221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1270443
Mỹ tìm cách đối trọng với Trung Quốc tại Lào
1
Article
null
Mỹ tìm cách đối trọng với Trung Quốc tại Lào
,

Cuộc họp cấp cao giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Ủy ban sông Mekong (MRC) tại Lào được tổ chức ngày 4 và 5/4 tới giữa lúc những hoài nghi đối với việc quản lý vùng thượng nguồn sông Mekong của Trung Quốc đang gia tăng, khi những tuần gần đây, nước sông ở hạ nguồn cứ ngày một cạn dần.

Cuộc trao đổi này được coi là đề nghị gần đây nhất trong nỗ lực mới của Mỹ nhằm tạo đối trọng với ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở khu vực và cũng là để "đánh bóng" hình ảnh Mỹ tại một đất nước, nơi vì các nguyên do lịch sử mà vẫn là một kẻ "thấp bé". Trong khi đó, Trung Quốc láng giềng mới đây đã có những bước xâm nhập sâu sắc qua các sáng kiến thương mại, viện trợ và đầu tư.

Với vị trí địa chiến lược ngày càng quan trọng trong khu vực Lào đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cường quốc (Ảnh: Bugbog.com)

Với vị trí địa chiến lược ngày càng quan trọng trong khu vực, Lào đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cường quốc. Ảnh: Bugbog.com

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell đã lưu lại hai ngày tại Viêng Chăn trong chuyến công du châu Á "dài hơi". Campbell đã gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Lào Phongsavath Boupha, có cuộc gặp xã giao với Bộ trưởng Ngoại giao Thongloun Sisoulith và tới dự cuộc đối thoại song phương toàn diện Mỹ - Lào.

Mặc dù không có nhiều thông tin công khai về các cuộc gặp, nhưng Campbell nói tại quốc hội trước chuyến đi rằng ông muốn thảo luận về vấn đề cải thiện mối quan hệ song phương.

Campbell là nhà ngoại giao cấp cao Mỹ đáng chú ý tham gia vào cuộc đối thoại toàn diện Mỹ - Lào, nhằm cải thiện quan hệ thông qua thảo luận những mục tiêu chính sách khu vực và toàn cầu chung, cũng như các vấn đề song phương. Các trợ lý ngoại giao Mỹ đã tham dự những cuộc họp như thế vào tháng 10/2006 và tháng 1/2008.

Khi trả lời các câu hỏi về mối quan tâm của Mỹ ở Lào, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu với tờ Asia Times Online như sau: "Chúng tôi cam kết tham gia ở cấp cao vào đất nước Lào" và rằng sự gắn kết lớn hơn "là một phần trong nỗ lực rộng hơn nhằm khẳng định cam kết của chúng tôi tại Đông Nam Á, trong đó có các chương trình cải cách như Sáng kiến Hạ vùng sông Mekong".

Sáng kiến mới ra đời được 8 tháng đó có thể là tâm điểm của các cuộc đàm phán khi Cambell gặp gỡ các quan chức MRC, một tổ chức liên chính phủ củng cố, phối hợp quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. Sáng kiến hạ vùng sông Mekong được Mỹ đưa ra, trong nỗ lực hợp tác với Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, tại các cuộc gặp bên lề Diễn đàn ASEAN ở Thái Lan hồi tháng 7/2009. Mỹ cho tới nay đã cam kết chi 7 triệu USD cho các chương trình môi trường tại hạ vùng Mekong.

Theo tuyên bố của bộ Ngoại giao Mỹ, chương trình này củng cố hợp tác trên các vấn đề quan trọng của khu vực và tập trung vào môi trường, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Tuyên bố cũng khái quát các thành tố đẩy mạnh quản lý nguồn nước, trong đó bao gồm quan hệ đối tác giữa MRC và Ủy ban sông Mississippi, bảo vệ rừng, đối tác khoa học và phát triển các chương trình năng lượng sạch.

