- Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (23/11) về vụ án Nông trường Sông Hậu, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh cho biết đã yêu cầu Công an TP Cần Thơ báo cáo lại toàn bộ quá trình điều tra, nếu phát hiện thấy có sai sót sẽ tiến hành thẩm tra, xem xét lại.
"Tôi yêu cầu phải làm gấp"
Thưa Bộ trưởng, trong quá trình điều tra, Bộ Công an có giám sát hay đôn đốc gì không?
Bộ trưởng Công an, đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ Lê Hồng Anh. Ảnh: Cao Nhật |
Việc điều tra vụ án này hoàn toàn phân cấp cho cấp dưới (Công an TP Cần Thơ) người ta làm.
Khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều thì Bộ sẽ có xem xét lại quá trình điều tra của cấp dưới.
Hiện nay, tôi cũng đã có ý kiến yêu cầu Công an TP Cần Thơ báo cáo toàn bộ quá trình điều tra lên cho tôi.
Bộ trưởng có đưa mốc thời gian cụ thể cho báo cáo này không?
Tôi yêu cầu phải làm gấp, phải hoàn thành sớm để báo cáo lên cho tôi.
Nếu phát hiện sai sót trong quá trình điều tra của cấp dưới thì Bộ trưởng sẽ có hành động gì?
Bây giờ phải chờ xem, nếu phát hiện thấy có sai sót thì Bộ sẽ tiến hành thẩm tra, xem xét lại. Sai thì phải sửa.
Quan điểm của Bộ trưởng về cáo buộc "Lập quỹ trái phép" khi quỹ này đã được lập từ lâu và ai cũng biết về nó?
Bây giờ phải xem lại chứ tôi chưa nói được.
Bộ trưởng có suy nghĩ gì khi bà Ba Sương từng được phong danh hiệu là Anh hùng và Nông trường Sông Hậu mà bà từng làm giám đốc đã có rất nhiều thành tích?
Thành tích có thể rất nhiều nhưng khi xét xử thì phải theo luật.
"Đặc xá thì phải hỏi Chủ tịch nước"
Liên quan đến vụ án này, Ban thường trực Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc cũng có công văn gửi Bộ trưởng, Bộ đã xem xét như thế nào
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
"Tôi quan tâm đến vụ án"
Tôi có quan tâm đến vụ án, thông tin cứ đưa nhiều chiều nhưng án thì phải tại hồ sơ.
Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm lắng nghe đầy đủ các luồng ý kiến, các thông tin làm sao để xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật.
Pháp luật của ta có cả tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ, quan trọng nhất là phải đúng pháp luật. |
Tôi có nhận được và đã có văn bản hồi âm lại. Hôm họp Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tôi cũng có nói rồi.
Một số vụ án gần đây được xét giảm tội vì bị cáo có "nhân thân" tốt, vì sao yếu tố này chưa được tính đến trong trường hợp bà Trần Ngọc Sương?
Tôi không đưa ra quan điểm gì vào lúc này, đây là thẩm quyền của Tòa án và Viện kiểm sát.
Nếu Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC thực hiện việc kháng nghị giám đốc thẩm bản án này, Bộ trưởng sẽ có hành động gì?
Việc kháng nghị hay không là thẩm quyền của hai cơ quan đó, còn nội dung kháng nghị giám đốc thẩm cụ thể như thế nào thì chúng tôi sẽ chờ xem mới có ý kiến, lúc này tôi chưa nói trước được.
Liệu có khả năng Chủ tịch nước xét nhân thân của bà Trần Ngọc Sương để ký lệnh đặc xá xóa tội hoặc miễn chấp hành hình phạt cho bà ấy được không?
Đặc xá xóa tội hoặc miễn chấp hành hình phạt thì phải hỏi Chủ tịch nước.
Hôm nay, luật sư Nguyễn Trường Thành (Trưởng văn phòng luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ) cho VietNamNet biết bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương) - nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu, bị can trong vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Nông trường, đã có đơn gửi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xin xem xét lại toàn bộ vụ án hình sự theo trình tự giám đốc thẩm. Bà Sương cho rằng quá trình điều tra truy tố và xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) đều không khách quan, chưa đúng pháp luật, oan ức đối với bà. Cũng theo đơn này, bà Sương xin cho tạm hoãn chấp hành án phạt tù mà Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ đã tuyên vì sức khỏe suy kiệt. Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ (xét xử sơ thẩm) và Tòa án nhân dân TP Cần Thơ (xét xử phúc thẩm) đã tuyên phạt bà Trần Ngọc Sương 8 năm tù giam về tội “Lập quỹ trái phép”, buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng. |
-
Cao Nhật ghi