221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1260840
Thủ tướng Việt Nam đề xuất tăng quyền lực cho FAO
1
Article
null
Thủ tướng Việt Nam đề xuất tăng quyền lực cho FAO
,

- Có lẽ cần suy nghĩ đến việc cải tổ, tăng cường quyền lực cho Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể về an ninh lương thực chiều 29/1 (giờ địa phương).

Tìm cách mới đảm bảo an ninh lương thực

Đánh giá cao việc chọn vấn đề an ninh lương thực thế giới làm chủ đề thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định "đây là một vấn đề lớn mang tính toàn cầu, cần đặc biệt quan tâm, nhất là trong khi thế giới hiện nay vẫn còn hơn 1 tỷ người bị đói và nhu cầu lương thực thế giới sẽ tăng gần gấp đôi hiện nay vào năm 2050, khi dân số tăng lên trên 9 tỷ người".

Việc bảo đảm an ninh lương thực không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế hay nhân đạo mà còn có vai trò quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một đất nước, một khu vực mà không bảo đảm an ninh lương thực sẽ tạo ra hệ luỵ lan tỏa không nhỏ đối với các nước và các khu vực khác.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Chinhphu.vn

Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, việc bảo đảm an ninh lương thực trên thế giới đang gặp rất nhiều thách thức.

Diện tích đất nông nghiệp ngày một giảm; thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và gây thiệt hại lớn; việc đầu tư để tăng sản lượng lương thực cũng còn nhiều hạn chế, nhất là đối với những nước nghèo; những rào cản về thương mại nông sản và thu nhập thấp của người nghèo cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận lương thực của họ; việc sử dụng lương thực cho mục đích khác, trong đó có sản xuất nhiên liệu sinh học ngày càng gia tăng…

Việt Nam đánh giá cao các nỗ lực của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, đứng đầu là hệ thống các cơ quan của Liên hợp quốc, trong đó có FAO trong việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới thời gian qua. Tuy nhiên, các tiến bộ về bảo đảm an ninh lương thực còn chậm, chưa vững chắc.

"Đã đến lúc chúng ta cần tìm ra cách làm mới để bảo đảm lương thực cho thế giới một cách nhanh hơn, bền vững hơn".

Bảo vệ diện tích đất trồng

Với kinh nghiệm của một nước đã từng chịu cảnh thiếu đói trong nhiều thập kỷ, ngày nay vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ những kinh nghiệm đảm bảo an ninh lương thực với thế giới.

Mô tả ảnh.
Ảnh: AP
Ông tư vấn, cần thực hiện đồng bộ cả ba nội dung, đó là bảo đảm tính sẵn có (nguồn cung lương thực đầy đủ mọi nơi, mọi lúc), tính ổn định (hệ thống phân phối ổn định) và khả năng tiếp cận của người dân (có khả năng mua lương thực).

Trước hết, từng quốc gia cần nỗ lực trong việc bảo vệ diện tích đất trồng cây lương thực, có chính sách bảo đảm lợi ích cho người sản xuất lương thực để họ an tâm sản xuất; tăng cường đầu tư để tăng sản lượng và chất lượng lương thực; tạo thuận lợi cho thương mại nông sản.

Cần xây dựng hệ thống phân phối lương thực ổn định; tạo các cơ hội việc làm, thu nhập và có hỗ trợ thích hợp để bảo đảm khả năng tiếp cận với lương thực của người dân; thận trọng trong việc sử dụng lương thực vào mục đích khác; cùng với các cố gắng của từng quốc gia, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phối hợp hành động chung trong khu vực và toàn cầu.

Cải tổ FAO

Thủ tướng cũng nhận định, cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 vừa qua trước hết là cuộc khủng hoảng về quản lý lương thực toàn cầu.

"Có lẽ chúng ta cần suy nghĩ đến việc cải tổ và mở rộng chức năng, tăng cường quyền lực cho Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) để có thể đóng vai trò hiệu quả hơn trong việc điều phối hỗ trợ các hoạt động liên quan đến định hướng, sản xuất, phân phối lương thực trên toàn cầu".

