221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1247935
Kiều bào muốn được trao chìa khóa để trở về
1
Article
null
Kiều bào muốn được trao chìa khóa để trở về
,

 - Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất bế mạc hôm nay (23/11) song nhiều kiều bào vẫn mong muốn được trao đổi nhiều hơn, nhất là việc thu hút doanh nhân, trí thức kiều bào về quê hương.  

Mô tả ảnh.
Ông David Dương

Ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Mỹ - Việt: 
Chưa biết mình tìm đúng "cửa" hay chưa

Ông có kiến nghị chính sách để khuyến khích hơn kiều bào về nước đầu tư?

Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư. Nhưng những chính sách đó cần đặc biệt hơn cho kiều bào Bắc Mỹ. Phân nửa trong số 4 triệu kiều bào sống tại Bắc Mỹ, chủ yếu là Canada và Mỹ.

Ngoài ra, chính sách do Trung ương ban hành rất tốt nhưng ở những điạ phương, nơi kiều bào về đầu tư, cần có cơ quan sát sao với kiều bào để giúp họ hiểu hơn về đất nước, về thủ tục đầu tư. Kiều bào người ít nhất cũng xa quê vài năm, nhiều là vài chục năm, sẽ rất bỡ ngỡ trước sự thay đổi của quê hương.

Dù có tấm lòng về quê hương đầu tư nhưng không hiểu sẽ không thành công. Khi có một người đầu tư về nước thành công, đó sẽ là câu trả lời cho những người còn lại đang ở xa xứ về một Việt Nam đất lành, chim đậu.

Vậy đầu tư ở Việt Nam với kiều bào có khâu nào khó khăn nhất hiện nay?

Đó là hành chính, phép tắc, thủ tục. Nhìn chung ở đâu cũng có khó khăn, dù là Mỹ. Ở Mỹ, để chen chân đầu tư rất khó, nhưng khi đã vào được thị trường này rồi, mọi thứ trở nên dễ dàng vô cùng vì rất minh bạch. Nhưng ở Việt Nam có cảm giác khó ngay từ đầu và khó đến tận giờ. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam có nhiều cơ hội để đầu tư. Nhưng do chưa có nền tảng, nề nếp, nên nhà đầu tư luôn phải loay hoay đi tìm chìa khoá.

Dự án của tôi đã hoạt động trong 2 năm, nhưng cá nhân tôi vẫn chưa biết mình đã tìm đúng cửa hay chưa. Hồi đầu có ý định mở rộng đầu tư, nhưng thấy nhiều khó khăn quá, nên lại muốn quay về Mỹ. Mọi thứ đều phức tạp. Dù yêu quê hương nhưng mọi thứ cộng lại thấy nản. Vì vậy, đến giờ tôi vẫn chưa biết có nên mở rộng đầu tư không, dù rất mong được giúp đỡ vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục, môi trường năng lượng.

Ông Nguyễn Bá Thuần (Việt kiều trí thức Đan Mạch):
Hãy học kinh nghiệm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Bá Thuần
Số lượng trí thức Việt kiều có thể nhiều hơn 300.000 người nhưng những người có khả năng ở 30- 40 tuổi còn nhiều gánh nặng lắm. Trọng điểm phải nhắm vào những người sắp về hưu nhưng chưa già đến nỗi là gánh nặng. Nên mời họ về làm nghiên cứu hoặc giáo dục.

Tiến sĩ không quan trọng bằng việc lấy những ông thợ cả. Họ đã học được tính công nghiệp ở các công trình, các xí nghiệp. Họ sẽ dạy cho học sinh trong nước tính trách nhiệm và sự nghiêm túc.

Cách nào để sử dụng tốt nhất chất xám Việt kiều?

Hãy làm một nghiên cứu thật tổng thể và nghiêm túc cách Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc đã sử dụng tiềm lực kiều bào của họ như thế nào để phát triển đất nước. Họ phải có cách, có kinh nghiệm để chúng ta học hỏi.

Chúng ta cần tạo ra một địa bàn để trí thức Việt kiều hoạt động. Chúng ta cũng không thể đòi hỏi họ hy sinh hoàn toàn. Có thể họ không yêu cầu vật chất, nhưng họ muốn có công cụ tốt để nghiên cứu. Việt Nam đã trao cho họ điều đó chưa?

Trên cương vị là một trí thức Việt kiều, ông mong đợi điều gì khi về nước?

