Lấy ý kiến tổ chức xã hội về dự Luật Thủ đô
Cập nhật lúc 19:24, Thứ Bảy, 17/10/2009 (GMT+7)
Ngày 17/10, tại phiên họp lần hai ban soạn thảo Luật Thủ đô, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường yêu cầu các thành viên phải quyết liệt hơn và cẩn trọng trong việc tổ chức xây dựng dự án Luật Thủ đô.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến nhất trí khi xây dựng Luật Thủ đô cần tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù để Thủ đô phát huy tối đa lợi thế của mình với tư cách là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, kinh tế của cả nước và mà các tỉnh, thành phố khác không có.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho rằng: "Khi xây dựng Luật Thủ đô phải chú ý tuân thủ theo Hiến pháp, nhưng trong mối tương quan với các Luật khác thì phải cao hơn".
Lý giải cho vấn đề này, theo ông Thụ, hiện nay Thủ đô Hà Nội phải chịu sức ép cao hơn với các tỉnh thành khác trong quản lý đô thị, an sinh xã hội..., đồng thời phải thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa-lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước.
Tuy nhiên, ông Hà Hùng Cường lưu ý: "Khi xây dựng Luật Thủ đô, cùng với cơ chế, chính sách ưu tiên cho Thủ đô thì cần phải đưa ra những yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn đối với Thủ đô so với mặt bằng chung của cả nước, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường".
Cùng với việc tạo hành lang “thoáng” hơn cho Thủ đô thì cũng cần quy định “chặt” hơn trong một số lĩnh vực nhằm đảm bảo có sự quyết định và tham gia của chính quyền Trung ương vào việc xây dựng Thủ đô với tư cách là bộ mặt của đất nước, là nơi đóng trụ sở của các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, đại diện của các nước, tổ chức quốc tế.
Như vậy, có những vấn đề mà theo quy định của pháp luật thì thuộc thẩm quyền của tỉnh, thành phố, nhưng đối với Thủ đô thì lại do Trung ương trực tiếp quyết định...
Vì vậy, Ban biên soạn cần đánh giá sâu tác động của Pháp lệnh Thủ đô, từ đó nghiên cứu kỹ hơn những đặc thù của Thủ đô để đưa vào Luật Thủ đô những điều khoản được thực thi có hiệu quả.
Trong thời gian tới, Ban soạn thảo sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và Hà Nội, các tổ chức xã hội, các nhà khoa học, trong đó tập trung vào báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Pháp lệnh và đề cương Luật Thủ đô.
Theo TTXVN
,