221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1250018
Nhật trông đợi Việt Nam hành động nghiêm khắc trong vụ PCI
1
Article
null
Nhật trông đợi Việt Nam hành động nghiêm khắc trong vụ PCI
,

 - Trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG 2009) sáng nay (3/12) tại Hà Nội, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Misuo Sakaba cho hay phía Nhật đang trông đợi hành động nghiêm khắc trong cuộc điều tra từ phía Việt Nam.

"Nhật Bản trông đợi Chính phủ Việt Nam hành động để trừng phạt người được cho là đã nhận tiền hối lộ từ công ty của Nhật". 

Đại sứ Sakaba cũng nhận định đây là một vụ án "phức tạp". Phía Nhật đã chuyển cho Việt Nam tất cả các tư liệu và bằng chứng cần thiết mà phía Nhật có được.

Liên quan đến hỗ trợ ODA của Nhật Bản, kể từ sau vụ PCI, Nhật Bản và Việt Nam đã thảo luận các biện pháp để đảm bảo sự minh bạch, kiểm tra chi tiết hơn các thủ tục đấu thầu dự án.

"Hai bên đã ký thỏa thuận để thực thi các giải pháp mới liên quan đến sử dụng ODA của Nhật tại Việt Nam đầu năm 2009. Đến nay, Nhật Bản khá hài lòng về tiến trình này với một hệ thống minh bạch hơn về sử dụng các nguồn vốn ODA".

Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị CG với chủ đề "Phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững" , Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

Khẳng định những nỗ lực và kết quả đạt được trong bối cảnh kinh tế suy thoái vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận diện năm 2010 sẽ là một năm có nhiệm vụ "nặng nề, nhiều khó khăn và thách thức". Trong đó, nỗ lực phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt mức cao hơn năm 2009, khoảng 6,5%, góp phần hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm (2006 - 2010).

Đưa ra nhóm 6 nhiệm vụ, giải pháp lớn, Thủ tướng nhấn mạnh "Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ thích hợp để kích thích phát triển kinh tế trung và dài hạn, tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng mạnh vào nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Trong đó, sẽ chú trọng mở rộng thị trường trong nước".

Sau kích cầu, bước đi tiếp theo là gì?

Trao đổi với người đứng đầu Chính phủ, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa nêu một loạt câu hỏi: "Tăng trưởng năm qua được hỗ trợ nhờ những kích thích kinh tế quan trọng. Nhưng khi Chính phủ chuẩn bị chấm dứt gói kích thích theo cách không để ảnh hưởng đến những phục hồi vừa qua thì câu hỏi đặt ra, đó là giai đoạn sau, Việt Nam sẽ làm gì? Liệu Việt Nam sẽ giành được tốc độ tăng trưởng cao hơn trước đây hay không? Tất cả những yếu tố này phải tính đến trong gói kích cầu và vai trò của tư nhân trong tăng trưởng như thế nào?".

Mô tả ảnh.
Ảnh: XL

Đại diện WB cũng muốn biết bằng cách nào, Việt Nam có thể tránh được bẫy của vị thế quốc gia có thu nhập trung bình. Trong xu hướng chuyển dịch của nền kinh tế thế giới từ phương Tây sang nền kinh tế mới nổi, bà Victoria Kwakwa cho rằng Việt Nam có thể định hình vị thế kinh tế của mình để có lợi từ sự phát triển của Trung Quốc và đặc biệt có thể trở thành một cực tăng trưởng của các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực. 

Bà cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị và xây dựng cho mình một nền kinh tế có độ ứng phó tốt và mạnh mẽ hơn, củng cố quản lý kinh tế vĩ mô.

"Khủng hoảng đặt ra vấn đề phải xem xét hiệu quả của những chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Các quốc gia như Việt Nam cần xem xét tập trung vào chất lượng nhiều hơn là các đầu ra của tăng trưởng", bà nhấn mạnh. 

"Có thể đây là thời điểm tạo ra một làn sóng mới của những cải cách căn bản. Những cải cách ngày nay có thể chứa đựng những rủi ro nhưng sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi, đưa Viêt Nam trở thành một nền kinh tế, một xã hội công nghiệp hóa thịnh vượng và phát triển cởi mở", Giám đốc WB nói.

Tham nhũng - rào cản với đầu tư nước ngoài

Ông Rolf Bergman, Đại sứ Thụy Điển, nước Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu lưu tâm Chính phủ cần tiếp tục xử lý thách thức chống tham nhũng - "rào cản lớn đối với đầu tư nước ngoài".

Mô tả ảnh.
Các nhà tài trợ trông đợi những cải cách mạnh mẽ giai đoạn hậu khủng hoảng. Ảnh: XL

Cho rằng có thể phát huy vai trò của báo chí, cơ quan công luận cũng như các tổ chức phi chính phủ trong chống tham nhũng, Đại sứ Thụy Điển cũng nhấn mạnh nhu cầu tiếp cận thông tin trên Internet, sử dụng các trang web như Facebook. Đại sứ Mỹ Michael Michalak cũng chia sẻ: "Đây là diễn đàn thực hiện làm ăn, kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm, thông tin".

Đại sứ Canada Deanna L. Horton khuyến nghị thúc đẩy các chính sách giảm nghèo mạnh mẽ tại các vùng dân tộc thiểu số, trong khi Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi lưu tâm những rủi ro Việt Nam phải đối mặt khi tăng trưởng cao.

"Bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đang thay đổi nhanh rất nhanh chóng. Lời giải đúng đắn cho các vấn đề trong một bối cảnh nhất định có thể sẽ không còn phù hợp trong môi trường hiện nay. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến các nước phải tìm mô hình phát triển mới", ông Konishi nói.

Khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong giai đoạn phát triển tới, các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong những bước tiến mới khi Việt Nam tiếp nhận trách nhiệm của một nước thu nhập trung bình.

Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba nhấn mạnh các cam kết ODA cũng như thời gian tới sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ.

  • Xuân Linh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,