221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1246949
Vụ PCI: Có thể trực tiếp sang Nhật để điều tra
1
Article
null
Vụ PCI: Có thể trực tiếp sang Nhật để điều tra
,
- Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều nay (17/11) về vụ PCI, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết dù chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp nhưng cơ quan điều tra Việt Nam vẫn có thể trực tiếp sang Nhật lấy lời khai nhân chứng liên quan.

Chứng cứ gián tiếp

Thưa Bộ trưởng, sau khi được Bộ Công an hỏi ý kiến liên quan đến tài liệu vụ PCI do phía Nhật cung cấp, Bộ Tư pháp đã phản hồi như thế nào?

Mô tả ảnh.
Ảnh: Cao Nhật

Chúng tôi cho rằng, đó chỉ mới là một nguồn chứng cứ để tiếp tục khai thác, điều tra thôi. Còn giá trị pháp lý đến đâu thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sẽ xem xét, rồi cuối cùng toà án sẽ quyết định được chứng cứ đó có đủ kết tội hay không.

Bộ Tư pháp đánh giá tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp có giá trị pháp lý như thế nào?

Đây có thể coi là chứng cứ gián tiếp, theo pháp luật thì yêu cầu chứng cứ phải được thu thập một cách chặt chẽ.

Nếu thấy có đủ cơ sở thì phải thu thập thêm chứng cứ của ta trên cơ sở trực tiếp hỏi cung bị can, nhân chứng và thậm chí có thể là tiếp tục hỏi nhân chứng bên phía Nhật Bản.

Xét xử hình sự là vấn đề rất nhạy cảm, rất phức tạp, nhất là việc ủy thác tư pháp từ nước ngoài vào, từ Việt Nam ra rất khó.

Theo Bộ trưởng, những chứng cứ gián tiếp đó sẽ được chuyển hoá thành trực tiếp như thế nào, có khó không?

Tôi nghĩ rằng nó rất phức tạp, nhất là liên quan đến nhóm tội tham nhũng, đưa và nhận hối lộ. Tôi cũng không thể nói thay cơ quan điều tra khi nào mới xong được.

Khi tiếp nhận hồ sơ thì pháp luật của Việt Nam đã quy định chặt chẽ việc này chưa?

Pháp luật VN đã khai thông vấn đề này, đã có quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, trong Luật Tương trợ tư pháp.

Nhưng ở đây hoàn toàn là kết quả điều tra của phía Nhật Bản, chưa có lời khai gì của các đối tượng bị can hiện đã bị khởi tố ở VN.

Đang khai thác tài liệu

Bộ trưởng nghĩ sao khi hồ sơ được cung cấp đã bao gồm cả bản án mà Tòa án phía Nhật Bản đã tuyên?

Vấn đề công nhận chứng cứ, hay bản án của cơ quan tư pháp nước ngoài là vấn đề rất phức tạp. Mặt khác, giữa ta và Nhật Bản chưa có hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.

Ngay cả nếu có hiệp định tương trợ tư pháp thì thu thập chứng cứ là hết sức quan trọng và phải theo pháp luật của nước xét xử.

Giả sử chứng cứ này được thu thập theo ủy thác của cơ quan tư pháp VN hay cơ quan công tố VN theo trình tự của pháp luật VN và có sự tham gia hay chứng kiến của những người có thẩm quyền trong cơ quan tố tụng VN thì sẽ khác.

Tôi không nghi ngờ bên ngoài xét xử sai, nhưng về mặt pháp lý thì không thể lấy cái này để buộc tội người ta được.

Phải nghiên cứu xem cái gì có giá trị thì phải làm lại theo pháp luật VN, khi đó mới có thể truy tố theo pháp luật VN.

Liệu cơ quan tư pháp Việt Nam có tiếp xúc với cơ quan tư pháp Nhật Bản để quay lại quy trình từ đầu được không?

Bộ Tư pháp không có thẩm quyền đó, chúng tôi chỉ được hỏi là giá trị chứng cứ đến đâu thôi. Hiện nay tài liệu đang được khai thác và tôi cũng không được tiếp xúc tài liệu này.

Tuy nhiên, nếu rút ra được 5 đến 7 vấn đề cần phải làm rõ thì dứt khoát phải có quá trình hợp tác tiếp, ủy thác tiếp.

Tất nhiên là bức xúc của dư luận xã hội, của Quốc hội thì phải đẩy nhanh lên, nhưng án hình sự thì rất khó khăn.

Tôi đồng ý với trả lời của Bộ trưởng Công an mới đây. Chưa thể lấy cái đó ra buộc tội người ta được. Người ta có quyền nêu các vấn đề buộc tội người ta, có quyền được tự bảo vệ trước cáo buộc.

VN chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Nhật thì việc trực tiếp sang Nhật điều tra, lấy lời khai nhân chứng liệu có thực hiện được?

Chúng ta vẫn có thể làm được trên cơ sở có đi có lại. Tôi hiểu rằng phía Nhật cũng rất quan tâm và việc đáp ứng chắc không khó khăn gì.

  • Cao Nhật ghi
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,