Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 4 và 5/1, Thủ tướng nhấn mạnh cần xử lý tốt mối quan hệ giữa lãi suất tín dụng với tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế, quản lý tốt thị trường ngoại hối và nợ quốc gia; bảo đảm vốn và tính thanh khoản cho nền kinh tế phải đúng liều lượng.
"Quan trọng là liều lượng phải phù hợp với từng lúc” để vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa duy trì đà tăng trưởng hợp lý", Thủ tướng lưu ý.
Thông tin tạo đồng thuận
Theo Thủ tướng, năm 2010 được xác định là năm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn cả về số lượng và chất lượng, đồng thời ngăn ngừa lạm phát cao trở lại.
Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Với mục tiêu thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị các cơ quan nhà nước tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, huy động các nguồn lực cho đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp với giá trị gia tăng cao hơn.
Song song với các trọng tâm công tác nêu trên, Thủ tướng nhắc các thành viên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương chú trọng làm tốt công tác thông tin, phổ biến chủ trương chính sách, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội từ nhận thức đến hành động. Công tác thông tin phải vì lợi ích của đất nước, của nhân dân và phải kịp thời ngăn chặn, bác bỏ những thông tin thất thiệt.
Đề cao trách nhiệm các thành viên Chính phủ
"Mỗi thành viên Chính phủ phải đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao phó, làm tốt chức năng quản lý nhà nước trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương.
Các vấn đề quan trọng khác được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý tại phiên họp Chính phủ mở rộng, tổ chức trong hai ngày 6 và 7/1 là bám sát thực tiễn, làm tốt công tác dự báo tình hình kinh tế - xã hội và các mặt công tác khác từ đó đề ra các quyết sách đúng; chỉ đạo điều hành phải quyết liệt, năng động, linh hoạt, sáng tạo, lo trước mắt nhưng cũng tính lâu dài; thực hiện đúng nguyên tắc, đúng pháp luật.
Có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành với địa phương; tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội và cả hệ thống chính trị; trong đó chú trọng tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, cũng là những vấn đề quan trọng được Thủ tướng nêu ra tại phiên họp Chính phủ.
Nhìn lại năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, Chính phủ đã sớm chủ động báo cáo với Bộ Chính trị và trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tổng quát từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế và duy trì tăng trưởng hợp lý, trong đó có điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trên cơ sở đó, Chính phủ kịp thời triển khai các giải pháp kích thích kinh tế mà trọng tâm là gói hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn tại ngân hàng thương mại, công ty tài chính và ngân hàng chính sách, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện việc giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số đối tượng; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất, giảm phí trước bạ.
Chính phủ quyết định tạm hoãn thu hồi vốn ứng trước, cho ứng trước vốn ngân sách nhà nước năm 2010, 2011 để thực hiện một số dự án quan trọng cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2009, 2010.
Hết sức coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, Chính phủ đã nhanh chóng chuyển việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ từ thắt chặt sang chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng với việc thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế; điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở; điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá linh hoạt.
Đáng chú ý, trước tình hình biến động trong những tháng cuối năm, Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh giảm mức hỗ trợ lãi suất và thu hẹp phạm vi áp dụng đối với các khoản vay trung và dài hạn để tiếp tục thực hiện năm 2010; kết thúc gói hỗ trợ vay vốn lưu động ngắn hạn theo đúng thời gian quy định tại Quyết định số 131/ QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ; điều chỉnh biên độ và tỷ giá để bảo đảm bình ổn thị trường vàng, thị trường ngoại tệ.
Nhờ vậy, năm 2009, Việt Nam sớm ngăn chặn được suy giảm kinh tế, sản xuất kinh doanh phục hồi và có bước phát triển nên tăng trưởng GDP ước tăng 5,32%, vượt chỉ tiêu điều chỉnh đã được Quốc hội thông qua.
Tăng trưởng cao hơn, chất lượng hơn
Cùng với ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, công tác an sinh xã hội được Chính phủ quan tâm đặc biệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có kết quả.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nghiêm túc nhận thấy những hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội như việc tổ chức, hướng dẫn, triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách chưa thật sự quyết liệt và kịp thời, làm cho chính sách và giải pháp chậm đi vào cuộc sống, hiệu quả thấp; việc điều hành tỷ giá, lãi suất, quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng, bất động sản có lúc còn chậm; công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch lạc hậu; việc khai thác, sử dụng tài nguyên và nguồn lực chưa hiệu quả; vấn đề ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng còn nhiều bức xúc.
Năm 2010, Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, với tư tưởng chủ đạo là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn cả về số lượng và chất lượng; đồng thời ngăn ngừa lạm phát cao trở lại; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ, TTXVN