- Phải chăng cán bộ, đảng viên tay đã "nhúng chàm" nên ngậm miệng? Hay sức chiến đấu của họ sa sút đến mức đành lòng "mũ ni che tai" sống chung với tham nhũng? Không phải như vậy.
Có khá nhiều ý kiến, kể cả của một số người giữ trọng trách, cho rằng: Các vụ tham nhũng bị tố cáo hầu hết từ quần chúng, nhân dân, rất hiếm thấy vai trò của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Hiện tượng này có thật, nhưng bản chất thế nào là việc cần xem xét.
Phải chăng cán bộ, đảng viên đều tay đã "nhúng chàm" nên ngậm miệng? Hay sức chiến đấu của họ sa sút đến mức đành lòng "mũ ni che tai" sống chung với tham nhũng? Không phải như vậy.
Đại đa số cán bộ, đảng viên thấu hiểu tác hại ghê gớm của nạn này với đất nước, một số trực tiếp là nạn nhân của tham nhũng, vì vậy họ căm ghét và mong muốn loại trừ nó.
Họ có hèn nhát sợ kẻ tham nhũng không? Cũng có người như vậy, nhưng đa số thì không. Họ đã từng dám hy sinh, chiến đấu với kẻ thù, thì không thể sợ kẻ gian tà; lớp trẻ cũng không thể bỗng nhiên đánh mất chí khí của cha anh.
Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Nói không với tham nhũng |
Rất nhiều người muốn chống tham nhũng. Động cơ có thể khác nhau. Đa số có động cơ chính đáng, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Một số có những động cơ cá nhân… Dù động cơ nào thì việc chống tham nhũng cũng khách quan có tác dụng tích cực.
Nếu xét trên tổng thể thì lực lượng chống tham nhũng có số lượng áp đảo lực lượng tham nhũng. Nhưng trong từng vụ việc, ở từng đơn vị cụ thể bị tham nhũng chi phối thì lực lượng chống tham nhũng nhỏ bé, phân tán, yếu hơn lực lượng tham nhũng nhiều. Nghịch lý này là nguyên nhân của vấn đề.
Kẻ tham nhũng trong một cơ quan, đơn vị thường có vị trí lãnh đạo, có bè cánh, nắm bộ máy và các công cụ quản lý, có nhiều thủ đoạn, phương tiện vật chất để xóa tội, chạy tội. Một số có "quan thày" đỡ đầu, chống lưng từ trên. Lột mặt tham nhũng rất khó khăn. Các cơ quan chuyên môn như thanh tra, kiểm tra, công an với lực lượng chuyên nghiệp đông đảo, nắm nhiều công cụ pháp lý mà nhiều vụ việc kéo dài hàng năm cũng chưa kết luận nổi.
Cửa ải
Trong khi đó, người chống tham nhũng có trong tay những công cụ gì?
Họ chỉ là những cá nhân riêng lẻ, thường không phải là người trong cuộc, biết được một số thông tin, nắm được một vài chứng cớ. Để mong tố giác mang lại kết quả, ít nhất họ phải vượt qua các "cửa ải" sau.
Cửa ải thứ nhất là xác minh thông tin. Đây là việc không thể không làm, vì nếu thiếu chứng cớ thuyết phục thì họ rất dễ có nguy cơ bị kết tội vi phạm điều 3 của Quy định những việc đảng viên không được làm.
Nhưng xác minh bằng cách nào? Họ không thể tập hợp lực lượng, trao đổi với người khác, hoặc khuyến khích người khác tố cáo (vi phạm điều 3 Quy định). Họ cũng không thể tiếp cận những tài liệu không thuộc phạm vi công việc (vi phạm quy chế công vụ). Đó là chưa kể họ không có thời gian vật chất để thực hiện những việc trên và nguy cơ bị bọn tham nhũng phát hiện, đối phó và trả thù ngay cả khi chưa tố.
Cửa ải thứ hai là tố giác đến cơ quan có trách nhiệm. Không thể tố giác tại hội nghị chi bộ vì chi bộ nói chung dù có tốt cũng không đủ điều kiện điều tra, kết luận.
Chỉ còn đường đưa lên cấp trên hoặc cơ quan có trách nhiệm. Không ít trường hợp cơ quan này làm sai quy định (chuyển trả thư tố cáo về đơn vị, thông tin "nửa kín nửa hở" cho người liên quan…) mà người tố giác và cơ quan giám sát cao hơn không làm gì được. Nếu ở cấp trên lại có kẻ ô dù cho kẻ tham nhũng thì người tố giác càng có nguy cơ bị bán đứng. Đưa ra cơ quan công luận cũng là việc không dễ dàng.
Cửa ải thứ ba là, các quá trình điều tra kéo dài nhiều năm tháng, người tố giác vẫn nằm dưới quyền kẻ tham nhũng. Họ hoàn toàn không thể tự vệ trước những đòn trả thù hiểm ác của bọn này. Lâu nay ít thấy trường hợp thực sự bảo vệ được người tố giác.
Cửa ải thứ tư: Kể cả khi đã kết luận rõ ràng, kẻ tham nhũng bị xử trí (nhiều trường hợp không xứng với tội), thì người tố giác vẫn chịu nhiều sức ép và các thủ đoạn cô lập rất bất công từ phía kẻ tham nhũng (gia đình, kẻ cùng cánh, kẻ liên đới…), thậm chí cả trong dư luận cơ quan và xã hội.
Vòng luẩn quẩn
Trên thực tế, đa số người tố giác là những người chính trực, không biết đến các thủ đoạn gian manh. Ngược lại, kẻ tham nhũng thường rất ma giáo, có kẻ không từ bất cứ thủ đoạn nào khi vào thế cùng.
Cứ cho là xác suất vượt qua mỗi "cửa ải" là 30% (có lẽ quá cao), thì xác suất vượt qua cả bốn cửa ải, giành thắng lợi cuối cùng cũng chỉ nhỉnh hơn 1%. Mà "không thành công" thì người tố giác không những không "thành nhân" mà còn bị vu cáo, bôi nhọ đủ điều, bị làm cho khốn đốn.
Người tỉnh táo không chọn cách chiến đấu có hiệu quả thấp như vậy. Họ bắt buộc phải chọn cách khác. Không thể viết thư nặc danh (điều này đảng viên không được làm), họ tìm cách đưa thông tin ra quần chúng, tố giác qua tiếng nói của quần chúng.
Tình trạng lẫn lộn giữa tố cáo thật - giả làm cho hiệu quả tố cáo càng thấp, càng dễ làm cho việc xử lý thư tố cáo tùy tiện. Cái vòng cứ luẩn quẩn như vậy.
Trong việc này, cán bộ, đảng viên không phải không có lỗi. Nhưng vấn đề trước hết lại nằm ở các cơ quan có trách nhiệm và cấp trên. Dù có chủ trương, nhưng trên thực tế trong nhiều trường hợp, chúng ta đã không khuyến khích, không bảo vệ người tố giác tham nhũng, không đảm bảo thắng lợi của người tố giác.
Trái lại, một số quy định và cách thức xử lý cụ thể lại làm khó cho người tố cáo. Lời ông Lê Phước Cẩm tại hội nghị do Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tổ chức tháng 12/ 2009: "Tố cáo tham nhũng tôi thấy quá đơn độc" không phải là cá biệt mà là tình trạng phổ biến.
Không sửa được những điều đó thì tình hình không thể cải thiện.
-
Bùi Đức Lại