Có vẻ sáng kiến này vẫn mới ở giai đoạn tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác, tuy nhiên, nó có thể cho phép Mỹ bám đuổi Trung Quốc trên vấn đề quan trọng của khu vực mà Mỹ bị cho là lơ là trong những năm gần đây. Đây có thể là bước đi hợp lý của Mỹ tại một đất nước ngày càng có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực và lại có chung biên giới trên đất liền với Trung Quốc.

Trước chuyến công du châu Á, Campbell nói với Ủy ban đối ngoại quốc hội, "khu vực châu Á Thái Bình Dương có tầm quan trọng sống còn và lâu dài đối với Mỹ và rõ ràng những nước trong khu vực muốn Mỹ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ và tích cực. Chính sách của chúng ta sẽ đảm bảo rằng Mỹ hành động như một ’cường quốc địa phương’, không chỉ là một vị khách, bởi vì những gì diễn ra trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đối với an ninh và sự thịnh vượng kinh tế của chúng ta".

Quá ít viện trợ

Tại Lào, ảnh hưởng của Mỹ rất yếu ớt. Báo cáo của Vụ khảo cứu quốc hội Hoa Kỳ (CRS) về quan hệ Mỹ - Lào công bố hồi tháng 1 nhận định: "Mỹ cung cấp tương đối ít viện trợ nước ngoài cho Lào". Năm 2009, Mỹ chỉ cấp 5 triệu USD viện trợ cho Viêng Chăn, và theo Kế hoạch Ngân sách quốc hội cho viện trợ nước ngoài, năm nay, Mỹ sẽ chỉ cấp nhiều nhất 5,15 triệu USD. SRS nhấn mạnh rằng con số đó thấp hơn nhiều so với mức 65 triệu USD cấp cho Campuchia năm 2009.

Ngân sách này được dàn mỏng khắp các chương trình, từ hoạt động chống ma túy, các chương trình cải thiện năng lực thương mại, phòng chống và điều trị HIV/AIDS đến giáo dục và đào tạo quân sự.

Chương trình hỗ trợ lớn nhất là tháo gỡ bom mìn sau chiến tranh. Theo một quan chức Ngoại giao Mỹ, 3,25 triệu USD được gửi tới Lào trong chương trình này. Trong khi Mỹ coi chương trình, như đã được ghi nhận trong Kế hoạch Ngân sách quốc hội cho viện trợ nước ngoài, là nhằm thúc đẩy "các mục tiêu nhân đạo và kinh tế" và tạo "môi trường hợp tác củng cố các mục tiêu chính sách khác", thì nhiều người Lào lại coi chương trình đó là hành động nhận trách nhiệm muộn màng của Mỹ trong việc dọn sạch những gì đã gây ra.

Cùng lúc đó, Mỹ cũng can dự vào Lào về mặt kinh tế thông qua mở rộng hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng thực thi các thỏa thuận thương mại và hiện đại hóa khung pháp lý và quy định. Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cơ quan viện trợ của chính phủ, đang tạo thuận lợi cho một chương trình cải cách thương mại nhằm cải thiện khả năng tham gia Tổ chức Thương mại quốc tế của Lào, thực thi thỏa thuận thương mại song phương Mỹ - Lào và tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN dự kiến thành lập vào năm 2015.

