- Trong khuôn khổ hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) lần thứ nhất sáng 23/11, Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao đã thông tin cho kiều bào về công tác biên giới lãnh thổ.
Yêu sách đường lưỡi bò hoàn toàn không có giá trị
Ông Trần Duy Hải. Ảnh: HG |
Về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông Hải cho hay Nhà nước Việt Nam "trước sau như một, khẳng định nhất quán chủ quyền đối với hai quần đảo này".
Lập trường này được thể hiện trong Luật Biên giới quốc gia 2003, Tuyên bố năm 1977 về lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố năm 1982 về đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, Nghị quyết của Quốc hội năm 1994 phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 cũng như trong các tuyên bố chính thức khác của Nhà nước Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia khẳng định: "Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước bình thường đối với quần đảo Trường Sa, tiến hành quản lý 21 đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo này. Việc tuần tra, kiểm soát trên vùng biển của quần đảo được tổ chức chặt chẽ, các hoạt động nghiên cứu thăm dò khai thác tài nguyên thủy sản được đẩy mạnh".
Về quần đảo Hoàng Sa, ngày 9/12/1982, Chính phủ đã ban hành Nghị định về tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện Hoàng Sa, thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nay trực thuộc thành phố Đà Nẵng và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28/12/1982, Quốc hội khóa 7 ra Nghị quyết tách huyện Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai và sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh, nay là tỉnh Khánh Hòa. Năm 2007 tiến hành lập thị trấn Trường Sa. "Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành và địa phương đã luôn giành cho hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sự quan tâm và động viên lớn lao".
Liên quan việc Trung Quốc mới đây cho lưu hành bản đồ vẽ đường lưỡi bò tại LHQ, ông Hải cho hay Việt Nam kiên quyết đấu tranh, bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò cả trong đàm phán song phương cũng như các diễn đàn hội thảo khoa học và trong dư luận. Ngay sau khi Trung Quốc cho lưu hành bản đồ vẽ đường lưỡi bò tại LHQ, phái đoàn Việt Nam tại LHQ gửi công hàm cho Tổng thư ký LHQ bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò. Việt Nam cũng gửi công hàm đến Trung Quốc bác bỏ đường yêu sách lưỡi bò và nhấn mạnh rõ "yêu sách đường lưỡi bò hoàn toàn không có giá trị".
Từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam cũng đã tích cực ủng hộ các nỗ lực của các nước ASEAN thúc đẩy đối thoại nhằm duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông.
Kiều bào là thế mạnh của cộng đồng
Phát biểu tổng kết hội nghị NVNONN lần thứ nhất ngày 23/11, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN Nguyễn Thanh Sơn cho hay tại hội thảo, đội ngũ doanh nhân, trí thức kiều bào được đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng và đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, với kinh nghiệm và tri thức của mình, trí thức kiều bào có thể góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Kiều bào dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Các đại biểu nhất trí đánh giá tiềm năng lớn nhất của doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào là vai trò làm cầu nối, mở đường cho hàng hóa, doanh nghiệp trong nước vươn ra thế giới. Hàng năm, số lượng người về nước tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tăng lên đáng kể, tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng, nuôi trồng và chế biến thủy sản, may mặc, khách sạn, dịch vụ du lịch…
Kiều bào cũng tập trung đề xuất đầu tư vào một số thị trường tiềm năng ở nước ngoài. Các cơ quan chức năng trong nước đã tập trung thông tin cho các doanh nghiệp về các chính sách thương mại, thuế quan, đầu tư, đặc biệt những ưu đãi đầu tư và các dự án lớn đang triển khai trong nước nhằm khuyến khích doanh nhân kiều bào nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Các cuộc trao đổi giữa các đại biểu với đại diện các cơ quan chức năng trong nước xoay quanh một số vướng mắc về chính sách, thủ tục hành chính và ưu đãi cụ thể đối với doanh nghiệp kiều bào trong các lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam.
-
Linh Thư