- Ngày 18/12, Sở Nội vụ Đà Nẵng cho hay, qua sơ kết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 7 huyện, quận (chưa tính huyện đảo Hoàng Sa) và 45 phường, toàn TP giảm được 1.341 đại biểu HĐND.
Không còn HĐND phường, ông Mai Quốc Thạnh, Bí thư kiêm Chủ tịch phường Thạc Gián có nhiều thời gian hơn để giải quyết công việc liên quan đến người dân. Ảnh: HC |
Kỳ họp HĐND huyện, quận thường mất 3 ngày (24 giờ làm việc); HĐND phường mất 2 ngày (16 giờ làm việc). Chưa kể số nhân công, lượng điện, nước phục vụ kỳ họp.
Do không còn HĐND huyện, quận, phường nên mỗi năm TP tiết kiệm được gần 7 tỷ đồng chi phí cho hoạt động của HĐND, sinh hoạt phí và phụ cấp của đại biểu.
Nhờ giảm 2 kỳ họp và 4 cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ, khoảng thời gian tiết kiệm được của 7 quận, huyện và 45 phường là 1.720 giờ. Nếu tính toàn bộ thời gian tiết kiệm do giảm họp của 1.341 đại biểu HĐND huyện, quận, phường như trước đây thì lên tới 44.024 giờ.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ, cùng với hiệu quả cao về tiết kiệm chi phí và thời gian, việc không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường còn đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Đại biểu là lãnh đạo UBND có thêm thời gian giải quyết điều hành công việc của UBND, giải quyết hồ sơ hành chính của dân, tránh tồn đọng, trễ hẹn. Bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn hơn, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp gặp gỡ, đề xuất với chính quyền. Do đó thời gian trả lời, giải quyết những kiến nghị của nhân dân cũng nhanh hơn.
Việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cũng được nhiều người từng là đại biểu HĐND các cấp này đồng tình. Bà Lê Thị Thái Dương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN quận Hải Châu (nguyên Phó Chủ tịch HĐND quận nhiệm kỳ 2004 – 2009) cho hay, UBND quận đã có các phòng, ban chuyên môn quản lý trên từng lĩnh vực với đầy đủ biên chế, trong khi bộ máy của Thường trực HĐND quận chỉ có vài chuyên viên nên công tác giám sát của HĐND không hiệu quả. Do vậy, không tổ chức HĐND ở cấp này là chính xác.
Theo ông Mai Quốc Thạnh, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND phường Thạc Gián (nguyên Chủ tịch HĐND phường nhiệm kỳ 2004 - 2009), cấp phường là cấp thừa hành thực hiện, không phải cấp hoạch định chính sách.
"Việc HĐND phường biểu quyết thông qua nghị quyết về các chỉ tiêu kinh tế, xã hội hàng năm của địa phương chỉ mang tính hình thức vì thực chất là quyết lại chỉ tiêu đã được trên giao xuống. Khi tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND phường chủ yếu là nghe, ghi nhận rồi phản ánh lên trên chứ ít khi giải quyết được gì", ông Thạnh nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho hay, trước đây UBND phường hoạt động dưới sự giám sát của HĐND phường và đó là cơ chế giám sát có tính quyền lực. HĐND phường có thể đưa ra chủ trương để UBND phường thực hiện (chẳng hạn vấn đề thu phí trong dân); đồng thời có thể bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung khi nhận thấy UBND có quyết định không đúng, không phù hợp.
Nay không còn sự giám sát của HĐND phường, việc giám sát của MTTQ và các đoàn thể đối với UBND phường chỉ là phản biện xã hội. Các tổ chức này có thể nêu kiến nghị, nhưng nếu UBND phường không chấp nhận thay đổi thì cũng không làm gì được.
Theo ông Mai Quốc Thạnh, đây đang là một điểm “thiếu” trong việc giám sát hoạt động của UBND cấp quận, huyện, phường theo cơ chế mới. Để lấp đầy, ông Thạnh cho rằng, ngoài việc mở rộng và tăng cường hiệu lực giám sát của MTTQ và các đoàn thể, UBND các quận, huyện, phường còn phải có “thiện chí” trong việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị.
Đặc biệt, UBND cấp trên phải quan tâm theo dõi, nắm bắt chặt chẽ hoạt động của UBND cấp dưới để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót, bất cập nảy sinh.
-
Hải Châu