Ngân sách 2010 coi các sáng kiến này "là hành động quan trọng nhất mà chính phủ Mỹ có thể làm hiện nay để tác động tới hướng chính sách tương lai của Lào". Thương mại và đầu tư của Mỹ vào Lào nhỏ hơn so với Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, với các con số lần lượt là 8,5%, 15%, và 35% tổng giá trị thương mại của Lào. Thương mại của Mỹ với Lào dù đã tăng gấp 4 lần lên 60 triệu USD năm 2000 từ mức 15 triệu USD năm 2006, trong đó đứng đầu là hàng may mặc xuất khẩu, nhưng Mỹ là vẫn đối tác thương mại lớn thứ 7 của Lào.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại, Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tháng 6 đã loại Lào và Campuchia ra khỏi danh sách đen cấm ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ tài trợ cho những công ty Mỹ tìm kiếm làm ăn tại Lào. Việc Lào cam kết mở cửa thị trường được Mỹ hết sức tuyên dương, coi đó là sự thay đổi chính sách hợp lý. Khi Lào không còn nằm trong danh sách đen về thương mại, điều này có thể khuyến khích các công ty Mỹ đầu tư vào Lào, nhưng đầu tư sẽ ít có khả năng tăng sớm tới mức bằng với các nhà đầu tư chính của Lào, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc.

Các chương trình của Mỹ tại Lào cũng khiêm tốn hơn so với những nỗ lực viện trợ của các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. USAID và các cơ quan khác của Mỹ, trong đó có Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ Y tế và Xã hội liên bang, Bộ Nông nghiệp và Bộ Ngoại giao, tất cả đều có các chương trình tại khắp nước này. Các chương trình của USAID bao gồm tạo việc làm khác cho nông dân trồng cần sa trước đây, hỗ trợ cải thiện cuộc sống cho nạn nhân bom mìn, thúc đẩy bảo vệ môi trường...

Tuy nhiên, nhiều chương trình ở khu vực vùng sâu, vùng xa hiếm khi được người Lào nhìn nhận hay đánh giá cao. Hơn thế nữa, USAID vẫn gặp khó khăn vì vấn đề hình ảnh tại Lào, nơi một số thành viên chính phủ và đại bộ phận dân chúng vẫn tin rằng USAID có chức năng làm vỏ bọc cho hoạt động và việc thu thập thông tin của cơ quan tình báo Mỹ (CIA). Những quan điểm này được duy trì từ những năm 1960 và 1970, khi phần lớn "cuộc chiến bí mật" của Mỹ tại Lào thông qua CIA, mà các nhân viên này được cho là nhân danh USAID.

Mỹ cũng có động thái mở rộng quan hệ quân sự với Lào. Sau cuộc trao đổi tùy viên quốc phòng đầu tiên trong 30 năm qua vào năm 2008, Mỹ đã mở văn phòng tùy viên quốc phòng hồi tháng 12 tại đại sứ quán ở Viêng Chăn. Mỹ cũng dạy tiếng Anh và kỹ thuật quân sự cho lính Lào thông qua chương trình đào tạo và giáo dục quân sự quốc tế (IMET) và nhận đào tạo 8 nhân viên Lào tại Mỹ.

Những mục tiêu địa chiến lược

Viêng Chăn có vẻ sẽ chấp nhận lời đề nghị của Mỹ. Trong khi nhiều người Lào hài lòng với mối quan hệ ngày càng tốt đẹp với Trung Quốc và số lượng lớn hơn hàng hóa sẵn bán và tiền tệ thu được từ thương mại, thì mối quan ngại với Trung Quốc vẫn tồn tại. Đặc biệt, đây là quan điểm rằng số lượng lớn hơn người Trung Quốc tới sinh sống và làm việc tại Lào là mối đe dọa đích thực, đặc biệt là sau việc chính phủ Lào cho các công ty Trung Quốc thuê đất dài hạn và quy mô lớn.

Các chính sách của Trung Quốc với Mekong cũng đáng lo lắng nếu xét tới việc các trung tâm dân cư chính của Lào chủ yếu tập trung dọc con sông. Mặc dù Trung Quốc cho rằng tình hình hiện nay là kết quả của hạn hán ở vùng tây nam, nhưng một số người không thấy thuyết phục và đổ lỗi cho việc xây dựng các đập quy mô lớn của Bắc Kinh trên thương nguồn Mekong. Lào và MRC ở thế yếu hơn khi đàm phán với Trung Quốc, nhưng liệu mối quan tâm lớn hơn của Mỹ theo dạng Sáng kiến hạ vùng sông Mekong có thể làm tăng thêm sức nặng cho các khiếu nại?

