- Chọn được người hội đủ tiêu chuẩn để làm bí thư kiêm chủ tịch UBND thực chất là giải bài toán quỹ tích về nhân sự. Cách duy nhất: mở rộng dân chủ.
>> Dân chủ hóa công tác nhân sự: Thay đổi một quy trình
>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
Gần đây, Trung ương có chủ trương bí thư kiêm chủ tịch UBND. Vấn đề nhất thể hóa tức là lồng ghép hai chức danh bí thư và chủ tịch nhằm làm cho bộ máy gọn nhẹ, việc điều hành sẽ nhanh chóng kịp thời và không bị chồng chéo, ách tắc.
Từ nghị quyết về những vấn đề thuộc nội dung lãnh đạo của tổ chức Đảng đến việc tổ chức thực hiện, chỉ huy điều hành của chính quyền sẽ không phải qua một khâu trung gian nào. Cái lợi là điều hiển nhiên nhưng vấn đề mấu chốt lại là chọn lựa người có đủ cả tư chất của nhà lãnh đạo lẫn khả năng chỉ huy, điều hành, quyết đoán của nhà quản lý.
Vấn đề chọn người, đánh giá và bổ nhiệm vào một chức danh nào đó không thể tùy tiện, chủ quan vì đó là vấn đề của khoa học quản trị nhân sự, tức là từ khung lý thuyết, quan điểm đến luật pháp và phương pháp.
Đơn giản nhưng khó giải
Trong thực tế, nhà lãnh đạo chủ yếu làm việc với con người bằng chủ trương đúng mang tính thuyết phục cao, bằng sự cảm hóa và nêu gương. Bí thư là người đứng đầu tổ chức Đảng nhưng không phải là thủ trưởng của tổ chức; bí thư làm việc theo chế độ tập thể, không có quyền tự mình ban bố các quyết nghị, chỉ thị, không được ký các văn bản (nghị quyết, chỉ thị với tư cách cá nhân mà là ký thay mặt một tập thể - ban chấp hành hoặc ban thường vụ).
Do đó chịu trách nhiệm chính về hệ quả của các nghị quyết, chỉ thị ấy là một tập thể. Chế độ làm việc của cơ quan Đảng là tập thể còn khi đã có nghị quyết thì cá nhân (bí thư, ủy viên ban chấp hành...) được phân công phụ trách.
Bí thư làm việc theo Điều lệ của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên, của đại hội và tập thể BCH đảng bộ cấp mình.
Về nguyên tắc, những văn bản của Đảng chưa có tính pháp lý bắt buộc người dân phải chấp hành mà chỉ có thể được thực hiện bởi các đảng viên và công tác vận động quần chúng, đặc biệt là phải được thể chế bằng các văn bản quy phạm pháp luật.
Bí thư không thể và không có quyền ra lệnh cho bất cứ ai mà chỉ là sự vận động, cảm hóa, thuyết phục và nêu gương. Về cơ bản, bí thư phải là người mẫu mực về đạo đức công dân và đạo đức cách mạng.
Ngay cả kỷ luật trong nội bộ Đảng tuy gọi là kỷ luật sắt nhưng cũng chính là kỷ luật tự giác. Đảng mạnh là ở kỷ luật tự giác, ở sự giác ngộ chính trị của đảng viên mà họ tự nguyện chấp hành kỷ luật của Đảng và gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước.
Thiếu tự giác thì kỷ luật của Đảng không còn là kỷ luật sắt nữa. Nếu tình trạng thiếu tự giác là phổ biến thì thật sự là một nguy cơ.
Khi nói "Đảng là văn minh" cũng có nghĩa Đảng là một tổ chức mạnh, bao gồm những người tiền tiến có giác ngộ cao, tự giác chấp hành kỷ luật của Đảng và pháp luật. Vì vậy trong Đảng chỉ có tự phê bình và phê bình, không có tòa án và cũng không có cưỡng chế quyền lực công.
Trong khi đó, chủ tịch UBND là thủ trưởng của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, Luật tổ chức hoạt động HĐND và UBND. Cơ quan hành chính nhà nước có quyền hạn và trách nhiệm quản lý mọi mặt của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục... trong phạm vi cấp mình.
Cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước ta là chính phủ. Thủ tướng là người đứng đầu cơ quan hành chính công quyền của quốc gia. Chủ tịch là người đứng đầu cơ quan hành chính công quyền ở địa phương. Họ là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi quyết định hành chính ở cấp mình.
Thủ tướng và chủ tịch UBND các cấp vừa làm việc theo chế độ tập thể và ra các quyết định tập thể (Chính phủ, UBND, khi ấy Thủ tướng và chủ tịch UBND là người đại diện ký thay các văn bản); vừa làm việc theo chế độ thủ trưởng: Thủ tướng và chủ tịch UBND có quyền tự mình ra các văn bản quy phạm pháp luật, ký các văn bản đó và chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước HĐND cùng cấp và trước nhân dân ở địa phương.
