- Trao đổi với các luật sư tại buổi tọa đàm sáng nay (8/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ: "Trong quá trình tranh tụng một số vụ việc vừa qua, chúng ta đã phải thuê luật sư nước ngoài. Bỏ tiền ra thuê, vừa tốn kém lại vừa là trao lợi ích quốc gia cho họ".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ sẽ tạo điều kiện để giới luật sư có "đất dụng võ" nhưng bản thân luật sư phải tự trau dồi năng lực.
Sáng nay (8/12), Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức cuộc toạ đàm giữa đại diện luật sư Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chủ đề: "Vai trò của luật sư Việt Nam trong cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế".
Dẫn lại câu chuyện nhiều vụ việc tranh chấp trên phạm vi quốc tế vừa qua, Việt Nam đã phải thuê luật sư ngoại, người đứng đầu Chính phủ trăn trở: "Phải làm sao, như thế nào để đội ngũ luật sư vừa tăng về số lượng vừa đảm bảo chất lượng".
Cuộc tọa đàm được gói gọn trong hai tiếng đồng hồ, không nhiều luật sư có đủ thời gian để đặt câu hỏi. Các luật sư chủ yếu băn khoăn về các cơ chế, chính sách để giới luật sư và liên đoàn luật sư hoạt động. Các câu hỏi được đặt ra chủ yếu để biết "quan điểm của Thủ tướng thế nào?".
"Ngoại ngữ chưa đủ để cãi"
Thống kê của Liên đoàn Luật sư cho thấy, hiện cả nước có gần 5.800 luật sư và hơn 2.000 luật sư tập sự. Từ sau khi pháp lệnh hành nghề luật sư có hiệu lực (năm 2001) đến nay, số lượng luật sư đã tăng 250%.
Luật sư Nguyễn Văn Hiền Phúc (Bình Dương) đặt câu hỏi: "Số lượng luật sư đáp ứng yêu cầu trong tư vấn và tranh tụng quốc tế không nhiều. Vậy liên đoàn luật sư có vai trò gì trong việc đào tạo và chủ trương của Chính phủ để phát triển đội ngũ?".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "chất vấn" lại: "Tôi cũng muốn hỏi chính các anh câu hỏi đó".
Điều mà Thủ tướng muốn lưu ý, đó là việc đội ngũ luật sư tăng nhanh về số lượng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng, nhất là trong điều kiện nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân và doanh nghiệp đang tăng cao.
Điều đáng nói là Việt Nam thiếu những luật sư đủ "tầm cỡ" cả về năng lực chuyên môn lẫn ngoại ngữ để tham gia tranh tụng quốc tế. Thậm chí, nhiều vụ án trong nước chậm trễ là vì thiếu đội ngũ luật sư bào chữa.
Hội thảo bàn đến khía cạnh "vai trò của luật sư trong hội nhập quốc tế" nhưng theo Thủ tướng, muốn hội nhập tốt thì trước hết, giới luật sư phải bảo vệ được lợi ích chính đáng của quốc gia bằng luật pháp. Không có đội ngũ luật sư giỏi sẽ khó lòng thực hiện điều này.
"Lãnh đạo một tổng công ty nọ đã nói với tôi rằng cán bộ pháp lý của họ trình độ ngoại ngữ tạm được nhưng để tranh cãi thì không đủ", Thủ tướng kể lại, khi giải đáp một câu hỏi của luật sư Nguyễn Thị Hải Yến (Hà Nội).
Một mặt, giới luật sư phải tự trau dồi năng lực, nhưng đồng thời Chính phủ cũng cam kết sẽ tạo điều kiện để giới luật sư có "đất dụng võ". Người đứng đầu Chính phủ cũng không quên lưu ý trách nhiệm của đoàn luật sư các tỉnh trong việc phối hợp với sở tư pháp để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ luật sư địa phương.
"Giới luật sư có trách nhiệm gì?"
Một vấn đề được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại nhiều lần ngay trong phần phát biểu cũng như khi trả lời câu hỏi là các luật sư Việt Nam sẽ tham gia như thế nào và đến đâu trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.
"Chúng ta chủ trương đấu tranh khẳng định chủ quyền biển bằng hoà bình theo tinh thần luật pháp quốc tế, theo Công ước về Luật biển của Liên hiệp quốc năm 1982... Vậy giới luật gia chúng ta có trách nhiệm, vai trò gì ở đây?", Thủ tướng đặt câu hỏi và mong nhận được chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Văn Hiền Phúc, Thủ tướng tiếp tục nhắc lại: "Công ước luật biển, vùng đặc quyền kinh tế, vùng lãnh hải, phải đấu tranh bằng chứng cứ lịch sử, bằng luật pháp".
-
Lê Nhung