- Chính phủ báo cáo với Quốc hội: Trong năm 2009 đã có 149 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tham nhũng, trong đó 25 người bị cách chức.
UBTVQH cho hay tính chất, hành vi, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, với nhiều phương thức thực hiện, có cả yếu tố nước ngoài. Ảnh: VNN |
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trong 2 năm 2007 và 2008, cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng trong công an nhân dân đã khởi tố 2.423 bị can, Viện kiểm sát đã truy tố 1.763 bị can, 3 tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 346 bị cáo.
Các cơ quan thanh tra cũng nhận được hơn 400 nghìn đơn thư khiếu nại, tố cáo, ngành công an nhận được hơn 3.000 đơn thư có nội dung tố cáo tham nhũng, Viện kiểm sát nhân dân nhận 587 đơn tố cáo tham nhũng....
Hầu hết những đơn thư của tổ chức, công dân phản ánh sự bất bình đối với hoạt động của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước, trong đó có nhiều đơn thư tố cáo về các hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn xảy ra ở các ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương.
Tham nhũng ngày càng tinh vi
Qua giám sát, UBTVQH cho biết tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tham nhũng vẫn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Tính chất, hành vi, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, với nhiều phương thức thực hiện, che dấu hành vi phạm tội và có cả yếu tố nước ngoài.
Báo cáo của UBTVQH nhận định đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, nên việc phát hiện và xử lý rất khó khăn. Trong khi đó, việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn chưa đồng bộ, thực hiện không triệt để, hướng dẫn thiếu cụ thể, khó thực hiện, một số giải pháp tính khả thi chưa cao.
UBTVQH cũng nêu lên thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan thanh tra, công an, các cơ quan tư pháp trong quân đội, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân trực tiếp làm công tác phòng chống tham nhũng chưa đủ mạnh, còn thiếu về số lượng, một số còn hạn chế về năng lực, trình độ, nhất là kinh nghiệm trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.
Cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát, xử lý trong nhiều cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ còn nhiều bất cập, chưa nghiêm, biểu hiện rõ ở chất lượng công tác tự thanh tra, kiểm tra trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương hiệu quả thấp, ít tự phát hiện vụ việc tham nhũng qua công tác này.
Hơn 200 cán bộ nộp lại 66,5 triệu đồng quà biếu
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, trong năm 2009 đã có 211 cán bộ, công chức nộp lại quà cho cơ quan, tổ chức với tổng giá trị 66,5 triệu đồng.
149 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tham nhũng. Trong số này, 13 người bị xử lý hình sự, 50 trường hợp bị khiển trách, 58 người bị cảnh cáo và 25 người bị cách chức. TP.HCM dẫn đầu các địa phương với số người đứng đầu bị xử lý nhiều nhất - 38 trường hợp. Bộ Công an có 10 trường hợp bị kỷ luật.
- X.Linh - C.Nhật