- Thuyết minh về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội trước Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội hôm qua (8/4), đại diện liên danh tư vấn PPJ nhấn mạnh việc cần thiết phải xây dựng đại lộ Thăng Long kết nối giữa Ba Vì với trung tâm lịch sử Ba Đình trong khi đang còn nhiều mối lo ngại.
Theo quy hoạch chung, cấu trúc đô thị Hà Nội được xây dựng dựa trên các yếu tố phát triển bền vững là sự kết nối mạng đa cực, đa trung tâm, đa tầng bậc, trong đó tính đến việc xây dựng đại lộ Thăng Long.
Đại lộ này sẽ kết nối Ba Vì với trung tâm lịch sử Ba Đình, theo hướng tuyến đi thẳng từ đường Hoàng Quốc Việt đến quốc lộ 21, chiều dài khoảng 28 km, chiều rộng từ 60 - 350m.
Trục Thăng Long kết nối văn hóa Thăng Long - Hà Nội và văn hóa xứ Đoài có điểm kết thúc là Trung tâm hành chính quốc gia.
Trên đoạn có mặt cắt rộng 350m, dài 3,5km sẽ xây dựng một số công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có đài độc lập và hệ thống công viên cảnh quan.
Theo đại diện tư vấn, "xây dựng trục Thăng Long có ý nghĩa chính trị lâu dài thông qua việc tổ chức những sự kiện trọng đại và tôn vinh những giá trị cho Hà Nội và của cả nước, tạo nên hình ảnh mới cho Thủ đô bằng hình ảnh những quần thể kiến trúc mới đặc sắc và hiện đại gắn với cảnh quan tự nhiên lịch sử và văn hóa truyền thống".
Bản quy hoạch chung cũng cơ bản tiếp nhận đồ án quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng do Hàn Quốc lập.
Liên quan đến Trung tâm hành chính quốc gia, đây được coi là một không gian chức năng quan trọng trong cấu trúc của thủ đô Hà Nội mở rộng. Trong giai đoạn trước mắt xây dựng quy hoạch trụ sở 1 số cơ quan hành chính nhà nước tại khu vực Mễ Trì - Mỹ Đình.
Về lâu dài, sau năm 2030, quỹ đất dự trữ xây dựng đô thị hành chính gắn với Trung tâm hành chính quốc gia dự kiến tại khu vực Ba Vì hoặc phía bắc đô thị Hòa Lạc.
Ước tính, tổng vốn đầu tư khái toán cho hệ thống hạ tầng khung đến năm 2030 cho toàn thành phố Hà Nội khoảng trên 60 tỷ USD.
Góp ý kiến sau đó, Phó Chủ tịch UBND Phí Thái Bình cho rằng cái khó là xây dựng quy hoạch phải đảm bảo được tính kế thừa. Ông dẫn ví dụ trong quy hoạch, "vành đai xanh trùng với nhiều khu công nghiệp đã quyết định thuê 50 năm: Đây là bài toán và nhiệm vụ cho thế hệ tương lai".
Về trục Thăng long, ông Phí Thái Bình cho rằng "con đường này trước mắt chưa phù hợp trong điều kiện chúng ta còn cần nhiều kinh phí để giải quyết nhiều vấn đề".
Ông Bình đặt vấn đề xây dựng trên cơ sở về tâm linh hay giải quyết giao thông hoặc cảnh quan, "nếu là về giao thông có lẽ là vấn đề tính cho lâu dài vì Hà Nội nối với Xuân Mai, Ba Vì.. đều đã có những trục đường khác".
Không quá lo lắng như cấp phó của mình, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo cho rằng cần thiết xây dựng trục Thăng Long, còn việc xây dựng trục đó như thế nào phải tiếp tục bàn. Theo ông Thảo, bề rộng của trục phải hơn 300m mới đáp ứng được nhu cầu trong tương lai.
Chủ tịch TP cũng lưu ý về vành đai xanh, quy chế kiểm soát không gian xanh như thế nào phải làm rõ, nếu không sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thế Thảo, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội 50 năm tới như thế nào, cần làm rõ mô hình.
"Về dự án khu công nghiệp, cần có quy chế kiểm soát, có lộ trình chứ không thể ngay tức khắc bắt di dời toàn bộ các dự án đã có như An Khánh..." ông Thảo nói thêm.
Nhấn mạnh đây là đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển Thủ đô và cả nước, bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh Quy hoạch chung phải giải quyết đồng thời hàng hoạt vấn đề, "bên cạnh những vấn đề có thể lượng hóa thì cũng có vấn đề không thể lượng hóa nhưng vẫn cần phải tính đến như các yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống, tín ngưỡng, tâm linh v.v…"
"Cùng với quá trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, cần làm ngay các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện, thúc đẩy nhanh các dự án trên địa bàn TP", ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
- Cao Nhật