Đạo đức giả được định nghĩa là việc "cố diễn giải đức tin, quan điểm, phẩm hạnh, cảm giác, chất lượng hay chuẩn mực mà nó trái ngược với hành động của một người". Đạo đức giả theo đó hiểu như sự dối trá.
Ngày 18/4/2010, sự kiện “Chạy vì nước sạch” được Công ty Hóa chất Dow tổ chức. Dow tuyên bố "hành động này để thúc đẩy hoạt động toàn cầu góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nước”.
Các nạn nhân da cam tại Việt Nam. Ảnh: Roland Schmid
Dow Chemical là nhà sản xuất chất da cam lớn thứ hai thời điểm trước và trong suốt Chiến tranh Việt Nam. Trong một tài liệu đăng trên trang web của công ty, Dow nhấn mạnh: “Quân đội Mỹ nghiên cứu phát triển chất da cam và sản phẩm này được sản xuất trên cơ sở những đòi hỏi kỹ thuật quân sự. Ngày nay, giới khoa học nhất trí rằng, khi xem xét lại các bằng chứng trên chính con người đều không cho thấy, chất da cam là nguyên nhân gây bệnh tật cho các cựu binh".
Lo lắng lớn nhất của một trong những tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới ngày nay, đó là lợi nhuận. Nên họ không để ý tới các nạn nhân chất da cam. Họ không hề tiến hành nghiên cứu để chứng minh cho những tuyên bố lạ lùng đưa ra như trên. Lần cuối cùng tài liệu này được cập nhật là ngày 21/6/2007 - nghĩa là cách đây gần 3 năm.
Điều thú vị là tài liệu trên được dịch ra 10 ngôn ngữ khác nhau - nhưng không hề có tiếng Việt. Và…Việt Nam, đất nước oằn mình hứng chịu chất da cam và các hóa chất diệt cỏ khác khiến 4,8 triệu người Việt Nam phơi nhiễm, dẫn tới hậu quả 400.000 người chết và tàn tật cùng hơn 500.000 trẻ em sinh ra mang dị tật bẩm sinh.
Trong Chiến tranh Việt Nam, từ giữa 1962 và 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 77.000.000 lít hoá chất làm rụng lá ở Nam Việt Nam - 20% rừng nhiệt đới trong khu vực này bị rải chất độc.
Năm 1963, Mỹ (do hoài nghi về hậu quả tiêu cực) đã có nghiên cứu đầu tiên về tác động của chất da cam đối với sức khỏe. Năm 1967, đã xác nhận hóa chất này gây ra bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Cho dù vậy, kết quả nghiên cứu không hề tác động tới việc sử dụng chất da cam. Việc rải hóa chất độc này vẫn tiếp tục và các công ty hóa chất như Dow và Monsanto - thu về hết triệu đô la này tới triệu đô la khác đã biết loại hóa chất họ sản xuất đang giết người, gây thương tổn và biến đổi gen di truyền với con người qua nhiều thế hệ.
Trong thực tế, chất da cam được quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi từ cuối những năm 1940 tới suốt 1970 ngay tại Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Australia, Brazil và khắp Đông Nam Á. Cựu binh Mỹ và con cái của họ tiếp tục rời bỏ cõi đời, chịu tật nguyền. Và giờ đây, ba thế hệ sau chiến tranh, tiếp tục hứng chịu những hậu quả nghiệt ngã từ độc chất của nó.
Nhiều vụ kiện đã diễn ra đòi hỏi các công ty phải chịu trách nhiệm. Một thỏa thuận trị giá 180 triệu USD đã đạt được năm 1984. Hầu hết các cựu binh chỉ nhận được khoản đền bù một lần là 1.200 USD - số tiền vừa đủ để trang trải chi phí đi lại và kiện tụng. Cái giá của cả một đời người? 1.200 USD?
Còn người Việt Nam thì không nhận được bất cứ thứ gì. Ngày 10/3/2005, quan tòa Jack B.Weinstein của Mỹ đã bác bỏ đơn kiện từ các nạn nhân chất da cam Việt Nam chống lại những công ty hóa chất sản xuất chất làm rụng lá và chất diệt cỏ.
Tại phiên phúc thẩm ngày 18/6/2007, tòa án vẫn ủng hộ quyết định bác đơn kiện khi cho rằng, thuốc diệt cỏ dùng trong chiến tranh không có mục đích sử dụng để đầu độc con người và vì thế không vi phạm luật pháp quốc tế.
Vào ngày 10/3/2005, thẩm phán Jack B.Weinstein bác bỏ đơn kiện nhân danh các nạn nhân Việt Nam với khẳng định bên nguyên không có cơ sở pháp lý cho cáo buộc. Thẩm phán quyết định rằng, chất da cam không bị coi là chất độc theo quy định của luật pháp quốc tế vào thời điểm chất được quân đội Mỹ sử dụng; rằng Mỹ không cấm việc dùng nó như một chất diệt cỏ; rằng các công ty sản xuất ra chất này không có trách nhiệm pháp lý về cách thức sử dụng chất da cam của chính phủ. Chính phủ Mỹ không phải là bên tham gia vụ kiện, nên hoàn toàn đứng ngoài.
Vậy kẻ giết người - với các cựu binh Mỹ, những nạn nhân các quốc gia khác, dĩ nhiên có cả người Việt Nam có đứng ngoài cuộc?
Dow và Monsanto thực tế là hai công ty nằm trong số các tập đoàn vô trách nhiệm nhất thế giới. Dow Chemical (cùng với Monsanto) sẽ không bao giờ thoát khỏi bóng ma chất da cam. Nhưng cho dù như vậy, Dow không hề hối lỗi hay ăn năn. Tập đoàn này tiếp tục đóng góp vào quá trình làm ô nhiễm trái đất mà không hề có lời xin lỗi.
Hạ nguồn hai dòng sông nơi có nhà máy của Dow tại Midland, Michigan đều bị ô nhiễm với các chất clo furan và dioxin từ các hoạt động trước đây của công ty.
Bất chấp thực tế là loại hóa chất này có liên quan tới bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe khác, Dow vẫn khẳng định, ô nhiễm không hề là nguy cơ với sức khỏe cộng đồng. Nhiều người trong khu vực không chú tâm tới nguồn nước nhiễm dioxin còn Dow thì từ chối cắm các biển cảnh báo.
Chỉ tới gần đây, Dow Chemical mới tổ chức một sự kiện đánh bắt cá ở vùng nước ô nhiễm vì dioxin, nhưng vẫn không bao giờ thừa nhận gây nhiễm độc nước cũng như các hậu quả có thể xảy ra.
Xa hơn nữa, sau thảm họa tại nhà máy Union Carbide ở Bhopal, Ấn Độ tháng 12/1984 giết chết hơn 4.000 người trong vài giờ đầu và 15.000 người những năm tiếp sau, Dow Chemical tiếp quản nhà máy này vào năm 2001 nhưng từ chối thực hiện trách nhiệm làm sạch môi trường địa phương.
Hãy nhìn lại sự kiện “Chạy vì nước sạch” vừa diễn ra!
Những người tham dự ngây thơ, chất phác đi bộ và chạy trong sự kiện ấy. Còn Dow, Monsanto và nhiều công ty hóa chất khác tiếp tục chạy xa khỏi những trách nhiệm từ những thảm họa ô nhiễm chết người họ gây ra. Họ vẫn mải miết chạy đến con đường tìm kiếm lợi nhuận.
-
Thái An (Theo veteranstoday)