Trung Quốc đã xâm nhập mạnh mẽ vào Đông Nam Á sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 do sự thay đổi chính sách nhấn mạnh viện trợ phát triển, ưu đãi kinh tế và trao đổi văn hóa hơn là quyền lực chiến lược cứng. Còn Mỹ ít nhất đã bỏ lỡ một số cơ hội khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ giai đoạn đó, Condoleezza Rice, đã không tham dự hai cuộc họp cấp cao ASEAN trong 3 năm.

Đối lập với những cải thiện chậm chạp trong quan hệ giữa Lào với Mỹ, sự hiện diện của Trung Quốc trở nên mạnh mẽ sau giai đoạn quan hệ không tốt những năm 1970 và 1980. Bắc Kinh đã cấp những khoản viện trợ rộng rãi cho Lào sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1997-1998 và từ đó nổi lên trở thành nhà cung cấp viện trợ kinh tế chính cho Viêng Chăn qua các khoản trợ cấp, cho vay lãi suất thấp, đầu tư nước ngoài và hỗ trợ kỹ thuật.

Báo cáo của CRS tháng 1/2010 khẳng định rằng Lào nhận được khoảng 400 triệu USD viện trợ song phương và đa phương mỗi năm. Tỷ lệ viện trợ của Trung Quốc khó có thể đánh giá vì các chương trình viện trợ đó về cơ bản bao gồm phạm vi các hoạt động rộng hơn nhiều những gì thường được coi là viện trợ phát triển nước ngoài. Khoản viện trợ này bao gồm cho vay hỗ trợ dài hạn và không lãi, trợ cấp, giảm nợ, các dự án công, phát triển năng lượng, đào tạo nông nghiệp, đầu tư với các điều khoản ưu đãi và xây dựng trường học, cơ sở y tế và cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc đã nhấn mạnh tạo hình ảnh tích cực ở Lào thông qua xây dựng các dự án cao cấp như tòa nhà văn hóa quốc gia của Viêng Chăn và Đại lộ trung Lan Xang, dẫn tới khu tưởng niệm Patouxy nổi tiếng.

Một công ty Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng sân vận động chính cho SEA Games 2009 tổ chức tại Lào hồi tháng 12/2009, được tổ chức lần đầu tiên tại Viêng Chăn. Trung Quốc cũng đào tạo hàng trăm quan chức quân sự và chính phủ và cấp nhiều học bổng cho các sinh viên Lào có triển vọng du học tại các trường đại học của Trung Quốc. Trung Quốc cũng thành lập các trường cung cấp giáo dục có trợ cấp cho người Lào muốn học tiếng Hoa.

Viện trợ nước ngoài của Bắc Kinh cùng với cam kết không can thiệp, khác với những điều kiện thường được gắn kèm trong các khoản viện trợ của Mỹ và châu Âu, thường yêu cầu những tiến bộ ở những lĩnh vực như cải thiện nhân quyền và chống tham nhũng.

Hôm trước chuyến thăm của Campbell tới Viêng Chăn, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra báo cáo nhân quyền năm 2009. Với Lào, trong khi chỉ ra nhân quyền đã cải thiện phần nào, báo cáo vẫn chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại khác.

Những nhận định tồn tại này khó có thể chấp nhận với người Lào, và sự tham dự của Mỹ vào Sáng kiến hạ lưu Mekong và các nỗ lực khác để đối trọng lại ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ có khả năng ít được ủng hộ hơn ở Lào. Trong khi Mỹ không thể sớm cạnh tranh từng đôla với sự viện trợ hào phóng của Trung Quốc, thì Mỹ cần có những nhận định hợp lý để giành thiện cảm và thiết lập nền tảng cạnh tranh ảnh hưởng ngoại giao một cách vững chắc hơn.

  • Đình Ngân (Theo Brian McCartan, Asia Times Online)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,