á hơn 60 năm qua - mất nhiều công sức xem xét, ước đoán về hành động và mục tiêu của Trung Quốc.
Khi Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc chi tiêu ngân sách quốc phòng hàng năm tăng ở mức hai con số để mua, phát triển và theo đuổi những thiết bị quân sự hiện đại, thì Bắc Kinh công khai tuyên bố, điều này phục vụ mục tiêu "gia tăng hòa bình".
Chỉ gần đây, khi đã có trong tay đội tàu ngầm khoảng 60 chiếc cùng sự tin tưởng về một vị trí vững chắc trên trường quốc tế, Trung Quốc mới thể hiện chiến lược vươn xa rõ ràng của mình. Và dường như, một cuộc chạy đua vũ khí ở châu Á đang ngấm ngầm diễn ra.
Ấn Độ - đối trọng chính của Trung Quốc - đang theo đuổi kế hoạch hiện đại hóa, mở rộng hải quân nhanh chóng. Australia tăng gấp đôi đội tàu ngầm lên 12 chiếc. Malaysia, Pakistan, Bangladesh, Singapore, Indonesia và Hàn Quốc... đều trong tiến trình hoặc đang mở rộng đội tàu ngầm hiện có.
Điều đáng nói là, tại một hội nghị quân sự khu vực gần đây, các quan chức quân sự cùng nhiều học giả hàn lâm Trung Quốc lại lên tiếng cảnh báo về chạy đua vũ trang có thể làm mất ổn định tại châu Á.
Chen Zhou, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học quân sự của PLA tuyên bố. "Việc phát triển hải quân của Trung Quốc chỉ để duy trì các lợi ích hàng hải của chính mình và đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực".
Cái cần chú ý ở đây là "lợi ích hàng hải" mà Trung Quốc khẳng định bao gồm cả những tranh cãi với Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Indonesia xung quanh chủ quyền các đảo cùng nguồn tài nguyên biển tại Biển Đông...
-
Thái An (Theo vancouversun)