221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1261309
Mạnh dạn chọn người để không phải "đốt đuốc tìm quan"
1
Article
null
Mạnh dạn chọn người để không phải 'đốt đuốc tìm quan'
,

- Để không còn phải "đốt đuốc tìm quan" khi đến gần đại hội, nguyên Trưởng Ban Tổ chức TƯ Lê Phước Thọ cho rằng đã đến lúc phải thay đổi lớn trong nhận thức về công tác cán bộ, mạnh dạn hơn trong lựa chọn nhân sự.

>> Loạt bài: Đảng phải là Đảng của Dân tộc!

Câu chuyện với ông Lê Phước Thọ nhân dịp 3/2 trước hết xoay quanh những trăn trở về Đảng.

Dân yên thì Đảng mới mạnh

Không ít đảng viên lão thành trăn trở rằng Đảng CSVN có nhiều đảng viên chân chính, không hám quyền hám lợi mà thật sự nghĩ đến dân, đến nước nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số kẻ thoái hóa biến chất. Ông chia sẻ gì với băn khoăn này?

Bên cạnh bộ phận cán bộ, Đảng viên tích cực hăng hái với sự nghiệp cách mạng, lại có một bộ phận không nhỏ đã và đang suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Trong đó có một số vụ việc diễn ra nghiêm trọng kéo dài đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Mô tả ảnh.
Nguyên Trưởng Ban Tổ chức TƯ Lê Phước Thọ: Hãy chọn vấn đề tổ chức và cán bộ làm khâu đột phá cho Đại hội XI. Ảnh: GVT

Trong xã hội có nhiều vấn đề khiến lòng dân chưa yên. Nông dân đi khiếu kiện đông người do chính quyền địa phương thu hồi ruộng đất mà không bồi hoàn thoả đáng, chỗ tái định cư, quy hoạch treo, để đất hoang trong khi đó nông dân không có ruộng sản xuất, không có việc làm, công nhân thì bãi công...

Hiện nay tình hình có dịu hơn, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Qua theo dõi tình hình kinh tế - xã hội và tình hình trong Đảng từ sau Đại hội X cho tới nay, nhiều đồng chí khác cũng như tôi thực sự lo lắng cho sự nghiệp cách mạnh của Đảng.

Công cuộc đổi mới đã đi qua chặng đường hơn 20 năm, giờ đây cả dân tộc đang bước vào giai đoạn mới đầy thử thách. Theo ông, Đảng cần có những chỉnh đốn như thế nào để giữ được lòng tin trong dân, để luôn luôn là ngọn cờ tiên phong của dân tộc?

Vấn đề đặt ra là thế hệ hôm nay và ngày mai phải làm gì và làm như thế nào để giữ vững độc lập, tự do, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, dân tộc, bảo vệ cho chế độ XHCN mãi mãi trường tồn.

Bước vào thời kỳ mới, với những chuyển biến nhanh chóng về kinh tế và đời sống xã hội, tình hình trong nước và trên thế giới trong những thập niên tới sẽ diễn biến phức tạp. Căn cứ vào thực trạng trong Đảng hiện nay, để đảm bảo sự nghiệp cách mạng được thực hiện thành công, tôi cho rằng phải coi trọng công tác xây dựng Đảng hơn nữa. Hãy chọn vấn đề tổ chức và cán bộ làm khâu đột phá cho Đại hội XI.

Mô tả ảnh.
"Chúng ta không thể bằng lòng với cách đánh giá cán bộ kiểu cũ". Ảnh: GVT
Cần phải bàn thật sâu nhiệm vụ trọng yếu này, nhất là công tác tổ chức và cán bộ, vì đã đến lúc chín muồi, cần đặt lên bàn nghị sự để thảo luận.

Vì sao thời kỳ khó khăn ác liệt như thế, nhân dân luôn luôn bảo vệ, một lòng theo Đảng? Dân yên thì Đảng mới mạnh. Vì vậy, công tác tổ chức và công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Nên chăng Đại hội XI sắp tới phải là một đại hội "chỉnh đốn Đảng" và để giữ vững bản chất, truyền thống của Đảng, nâng cao trí tuệ và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới.

Chọn người có tư tưởng đổi mới và tầm nhìn

Vì sao ông cho rằng chúng ta phải bàn thật sâu, thật kỹ công tác tổ chức, cán bộ?

Chúng ta không thể bằng lòng với hiểu biết cũ, cách nhìn cũ, cách làm cũ và đánh giá cán bộ theo kiểu cũ.

Phải thật sự đổi mới việc nhận xét đánh giá, đề bạt, sử dụng, luân chuyển cán bộ một cách khách quan, trung thực, để chọn người thẳng thắn, trung thực, không xảo quyệt, phải thật thà đối với đồng chí, bạn bè, với nhân dân, với Đảng, liêm khiết, có tinh thần trách nhiệm và gắn bó máu thịt với nhân dân, đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân trên lợi ích cá nhân. Phải chú trọng khâu quy hoạch cán bộ, nhất là cấp chiến lược.

Theo ông, việc chọn cán bộ thời nay có gì khác với chọn cán bộ thời trước?

Cán bộ thì mỗi thời mỗi khác. Thời kháng chiến nhiều người học hàm học vị yếu song họ vẫn xả thân vì dân tộc. Cán bộ thời bao cấp có tiêu chí khác và giờ cũng cần những chuẩn mực khác.

Thời kỳ đổi mới kinh tế, người được giao trọng trách cần phải có tầm nhìn về kinh tế, về bang giao.

Song có một điểm chung là ở thời nào, người cán bộ cũng phải trong sạch, phải là tấm gương mẫu mực, phải tập hợp được cán bộ, tập hợp được lòng dân.