Đây không phải việc dễ dàng, nhưng FAO như một cơ quan quản trị toàn cầu về lương thực đủ thẩm quyền và năng lực sẽ có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự vận hành lành mạnh và ổn định của cả nguồn cung và nguồn cầu lương thực trên thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị bổ sung nguồn lực và mở rộng phạm vi hoạt động cho Quỹ Phát triển nông nghiệp thế giới (IFAD). Có thể tổ chức một diễn đàn quốc tế thường kỳ về hợp tác nhiều bên, trước mắt tập trung hỗ trợ các nước thiếu đói nhất.

"Giải pháp bền vững và lâu dài nhất đối với vấn đề an ninh lương thực thế giới là làm thế nào hỗ trợ một cách có hiệu quả cho các nước thiếu đói biết cách tự vươn lên".

Thủ tướng cho hay, Việt Nam "sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức của mình về vấn đề an ninh lương thực với các nước và cộng đồng quốc tế, thông qua các chương trình hợp tác song phương, đa phương, đặc biệt là Chương trình hợp tác Nam - Nam vì an ninh lương thực của FAO".

Các mô hình hợp tác 2+1, 3+1 đặc biệt rất thích hợp đối với Việt Nam với tư cách là nước chuyển giao kỹ thuật và kinh nghiệm cho các nước đang cần phát triển nông nghiệp. "Chúng tôi sẵn sàng nhân rộng hình thức hợp tác này tới các đang phát triển ở châu Phi và các khu vực có nhu cầu ở châu Á, trong đó có Tây và Nam Á để hỗ trợ các nước này phát triển nông nghiệp và gia tăng sản xuất lương thực".

Giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu

Thủ tướng nói thêm, biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng đang trở thành mối đe dọa lớn đối với các nước nông nghiệp, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng thừa, thiếu cục bộ do mất mùa, thiên tai, lũ lụt là những tác động của biến đổi khí hậu cần được quan tâm giải quyết.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chỉ rõ, Việt Nam là một trong số ít các nước được dự báo chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, nhưng lại là nước hàng năm cung cấp khoảng 1/5 lượng gạo xuất khẩu của thế giới.

Do đó, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, trước hết trong việc triển khai Chương trình hành động thích ứng đối với BĐKH của ngành nông nghiệp giai đoạn 2008-2020 nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam, đồng thời cũng là góp phần vào bảo đảm an ninh lương thực cho khu vực và thế giới.

Để phối hợp cùng hành động có hiệu quả, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các nước xuất khẩu nông nghiệp cân nhắc việc hình thành Liên minh các nước nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tránh khủng hoảng lương thực như 2008

Hơn nữa, thế giới cần nỗ lực tránh xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực như năm 2008 tại nhiều nước, nhất là tại châu Phi và châu Á làm giá cả lương thực tăng vọt và khan hiếm lương thực giả tạo tại nhiều nước sau đó.

Trước mắt, Liên hợp quốc cần lựa chọn khoảng 50 quốc gia dễ xảy ra khủng hoảng lương thực nhất để tập trung hỗ trợ tích cực. Một hệ thống cảnh báo sớm cũng cần được thiết lập để sớm phát hiện khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực, từ đó có các giải pháp ứng phó hữu hiệu, kịp thời - Thủ tướng Việt Nam gợi ý.

Hơn nữa, "cộng đồng quốc tế cần cam kết loại bỏ và cắt giảm tối đa mọi hàng rào quan thuế và phi quan thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm".

"Các nước phát triển phải đi đầu làm gương, xóa bỏ ngay và không điều kiện các khoản trợ cấp khổng lồ dành cho nông nghiệp trong nước, xóa bỏ hàng rào ngăn cản hàng hóa nông nghiệp và thực phẩm của các nước đang phát triển nhập khẩu vào thị trường nội địa".

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc này không chỉ tạo điều kiện khuyến khích các nước sản xuất và xuất khẩu lương thực - thực phẩm mở rộng sản xuất, cung cấp ngày một nhiều hơn các sản phẩm có chất lượng cho thị trường thế giới, mà còn giúp hạ thấp giá cả, cho phép các nước nghèo, thiếu đói, có thể mua nhiều hơn lương thực đáp ứng nhu cầu trong nước.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng kêu gọi các nước phát triển và đang phát triển, các nước nhập khẩu và xuất khẩu ròng lương thực có thiện chí tối đa, sớm gạt bỏ các bất đồng, góp phần đẩy nhanh tiến trình đàm phán kết thúc vòng Doha trong năm nay.

  • Hiền Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,