- Dẫn câu chuyện “đại gia” Toyota phải ra lệnh thu hồi hơn 4 triệu xe hơi chỉ vì một lỗi nhỏ ở chân ga có thể gây mất an toàn, Cục trưởng Cục cạnh tranh Bộ Công thương Bạch Văn Mừng khẳng định sự cấp thiết của việc ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Mừng nói thêm, ngay ở Việt Nam vừa rồi, một ngân hàng nọ khi mua xe của Toyota, dù không phát hiện ra bất cứ lỗi kỹ thuật nào nhưng họ vẫn nhất quyết muốn trả lại xe chỉ vì trong xe có mùi khó chịu. Tất nhiên, vì xe không hề hỏng hóc nên hai bên vẫn đang "giằng co".
Khi mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng có thể khởi kiện theo thủ tục rút gọn. Ảnh minh họa: LN
"Trong những trường hợp tranh chấp như vậy ta phải xử lý thế nào? Hay phải đợi đến khi hàng hoá hư hỏng thì mới kiện cáo?", ông Mừng nói.
Câu chuyện trên được nêu tại hội thảo lấy ý kiến cho dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng, do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức sáng nay (2/2).
Đa số đại biểu đều thống nhất ý kiến cho rằng, đã có nhiều văn bản pháp lý liên quan đến xử phạt hành chính các vi phạm khi bán hàng kém chất lượng, nhưng mỗi khi mua phải hàng giả hoặc xảy ra tranh chấp thì người tiêu dùng yếu thế vẫn chịu phần thua thiệt.
"Từ năm 1994, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN đã thành lập Văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng nhưng số người đến khiếu nại vẫn còn ít do họ chưa có thói quen khiếu nại. Hơn nữa, có những khiếu nại giá trị thấp nên dân cho là không bõ", Phó Chủ tịch Hội, ông Đỗ Gia Phan nói.
Mỗi năm, Văn phòng tiếp nhận khoảng 300 khiếu nại và 70 - 80% được giải quyết.
Ông Bạch Văn Mừng cho rằng, trong nhiều trường hợp, người dân vẫn bức xúc nhưng ngại đưa vụ việc ra tòa vì không dễ chứng minh mình bị thiệt hại.
Chẳng hạn, xăng là một sản phẩm có tiêu chí chất lượng phức tạp, bắt người tiêu dùng chứng minh thiệt hại là một điều phi thực tế. Rồi một chiếc tivi giá chưa đến mười triệu đồng, thậm chí một hộp sữa...
Dự luật đã đưa ra một hướng đi để "gỡ vướng". Đó là, người tiêu dùng có quyền khởi kiện theo thủ tục xét xử rút gọn.
Người dân có thể khởi kiện theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau: Chỉ có một nguyên đơn, giá trị giao dịch đến 100 triệu đồng, bị đơn trực tiếp cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng nộp đơn khởi kiện trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày phát hiện quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Về thủ tục xét xử rút gọn, dự luật nêu rõ, trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo, TAND cấp huyện có trách nhiệm thụ lý vụ án.
Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, tòa phải phân công một thẩm phán giải quyết vụ án, thông báo việc thụ lý vụ án và lịch xét xử cho bị đơn.
Trong vòng mười ngày sau đó, tòa phải mở phiên tòa xét xử công khai theo các quy định về phiên tòa sơ thẩm của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì tòa quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án. TAND cấp tỉnh có thể lấy vụ án lên để giải quyết.
Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ thay thế Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999. Dự thảo luật sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3/2010 và sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 sắp tới.
-
Lê Nhung