Đó là người phải quyết đoán và có tư tưởng đổi mới vì nhiều khi tham mưu giỏi nhưng người cầm đầu không dám quyết đoán thì cũng hỏng. Hay có tham mưu giỏi mà người trên không đổi mới thì cũng hỏng.

Phải có tầm nhìn xa hiểu rộng, phải quyết được, vì bộ tham mưu nghiên cứu đề xuất thì có lúc nó đề xuất đúng, có lúc sai, có lúc đề xuất không cơ sở, thì người đứng đầu phải tỉnh táo phải biết và phải dám quyết.

Anh Trường Chinh ngày trước từng nói: Nước mình không thiếu nhân tài, nhưng nhân tài không được phát huy.

Mô tả ảnh.
"Đại hội lần thứ XI nên nghiên cứu thực hiện mở rộng quyền dân chủ thực sự trong bầu cử". Ảnh: GVT

Nếu chọn người để giao trọng trách phải chọn người làm việc có hiệu quả, hoàn thành công việc, đó là thước đo chuẩn mực nhất. Thiếu gì người nói theo sách vở giỏi nhưng giao việc thì không làm được. Đó còn phải là người tập hợpm đoàn kết được cán bộ. Và bản thân người đó phải là người trong sạch, đừng có tham lam của chung.

Dân chủ, công khai trong lựa chọn lãnh đạo

Xin được hỏi, vì sao lâu nay chúng ta vẫn cứ phải bí mật đến phút cuối cùng khi bầu chọn nhân sự. Cách làm này liệu có mâu thuẫn gì với mục tiêu dân chủ, công khai không?

Trước đây ta bí mật chẳng qua là để bảo vệ cán bộ thời chiến. Nay đảng là đảng cầm quyền, cả nước ai cũng biết Tổng Bí thư là ai, Thường trực Bộ Chính trị là ai, chủ tịch tỉnh là ai. Vậy thì bí mật làm gì nữa? Cứ công khai hết đi. Cứ nói rõ ra là: sắp tới tôi sẽ chọn một số nhân sự này để đưa lên cấp ủy. Cứ nói rõ ra và để các anh ấy tự tranh đua, tự đưa ra cương lĩnh hành động.

Việc công khai sẽ có hai tác dụng, thứ nhất anh nào lên được vị trí đó, thì mỗi khi hành động gì sẽ phải tự kiềm chế, phấn đấu; thứ hai, công khai ra như vậy, sẽ giúp mọi người có thể giám sát được tốt hơn.

Chúng ta thường nói phải “dân chủ, công khai” khi quy hoạch cán bộ, nhưng thực tế chỉ có ít người biết. Như vậy dân chủ, công khai vẫn còn hạn hẹp, dẫn tới tình trạng cứ đến đại hội lại phải “đốt đuốc tìm quan”.

Với kinh nghiệm của người từng giữ trọng trách Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, theo ông, công tác cán bộ phải được thực hiện như thế nào để tìm được những người có đủ năng lực và phẩm chất đưa dân tộc ta cất cánh?

Đang rất cần một sự thay đổi lớn về nhận thức trong công tác cán bộ. Chọn nhân tài mà cứ luẩn quẩn thì làm sao có đột phá.

Chúng ta xác định mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trên lộ trình đó, chúng ta phải hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, chưa kể phải lo đối phó với sự suy thoái kinh tế toàn cầu, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Tất cả những điều ấy đòi hỏi Đại hội XI sắp tới phải có cơ cấu nhân sự đảm bảo tiêu chuẩn và cơ cấu, tiêu chuẩn là chủ yếu, tức là gồm những người có đức, có tài, có trí tuệ, có năng lực quản lý kinh tế - quản lý xã hội thực sự, có tầm chiến lược, khắc phục cho được loại cán bộ tư duy theo nhiệm kỳ hoặc những người có động cơ xấu xa, ý đồ đen tối.

Dứt khoát cán bộ phải coi trọng chất lượng. Bộ Chính trị cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tuỳ theo tầm quan trọng có tính chất then chốt của mỗi đơn vị, địa phương mà lựa chọn cán bộ có đủ trình độ năng lực. Ở những địa bàn mang tính chất trung tâm khu vực kinh tế và quan trọng về an ninh quốc phòng, có thể bố trí 1-2 ủy viên Trung ương, không dàn trải, không nhất thiết bộ và địa phương nào cũng phải có ủy viên Trung ương.

Phải mạnh dạn hơn trong lựa chọn. Ví dụ, không nhất thiết phải là ủy viên Trung ương mới được đưa lên Bộ Chính trị. Thậm chí, cán bộ cấp cơ sở nhưng là người có thành tích, có uy tín, có năng lực thì vẫn có thể xem xét đưa thẳng vào Bộ Chính trị.

Tôi thấy, nhiều người ngoài Đảng nhưng có đức, có tài, có kinh nghiệm về chuyên môn ở nhiều lĩnh vực, do vậy, Đại hội XI cũng cần xem xét, giao trọng trách cho họ. Đảng nói mà không làm sẽ làm giảm lòng tin trong quần chúng.

Nhân tài của mình đâu chỉ có nguồn trong nước, chúng ta còn có nguồn là bà con đang sinh sống ở nước ngoài nữa đấy, nhiều người trong số họ rất tài năng và có lòng với đất nước.

Đại hội lần thứ XI nên nghiên cứu thực hiện mở rộng quyền dân chủ thực sự trong bầu cử, Đảng cần thực hiện cơ chế bầu cử trực tiếp lãnh đạo các cấp của Đảng tại đại hội Đảng các cấp.

Đây là thiết chế cần thiết đảm bảo dân chủ trong lựa chọn người đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước và chính quyền các cấp để nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng và hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy quyền dân chủ trong đảng và nhân dân.

  • Thu Hà
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,