221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1245396
Tập đoàn thua lỗ, sao nhiều người "hạ cánh" an toàn?
1
Article
null
Tập đoàn thua lỗ, sao nhiều người 'hạ cánh' an toàn?
,

  - Nợ quá hạn kéo dài mà không xử lý, mượn cớ làm nhiệm vụ kinh tế - xã hội để bao biện cho chuyện làm ăn thua lỗ... là những nội dung mà ĐBQH yêu cầu làm rõ trong phiên thảo luận cả ngày 9/11 về kết quả giám sát các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT).

"Người  khổng lồ trên đôi chân đất sét"

Câu chuyện về việc Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Đoàn Văn Kiển vừa nhận quyết định về hưu mới đây đã được nhiều ĐBQH dẫn lại, với cùng một dấu hỏi: Tại sao có nhiều sai phạm nhưng lại được "hạ cánh" an toàn?

Không ít câu hỏi khác cũng được đặt ra xung quanh những con số lần đầu tiên Quốc hội công bố về hệ số nợ, tình trạng làm ăn thua lỗ làm thất thoát tài sản nhà nước của những TĐ, TCT.

Điều mà ĐBQH Nguyễn Đình Xuân lo ngại là sự hình thành và phát triển quá nhanh các TĐ, TCT đã vượt quá tầm quản lý của Nhà nước, cũng như chính khả năng điều hành của DN.

"Nhiều người ví những TCT của chúng ta hiện nay như những người khổng lồ trên đôi chân đất sét, hoặc những cỗ máy khổng lồ mà khi chế tạo xong, không thể kiểm soát được", ông Xuân ví.

Mô tả ảnh.

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân: Nhiều người ví những TCT như những người khổng lồ trên đôi chân đất sét. Ảnh: TTXVN

Báo cáo của đoàn Ủy ban Thường vụ QH đã công khai tình trạng tài chính các DNNN hàng đầu như EVN, Vinashin, nhưng điều mà ĐBQH băn khoăn là báo cáo chưa chỉ rõ giải pháp xử lý với tình trạng các TĐ, TCT thua lỗ kéo dài.

"Nhiều đơn vị đã chết hoặc xem như chết, nhưng chưa làm thủ tục phá sản, giải thể. Càng để lâu thì tài sản Nhà nước càng thất thoát, trong khi  trách nhiệm những người làm ăn thua lỗ ngày một mờ nhạt và nhiều người đã "hạ cánh" an toàn. Có ai làm rõ việc bao nhiêu số vốn mất đi của các TCT, TĐ này đã đi đâu? Phải nói rõ xem số tiền đấy có "chạy" vào trong túi các nhà đầu tư nước ngoài, những công ty đối tác, công ty sân trước, công ty sân sau, sân trên, sân dưới, các công ty con", ông Xuân nói.

Lấy ví dụ về việc Vinashin đã có số nợ 3.812 tỷ đồng, chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn mà 7 tập đoàn đang nợ, trong đó có hàng tỷ đôla nợ nước ngoài mà Nhà nước bảo lãnh và sắp sửa đến thời hạn phải trả cả nợ gốc và lãi, ông Xuân tỏ ra bi quan về viễn cảnh không hiểu lấy đâu ra tiền trả nợ.

 "Rà soát từng con người"

Chúng ta phải rà soát lại toàn bộ, rà soát từng con người một. Đứng đầu các TĐ, TCT là ai, nếu là ủy viên trung ương thì trách nhiệm như thế nào? Nếu là doanh nghiệp thì trách nhiệm ra sao? Nếu là Đảng bổ nhiệm, Chính phủ bổ nhiệm thì trách nhiệm của họ như thế nào? Phải rõ ra, chứ không phải họ đóng vai vừa là chính trị, vừa là kinh doanh, vừa là nhà xã hội...

     ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào

ĐB Nguyễn Đăng Vang "than": "Nếu chúng ta không có hành động ngay lập tức thì khả năng sẽ mất tiền Nhà nước".

Nguyên thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm đề xuất phải giải quyết cả về tổ chức và cá nhân lãnh đạo của những đơn vị thua lỗ triền miên.