Như vậy, chủ tịch UBND phải là người hội đủ các phẩm chất của một nhà quản lý, người chỉ huy, điều hành. Họ có quyền hạn và trách nhiệm rất lớn nên phải có kiến thức toàn diện và sâu về quản lý nhà nước, có tinh thần dám nghĩ, dám quyết định, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân.
Tóm lại, chọn được người hội đủ tiêu chuẩn để làm bí thư kiêm chủ tịch UBND thực chất là phải giải được một bài toán quỹ tích về nhân sự, đồng thời thỏa mãn cả hai điều kiện của nhà lãnh đạo và nhà quản lý.
Có thể giải được bài toán ấy không? Đây là một bài toán rất đơn giản nhưng khó giải. Về động cơ và mục đích thì cả hai chủ thể quyền lực chính trị - xã hội là nhân dân và Đảng cầm quyền đều mong muốn giải bài toán ấy một cách đúng đắn nhất.
Luật hóa sự lãnh đạo của Đảng trong từng lĩnh vực
Về lý thuyết tổng quát, chỉ có dân chủ hóa, mở rộng dân chủ và công khai, minh bạch trong công tác nhân sự mới có thể giải bài toán.
Trong bài Dân chủ hóa công tác nhân sự: Thay đổi một quy trình chúng tôi đã đề cập tới việc nên tổ chức thăm dò ý nhân dân trước khi Đại hội Đảng khai mạc và tiến hành bầu cấp ủy. Nhưng đấy là việc nhân dân góp ý xây dựng Đảng, nhân dân không có quyền tham gia vào việc bầu cử, ứng cử cấp ủy.
Còn việc bầu chủ tịch UBND (ở những cấp có tổ chức HĐND) hoặc do thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên bổ nhiệm (nơi không tổ chức HĐND) thì lại là việc của Nhà nước, của quyền dân. Vậy việc bí thư kiêm chủ tịch UBND cần giải quyết như thế nào để vừa thực hành dân chủ, vừa đúng pháp luật?
Từ chủ trương làm thí điểm đến việc trở thành chế độ, thành quy phạm pháp luật còn là một quá trình, cần chuẩn bị ít nhất một số việc quan trọng sau đây:
Một là, phải luật hóa sự lãnh đạo của Đảng trong từng lĩnh vực. Hiện nay mới chỉ có Điều 4 trong Hiến pháp quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội (riêng lực lượng vũ trang đã có luật). Thiếu các bộ luật thì không thể đảm bảo cho Hiến pháp được thực thi thống nhất và đồng bộ, như vậy thì người ta dễ tuỳ tiện trong việc vận dụng Hiến pháp. Một nhà nước pháp quyền không thể tổ chức hoạt động và quản lý các cơ quan hành chính mà lại thiếu những điều luật quan trọng như thế.
Hai là, việc kiêm nhiệm này trái với điều 119 “Luật tổ chức hoạt động HĐND và UBND”, vì vậy Quốc hội cần có chương trình sửa đổi, ban hành bộ luật sửa đổi đó và các luật liên quan. Đây là vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến quyền tự do dân chủ của nhân dân nên cần có sự thăm dò, trưng cầu ý dân trong quá trình chuẩn bị sửa đổi.
Đây cũng là việc rất quan trọng và khó khăn nhưng như Bác Hồ đã từng nói, khó dễ gì thì cũng đều có thể giải quyết được nếu có sự tham gia rộng rãi của nhân dân.
Lâu nay có một số việc Nhà nước làm mà nhân dân chưa hài lòng "Vì chúng ta quên một lẽ rất giản đơn, dễ hiểu: tức là vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả" (HCM toàn tập, t5, tr241). Hồ Chí Minh còn nói rõ hơn: "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra"(Sđd, tr295).
Ba là, nếu quy định bí thư kiêm chủ tịch thì về mặt pháp lý chính thức ghi nhận trong các cấp hành chính nhà nước từ cơ sở trở lên đều mặc định chỉ có đảng viên mới được giữ chức chủ tịch UBND, còn người ngoài Đảng không có quyền đó, trong khi Nhà nước của ta là của dân, do dân và vì dân.
Chúng ta nghĩ thế nào về lời dạy sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ... phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ... đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu quốc” (Sđd, tr276).
Đảng ta đã chẳng trân trọng mời những người ngoài Đảng ra giữ các trọng trách của quốc gia đó sao? Thực tiễn đã chứng tỏ không ít người ngoài Đảng đã có đóng góp rất to lớn cho cách mạng, góp phần làm rạng danh đất nước mà sử sách đã ghi như một dấu son chói lọi về tài dùng người của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Xưa đã thế và nay lại càng cần phải như thế!