Trong giấc mơ của tôi, tôi mong chúng ta sửa lại hệ thống giáo dục và hãy sửa lại để bằng cấp không còn là giấc mơ quan trọng nhất của một con người. Có thể nghiên cứu kinh nghiệm của các nước giải quyết vấn đề giữa trí thức kiều bào và nội địa. Ấn Độ biết rằng có một lực lượng trí thức bên ngoài đã phát triển để đưa ra chính sách thu hút họ về nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Việt Nam cần xác định được đâu là mũi nhọn để phát triển kinh tế đất nước. Những người đã về chỉ đại diện cho một thành phần rất nhỏ cho trí thức kiều bào mà thôi. 

Ông Nguyễn Quốc Vọng
Ông Nguyễn Quốc Vọng
Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng (Việt kiều Australia):
Việt Nam chưa minh bạch về thông tin

Kiều bào bên ngoài còn rất thiếu thông tin về đất nước trong khi Việt Nam chưa có minh bạch về thông tin. Kiều bào ai cũng mong đất nước giàu mạnh nhưng những vấn đề họ suy nghĩ mà không tìm được câu trả lời, tất yếu họ sẽ sợ và không về nước.

Ông nhìn nhận như thế nào về đề cương phát triển trí thức kiều bào?

Cá nhân tôi cho rằng con số 300.000-400.000 trí thức kiều bào không quan trọng. Có 10 người tài giỏi, sử dụng được cả 10 còn tốt hơn nhiều. Những người có quyết tâm giúp đỡ đất nước, họ rất khao khát và thực sự muốn về nước đóng góp. Những người này đang già đi, và trong vài năm tới nếu không tạo động lực cho họ họ sẽ nản. Họ muốn chuyển giao công nghệ, muốn giúp đỡ đất nước và chỉ cần một "cây cầu".

Thực tế đã có chính sách nhưng vì sao vẫn chưa bắt được cây cầu như ông đề cập?

Tại hội nghị, có rất nhiều kiều bào từ Pháp, Đức, Anh… nói họ rất giỏi về lĩnh vực này, nhưng chẳng biết liên hệ với ai. Chưa có bất kỳ một địa chỉ nào để họ liên lạc khi muốn về nước. Chỉ có một số ít kiều bào biết về Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Họ hoàn toàn không biết tìm về đâu. Tại hội nghị, chúng tôi đã đề xuất làm dữ liệu chi tiết về anh em kiều bào và những lĩnh vực chuyên môn của họ để dễ làm hơn.

Chúng tôi về nước không phải thích một chức tước hay muốn làm giàu. Lương của tôi bên Australia là 120.000 USD/năm, về nước chỉ còn một nửa. Vấn đề nếu tôi không được giao nhiệm vụ rõ ràng như một cố vấn, vậy quyền của tôi là gì? Tôi nói có ai nghe? Ở Trung Quốc, họ xây riêng một làng Hoa kiều ở trong nước, với đời sống và phòng thí nghiệm không thua kém Tây phương. Họ cho các kiều bào phát triển được kỹ năng của mình. 

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Hoài Bắc
Ông Nguyễn Hoài Bắc (Việt kiều Canada):
Hãy trao chìa khóa cho kiều bào

Trong 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, có nhiều người được đào tạo ở các nước phát triển, hiểu về khoa học, kinh doanh nhưng chưa được trọng dụng tối đa. Điều quan trọng nhất phải là chính sách và quy chế.

Chúng ta muốn huy động trí thức Việt kiều phải có được một văn bản dưới luật hoặc một thông tư hướng dẫn trên nguyên tắc là đường để bà con về đầu tư. Hãy giao cho họ chìa khoá để mở cửa vào tốt hơn là chỉ cho họ cái cửa. Chìa khoá đó là chính sách. Giờ có vẻ “nhiều cửa”. 16 con dấu để thực hiện xong một vấn đề thì không thể nói là “một cửa”.

Các nhà đầu tư cần có lợi nhuận. Khi ký một văn bản cho phép đầu tư, ghi rõ thuế đất ví dụ là 0,16 xu/m2/1năm và trong 5 năm mới thay đổi thuế. Nhưng khi văn bản chưa ráo mực thì đã có văn bản của sở Tài chính tăng giá thuê đất lên gấp 8-10 lần và quy đổi ra tiền Việt Nam để nộp. Những thay đổi rất thường xuyên, tiền hậu bất nhất sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

  • Linh Thư
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,