221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1266629
Cán bộ không phải là "cái đinh ốc"
1
Article
null
Bài 2:
Cán bộ không phải là 'cái đinh ốc'
,

- Sẽ không thể có nỗ lực tự khẳng định mình, không thể có cạnh tranh lành mạnh để khẳng định bản lĩnh cá nhân, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm về cái đúng, cái sai của việc mình làm, sẽ không có thực sự ứng cử và bầu cử dân chủ nếu không thực sự thay đổi tư duy “cái đinh ốc” kiểu này.

>> Đại hội XI nên tập trung bàn về cán bộ

Trong đổi mới công tác cán bộ, vấn đề quan trọng nhất là đổi mới quan điểm về cán bộ và thể chế công tác cán bộ.

Bị động, ngoan ngoãn

Về quan điểm, có hai vấn đề cần thay đổi.

Một là, cần quan niệm đội ngũ cán bộ của đất nước gồm cả hai khu vực công và ngoài công. Chất lượng của cả hai đội ngũ này đều quan trọng đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước cần coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cả hai đội ngũ.

Giữa hai khu vực này không có ranh giới ngăn cách, việc chọn lựa khu vực này hay khu vực kia là việc của từng người. Xóa đi những ngăn cách giả tạo giữa hai khu vực là một biện pháp thiết thực chống trì trệ trong công tác cán bộ, thực hiện “có lên có xuống, có vào có ra” như đã đề ra lâu nay.

Mô tả ảnh.
Bầu trực tiếp Bí thư phường Dịch Vọng, Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hai là, thay đổi tư duy xem cán bộ là “cái đinh ốc” trong bộ máy. Không phải là sai nếu có người ví tổ chức như một bộ máy, trong đó, mỗi vị trí như “một cái đinh ốc”, một chi tiết có chức năng rõ ràng, cụ thể, không thể nhầm lẫn, chồng chéo với chi tiết khác.

Nhưng sẽ hoàn toàn không đúng, nếu quan niệm cán bộ là những thực thể thụ động, chờ đợi được sắp đặt bởi một bàn tay của ai đó và vui vẻ chấp nhận sự sắp đặt đó; thậm chí coi đây là phẩm chất cán bộ quan trọng nhất.

Quan niệm đó làm cho cán bộ, đúng ra phải là chủ thể sáng tạo, có ý chí, có bản lĩnh, có sở trường, sở đoản, tự chịu trách nhiệm về mình, thì vô hình trung lại trở thành công cụ bị động, ngoan ngoãn, theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, phụ thuộc vào tổ chức, hay nói đúng hơn, phụ thuộc vào một số người có quyền trực tiếp sắp xếp công việc.

Sẽ không thể có nỗ lực tự khẳng định mình, không thể có cạnh tranh lành mạnh để khẳng định bản lĩnh cá nhân, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm về cái đúng, cái sai của việc mình làm, sẽ không có thực sự ứng cử và bầu cử dân chủ nếu không thực sự thay đổi tư duy “cái đinh ốc” kiểu này. Mà đó lại là điều kiện tiên quyết để phát triển nhân cách và phẩm chất cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo trong điều kiện mới.

Về thể chế quản lý cán bộ, cần bổ sung, điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết TW3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hiện vẫn là văn kiện cơ bản về công tác cán bộ, là căn cứ để xây dựng và thực hiện các thể chế công tác cán bộ.

Với đối tượng cán bộ “mở rộng” như thế, cần điều chỉnh, thống nhất lại về nhận thức và thực hiện nguyên tắc “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị”.

Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo đất nước, vì vậy Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ là điều đương nhiên, cũng như sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực khác. Nhưng vấn đề quản lý cán bộ thì quy định cần cụ thể hóa sát hợp hơn.

Theo Quyết định 67 QĐ/TW ngày 04.7.2007 của Bộ Chính trị, quản lý cán bộ bao gồm tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chế độ chính sách…

Điều dễ thấy là quản lý với nội dung như vậy không thể áp dụng với cán bộ khu vực ngoài công và cả một bộ phận hoạt động trong các tổ chức chính trị (ví dụ đối với các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp… là nhân sĩ, trí thức không phải là công chức, viên chức; doanh nhân hoạt động khu vực ngoài công).

Khắc phục tình trạng “Đảng cử, dân bầu”

Đối với cán bộ khu vực công thì sao? Trong hệ thống chính trị nước ta, chức năng của Đảng là lãnh đạo. Quản lý là chức năng của Nhà nước. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý là để thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Đảng lãnh đạo không làm công việc quản thay Nhà nước, kể cả trong lĩnh vực công tác cán bộ khu vực công.

Thực tế cho thấy, Nhà nước đã thực thi nhiều nội dung cơ bản của công tác quản lý cán bộ. Xu hướng này ngày càng phát triển trong nhà nước pháp quyền, với đòi hỏi quyền phải gắn liền với trách nhiệm pháp lý.

Xin nêu ra một vài ý kiến sơ bộ điều chỉnh, cải cách thể chế quản lý cán bộ như sau.