Không thể lập lờ nhiệm vụ chính trị - kinh doanh

Giải trình về vai trò của các "anh cả đỏ", các bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch - Đầu tư đều cho rằng cần có thái độ công bằng để đánh giá vai trò bởi họ được Nhà nước giao cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội đặc thù.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH cũng chỉ ra hầu hết các khoản nợ của khu vực này là dành để đầu tư trung và dài hạn.

Không tán thành việc TĐ, TCT "lập lờ" giữa nghĩa vụ công ích và hiệu quả kinh doanh, song ĐB Trần Du Lịch khẳng định, chuyện lỗ lãi của các đơn vị này trong cơ chế thị trường là đương nhiên, bất cứ thành phần nào cũng vậy.

"Trừ Singapore, hầu như không ở nước nào trên thế giới, khối doanh nghiệp quốc doanh có hiệu quả kinh doanh cao hơn các khu vực khác... Bởi Nhà nước cần một lực lượng vật chất giúp bổ khuyết cho các khuyết tật của thị trường. Quan trọng là chúng ta xem việc sử dụng vật chất của Nhà nước đã giúp bổ khuyết các khuyết tật của thị trường như thế nào, chứ không bàn xem bao nhiêu DN lỗ", ông Lịch nói.

Tuy nhiên, các ĐBQH yêu cầu cần tách bạch rõ nhiệm vụ chính trị và chức năng kinh doanh bằng những tiêu chí rõ ràng, tránh việc mượn cớ "làm nhiệm vụ chính trị" để biện minh cho những hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, đang có những lỗ hổng lớn về pháp lý cho hoạt động tập đoàn mà ta chưa bịt được, chẳng hạn phải làm rõ trách nhiệm xã hội của DNNN để khen chê cho đúng.

   "Đảo tới đảo lui"

Vấn đề quản lý TĐ cực kỳ khó khăn. Anh làm bộ trưởng giỏi, nhưng chưa chắc làm chủ tịch một TĐ được, đấy là vấn đề. Bao nhiêu TĐ là tùy thuộc năng lực chuẩn bị nhân sự của chúng ta và những người thực sự có năng lực phải được đào tạo, phải chuẩn bị, chứ không phải tổ chức theo kiểu hiện nay, chúng ta đảo tới đảo lui...

            ĐBQH Trần Du Lịch

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi bổ sung, việc đánh giá tập đoàn lâu nay "chỉ đặt sự tin cậy vào tín chấp hơn là hệ thống kiểm soát". Đánh giá lời lãi phải tính luôn những lợi thế về đất đai, thương hiệu mà Nhà nước mang lại.

Ngay báo cáo của đoàn giám sát cũng chưa định giá được hết tổng tài sản nhà nước mà TĐ, TCT nắm giữ.

"Đôi khi do ý chí chủ quan một số người"

Thừa nhận những thông tin Quốc hội giám sát kỳ này về tập đoàn mới chỉ là phác họa bước đầu về các TĐ, TCT, nhưng ĐBQH lo lắng về việc nếu không thay đổi cơ chế chính sách, không làm rõ mô hình phát triển thì các "quả đấm thép" khó có thể trở thành quả đấm mạnh.

ĐBQH Đặng Như Lợi cho rằng, các TĐ hình thành nên từ các tổng công ty, chưa thay đổi bao nhiêu về phương thức quản trị. Đáng lo ngại là đến nay vẫn chưa thể kiểm soát được toàn bộ hoạt động tài chính của hệ thống TĐ.

Ông Cao Sĩ Kiêm bổ sung, do thành lập nhanh lại chưa có sự chuẩn bị kỹ nên ngay cả đội ngũ nhân lực quản trị cũng còn yếu. Việc phân cấp, phân quyền, quy định trách nhiệm và quyền hạn chưa rõ ràng.

"Về khả năng quản trị kinh doanh của những người làm chủ, đôi khi chỉ do ý chí chủ quan của một số người, một số DN nên có nhiều bất cập khi thực thi", ông Kiêm nói.

  • Lê Nhung
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,