- Trao đổi bên hành lang kỳ họp HĐND TP Hà Nội hôm nay (9/12), đại biểu Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng quy hoạch Hà Nội là việc của toàn dân.
Quy hoạch Hà Nội và ý chí quyền lực trong quy hoạch
Giới chuyên môn quan ngại
Trong quy hoạch tổng thể, vấn đề trung tâm hành chính quốc gia đang được giới chuyên môn rất quan ngại, chúng ta đưa ra nhiều phương án nhưng thiếu một chủ thuyết.
Ảnh: CN
Phải nghiên cứu mô hình này kỹ hơn vì giới chuyên môn họ đang rất quan tâm, có thể chưa ai nói đúng hay sai nhưng chưa thuyết phục.
Theo tôi nên có tổng kết mô hình này chứ không phải cứ xuất phát từ Malaysia hay Hàn Quốc, những nước này cũng chưa phải thật giỏi về quy hoạch.
Hiện nay có một số nước áp dụng mô hình trung tâm hành chính tập trung nhưng thành công chưa được đánh giá.
Ví dụ Kuala Lumpur của Malaysia đưa ra ngoài nhưng Thủ tướng mới đang phê bình vì dân không đến, chính quyền xa rời nhân dân thì còn làm ăn được gì.
Trong khi đó, hiện nay chúng ta đã cấp kinh phí đầu tư vào xây dựng cho hầu hết bộ, ngành. Thế thì dành làm gì đến 200 ha để xây dựng, rồi sau đó chúng ta phải di chuyển, phải đưa cán bộ đi, cán bộ về.
Trung tâm hành chính là đầu não để chỉ huy toàn bộ mọi hoạt động, gắn kết thực hiện quá trình dân chủ hóa đối với dân.
Chọn địa điểm trung tâm hành chính, không chỉ vấn đề khoa học kỹ thuật mà còn là vấn đề an dân như Lý Công Uẩn từng làm.
Chúng ta nên hướng tới một Thủ đô chất lượng cao, với quy mô vừa phải nhưng hàm lượng chất xám cao.
1000 năm lịch sử, đó là di sản, là đô thị mà bao nhiêu thế hệ xây dựng nên. Chúng ta đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang và trước khi sang cái mới.
Hơn nữa là chờ đợi, quy hoạch sang năm duyệt, như vậy sẽ chậm lệch pha 5 năm nữa, rồi quy hoạch nông thôn, quy hoạch chi tiết, các khu đô thị trực thuộc thành phố. Quả thực đây là bài toàn rất lớn cho nhiệm kỳ tới, cho cả năm tới.
Báo cáo lần ba do liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkin-Posco-Jina) thực hiện vẽ diện tích đô thị gần 700km2, gấp bốn lần hiện trạng (185km2).
Nếu quyết định vẫn xây dựng Trung tâm hành chính thì theo ông nên đặt ở đâu?
Theo tôi, trung tâm Ba Đình vẫn là địa điểm quan trọng nhất. Một địa điểm nữa cũng đắc địa là Tây Hồ Tây nhưng phải thu hồi đất của Deawoo đã giao 500 ha.
Hai điểm bế tắc
Phát biểu trên hội trường, ông nói về hiện tượng doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch, vì lợi ích của họ?
Nhiều quy hoạch hiện nay không hợp lý. Nhiều quy hoạch được duyệt ban đầu có các chỉ tiêu cộng đồng, môi trường xung quanhg, nhưng khi thực hiện lại vì mục đích lợi nhuận của doanh nghiệp.
Nếu vấn đề xuất phát từ nhân dân, từ chính quyền thì hay hơn nhiều. Quy hoạch đầu tiên là phải phục vụ cho môi trường, cho cộng đồng.
Tôi lấy ví dụ rất đơn giản như lựa chọn đường 19-12 hay trung tâm thương mại. Quy hoạch ban đầu là một con đường thông thoáng, nhưng vào tay doanh nghiệp, họ đề xuất xây dựng một tòa nhà ở đó. Rất may, nhờ sự đấu tranh mạnh mẽ của các nhà khoa học và nhân dân nên kế hoạch này đã phải dừng lại.
Vụ khách sạn trong công viên cũng vậy.
Ý tưởng trung tâm của phương án mà nhà thầu PPJ đưa ra mới đây là sự bảo tồn hành lang xanh bao quanh 62% diện tích đất Hà Nội?
Cái đó cũng do đấu tranh của các nhà khoa học và của nhân dân. Tuy nhiên, ý kiến này, theo tôi không khả thi vì hai lý do: nếu đưa ra sức chứa của đô thị sắp tới là 8 triệu dân đô thị, 2 - 3 triệu dân nông thôn và trong tương lai là 12 triệu dân đô thị, 3 triệu dân nông thôn thì với 38% còn lại thì không chứa nổi.
Còn nếu giữ 40% như trước đây thì chứa được, thậm chí còn chứa được hơn, nhưng lại đứng trước nguy cơ không bền vững.
Trong khi đó, các nhà tư vấn nói, phải xây dựng quy hoạch chung Thủ đô bền vững hàng đầu thế giới. Đó là những điều hoàn toàn mâu thuẫn.
Quy hoạch Thủ đô hiện nay bế tắc ở hai điểm. Một là, tiến độ không đáp ứng được nhịp sống của dân đô thị. Đầu xuôi đuôi mới lọt, không xong kinh tế - xã hội thì quy hoạch chung không có cơ sở. Mà quy hoạch chung không xong thì quy hoạch chi tiết chưa làm được.
Bế tắc thứ hai là lúng túng trong việc hoạch định một đường lối phát triển Thủ đô, không biết coi trọng phát triển mới hay nâng cấp, cải tạo, bảo tồn những gì đã có.
Nước nào cũng muốn phát triển. Thế nhưng, muốn làm tốt vấn đề phát triển mới, chúng ta phải biết giữ gìn, bảo tồn, biết cải tạo những gì đã có 1000 năm.
Đây là sự nghiệp của toàn dân, không chỉ nhân dân Thủ đô mà nhân dân cả nước phải được tham gia, trong đó phải kể đến giới trí thức.
- Vân Anh - Cao Nhật