- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường bày tỏ quan điểm về vụ án Nông trường Sông Hậu.
>> Thành ủy Cần Thơ ’chưa có ý kiến’vụ Nông trường Sông Hậu?
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu:
"Đó là thẩm quyền của cơ quan tố tụng"
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Bản án sau khi được tuyên mà dư luận lại không đồng tình thì phải xem lại. Ảnh: LN |
Việc xét xử, điều tra, truy tố với những cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, thì tinh thần chung vẫn là phải bảo đảm xử lý đúng pháp luật và đường lối, đúng yêu cầu chính trị.
Vụ án đó đưa ra xét xử tại thời điểm nào cho có lợi hay là khởi tố, truy tố thế nào cho có lợi.
Chẳng hạn, nếu một vụ án nào đó, khi hội đồng thẩm phán toà án tối cao đã xét xử rồi mà dư luận quan tâm lên tiếng thì khi đó Đảng đoàn Quốc hội sẽ đề nghị các cơ quan Quốc hội giám sát xem quyết định đó có đúng hay không.
Còn ở dưới địa phương thì thành ủy, tỉnh ủy sẽ đề nghị Hội đồng nhân dân giám sát xem xét.
Tuy nhiên, cụ thể thế nào, thực ra tôi chưa nắm được.
Nhưng nếu một bản án đã được tuyên mà lại gây bức xúc, dư luận như vậy thì hiệu lực bản án đến đâu?
Khi một bản án được tòa tuyên, có hiệu lực pháp luật rồi thì phải được dư luận xã hội đồng tình, đấy mới là bản án nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người đúng tội.
Còn bản án sau khi được tuyên mà dư luận lại không đồng tình thì phải xem lại.
Về vụ việc chị Ba Sương cụ thể thế nào phải phụ thuộc hồ sơ, tài liệu chứng cứ.
Sau phiên tòa xử phúc thẩm mà dư luận vẫn phản ứng như vậy, điều đó chứng tỏ vụ án này phải được xem xét ở cấp cao hơn nữa.
Với những vụ án mà cơ quan tư pháp chậm trễ, được đông đảo dư luận xã hội quan tâm bức xúc thì Quốc hội có cơ chế nào đó giám sát không, thưa ông?
Các cơ quan tư pháp họ làm theo quy trình pháp luật. Nếu trường hợp vụ án phức tạp thì có thêm quy định về gia hạn. Nhưng cũng phải đảm bảo đúng pháp luật.
Còn nếu làm đến thẩm quyền nào đó, mà có dư luận, có đề nghị làm chậm trễ mà dư luận xã hội bức xúc thì theo thẩm quyền đã được luật định, Ủy ban Tư pháp hoàn toàn có thể giám sát các vụ án.
Với tư cách Phó Chủ tịch Quốc hội, ông có theo dõi vụ án này không?
Tôi cũng như mọi người, rất quan tâm theo dõi vụ án này và cũng đang chờ giám đốc thẩm.
Về thành tích của chị Ba Sương, trong quá trình xét xử, về nguyên tắc họ phải cân nhắc hết các tình tiết nhân thân.
Luật đã quy định khi quyết định hình phạt phải căn cứ các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vấn đề là yếu tố định tội đó như thế nào. Điều này phải xem xét hồ sơ.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Có điều gì đó chưa được nhuần nhuyễn trong quá trình vận dụng luật pháp. Ảnh: CN |
"Tôi tin Viện Kiểm sát tối cao sẽ làm nhanh"
Với tư cách là đại biểu QH, qua theo dõi báo chí về vụ án Nông trường Sông Hậu, mình không dám khẳng định là sai nhưng qua ý kiến phát biểu trên báo chí của tòa án cũng như của Công an Cần Thơ, tôi thấy có điều gì đó chưa được nhuần nhuyễn trong quá trình vận dụng luật pháp.
Không thể lấy tư duy ngày hôm nay để áp đặt, xét xử những vụ việc ngày trước, trong một hoàn cảnh xã hội rất khác so với hiện nay.
Ở đây còn có trách nhiệm của xã hội nữa. Trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan giám sát, cơ quan quản lý, biết việc đó như thế nào, chấn chỉnh việc đó ra làm sao?
Tôi không quen biết trực tiếp cô Sương. Nghe dư luận nói, rồi những người ở miền Nam người ta lên tiếng thì mình cũng cảm nhận được cô là một con người rất đáng kính trọng.
Vụ án liên quan đến một nhân vật có tính lịch sử như vậy, một Anh hùng như vậy vào thời kỳ đó không phải là dễ dàng.
Về nguyên tắc, cấp ủy chỉ dừng lại ở việc chỉ đạo đường lối, chủ trương thôi, còn cấp ủy không được đi sâu đề nghị tội gì, hình phạt nào.
Đứng về thẩm quyền, chỉ có Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC có quyền kháng nghị thôi. Tôi biết là VKSNDTC đã đề nghị rút hồ sơ đi rồi, tôi tin là các anh ấy sẽ làm nhanh.
Nếu mà nói về tình cảm của con người, với tư cách một đại biểu QH, tôi hoàn toàn đồng tình việc tạm hoãn thi hành án trong thời gian chờ xem xét giám đốc thẩm.
-
Lê Nhung - Cao Nhật