- Thảo luận về Luật Thuế nhà đất sáng nay (18/12), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trước mắt chưa nên đánh thuế nhà.
Mức thuế nhà đã từng được ban soạn thảo luật điều chỉnh từ 600 triệu đồng xuống còn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đa số ĐBQH đều chưa tán thành việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế.
Ảnh: NL
Theo các ĐBQH, nhà là tài sản gắn với công sức, sự tích lũy lâu dài của dân. Việc thu thuế nhà có thể dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế. Trước mắt chỉ nên thu thuế đất.
Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phân tích những điểm khó khăn, bất cập sẽ phát sinh nếu tiến hành thu thuế nhà.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đưa ra ví dụ, một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội nhưng đặt nhà máy sản xuất tại Ninh Bình. “Đóng thuế thì nộp hết cho Hà Nội nhưng khói bụi, ô nhiễm thì dân Ninh Bình hứng chịu”.
Ông Vượng cũng lo ngại sẽ phát sinh tình trạng khiếu kiện xung quanh việc xác định giá trị nhà.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, chọn phương án nào cho thuế nhà cũng khó, nhất là khi dư luận và ngay các ĐBQH cũng không tán thành việc này.
Ủy ban Tài chính Ngân sách QH, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật lại có quan điểm “trung dung” hơn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban, ông Phùng Quốc Hiển, đánh thuế nhà là phù hợp thông lệ quốc tệ. Tuy nhiên hiện nay do mức sống, điều kiện sống của dân còn chênh lệch, nên cần thu hẹp hơn nữa đối tượng phải nộp thuế và nên áp dụng cách tính đơn giản, dễ thực hiện.
Uỷ ban Tài chính đề xuất hai phương án. Thứ nhất, chỉ thu thuế từ ngôi nhà thứ hai trở lên và áp dụng mức thuế suất 0,03%. Cách tính này sẽ góp phần hạn chế chuyện đầu cơ vì đa số người dân chỉ có một ngôi nhà để ở sẽ không phải nộp thuế.
Nếu vẫn theo phương án của dự thảo luật là đánh thuế ngay từ ngôi nhà thứ nhất, Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH cho rằng nên nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 1 tỷ đồng (thay vì 500 triệu đồng).
Như vậy, sau nhiều cuộc thảo luận, phương án tính thuế nhà như thế nào vẫn còn chưa ngã ngũ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, thuế nhà đất tác động lớn tới người dân, nên nếu chưa tính toán kỹ, cũng không cần vì thúc ép phải thông qua vào kỳ họp QH thứ bảy (đầu năm 2010) mà phải làm gấp.
Còn theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, thời gian tới, các bộ cần trưng cầu thêm ý kiến người dân.
“Ngoài chuyên gia, ban soạn thảo nên lấy ý kiến của đại diện dân cư và cán bộ địa chính, thuế ở địa phương. Có như vậy, khi thông qua luật mới tạo được sự đồng thuận từ lòng dân”, ông Kiên chốt lại.
Dự kiến Luật thuế nhà đất sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tới.
Theo dự kiến, đối tượng được nhận làm con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi. Dự thảo cũng quy định một ngoại lệ là người từ 16 đến 18 tuổi cũng có thể được nhận làm con nuôi có yếu tố nước ngoài theo diện đoàn tụ gia đình.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về dự thảo Luật nuôi con nuôi. Một trong những nội dung được thảo luận nhiều nhất là quy định về độ tuổi nhận con nuôi.
-
Lê Nhung