Trước hết và quan trọng nhất cần cải cách việc quản lý cán bộ lãnh đạo đảng, nhà nước, đoàn thể nhân dân. Cán bộ lãnh đạo đảng tập hợp trong cấp ủy các cấp do Đảng quản lý trực tiếp. Cấp ủy đảng là tổ chức chính trị quan trọng nhất của mỗi địa phương, gồm hầu hết những nhân vật hàng đầu trong hệ thống chính trị ở đó, do được bầu mà lập ra. Bản thân việc “bẩu mà lập ra” này không nằm trong những nội dung quản lý trên.

Hoạt động của cấp ủy không chỉ có ảnh hưởng trong nội bộ Đảng mà quan còn tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống của nhân dân địa phương. Việc bầu cử cấp ủy hiện nay chủ yếu vẫn là việc nội bộ của tổ chức đảng. Sự tham dự của nhân dân là không nhiều, chủ yếu là tham gia nhận xét ứng cử viên cấp ủy sống trên địa bàn. Việc nhân dân chưa có tiếng nói xứng lựa chọn và xây dựng cấp ủy không tương thích với vị trí, tầm quan trọng, quyền lực thực tế của cấp ủy (và bí thư cấp ủy) được nhân dân giao phó.

Đây là điều cần phải nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh trong thời gian tới. Làm tốt việc này là bước tiến quan trọng để thực hành nguyên tắc “ Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”, “dựa vào nhân dân xây dựng Đảng” mà Điều lệ Đảng đã nhấn mạnh.

Cán bộ lãnh đạo nhà nước, đoàn thể nhân dân được bầu ra theo luật và điều lệ của các tổ chức. Số lớn là những người được Đảng giới thiệu theo tinh thần luận điểm Cương lĩnh 1991 “Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và đoàn thể”. Một số không phải là đảng viên, hoặc không phải do tổ chức đảng giới thiệu.

Dù thuộc diện nào, thì sau khi họ được bầu (hoặc cử) thì việc quản lý họ phải trực tiếp và chủ yếu do tổ chức mà họ là thành viên và tổ chức bầu ra họ thực hiện. Ví dụ, chức danh bộ trưởng chịu trách nhiệm đối với Chính phủ, với Thủ tướng; cùng với tập thể Chính phủ và Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội; nên Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng thực hiện việc “quản lý” bộ trưởng, đánh giá hoạt động và tư cách chính trị, bổ nhiệm, miễn nhiệm (hoặc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm) bộ trưởng. Đó là nguyên tắc pháp quyền phổ thông, đảm bảo cho bộ máy có thể thực thi chức năng, nhiệm vụ quy định.

Trong thể chế nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền đó trước hết trong việc bầu ra (và bãi miễn) người để ủy thác thực thi quyền lực nhà nước.

Vì vậy, cần đẩy mạnh đổi mới việc bầu cử các cơ quan quyền lực nhà nước, sao cho lá phiếu bầu của cử tri, của đại biểu thực sự là sự lựa chọn chính trị của họ, khắc phục tình trạng “Đảng cử, dân bầu”.

Chuyển "cai trị hành chính" sang phục vụ dân

Đối với công chức, trước hết là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch công chức, làm việc trong bộ máy công quyền. Họ phải nắm vững và thực hành đúng công vụ, đảm bảo cho các mặt quản lý hành chính của đất nước thông suốt và ổn định.

Vì vậy, họ thuộc quyền quản lý của hành pháp, trực tiếp là của cơ quan sử dụng công chức trên cơ sở luật công chức. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công chức Các biện pháp quản lý đội ngũ này phải nhằm chuyển hẳn từ “cai trị hành chính” sang phục vụ nhân dân.

Công chức làm việc trong bộ máy đảng, đoàn thể thì do tổ chức đảng, đoàn thể quản lý theo đúng Luật Cán bộ, công chức.

Đội ngũ những người lao động khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ các loại ngày càng đông đảo, hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trình độ cao thấp rất xa nhau, nhưng ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong một xã hội phát triển. Một bộ phận trong đó được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch trở thành viên chức nhà nước (hiện nay Luật Cán bộ, Công chức vẫn xem một bộ phận trong họ là công chức).

Đây là lực lượng lao động có điều kiện và cần được tạo điều kiện luân chuyển dễ dàng giữa hai khu vực công và ngoài công, giữa trong và ngoài nước. Yêu cầu đối với họ là trình độ chuyên môn cao, có môi trường tự do sáng kiến cá nhân, phát minh, sáng tạo.

Việc “quản lý” đối với họ về cơ bản không phân biệt khu vực công hay ngoài công, phải tạo ra không gian phù hợp với yêu cầu đó, không thể gò bó như đối với công chức. Đối với doanh nhân cũng tương tự.

Thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với các cơ quan quyền lực nhà nước trên thực tế là giám sát cán bộ lãnh đạo và công chức thực thi công vụ. Để thực hiện được việc này, phải thực hiện công khai, minh bạch công việc của các cơ quan nhà nước, mà điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là minh bạch công tác cán bộ.

  • Bùi Đức Lại
    Bài 3: Đổi mới bầu cử cấp ủy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,