221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1240529
Không vi phạm quyền dân chủ bầu cử của cấp dưới
1
Article
null
Không vi phạm quyền dân chủ bầu cử của cấp dưới
,

 - Đối với một người được đề cử hoặc ra ứng cử tại đại hội, không được vận động bầu cử, hội đủ vài chục phần trăm người giới thiệu đã là quá khó...

Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, về quy trình công tác nhân sự, người được giới thiệu vào chức danh bí thư không nằm trong phương án nhân sự bí thư đã được đảng ủy cấp trên đồng ý nhưng có trên 50% số đại biểu giới thiệu thì cấp ủy khóa mới phải họp, thảo luận, cân nhắc kỹ và biểu quyết (bằng phiếu kín). Nếu trên 50% cấp ủy viên khóa mới nhất trí thì đại hội tiến hành bầu, không phải xin ý kiến cấp ủy cấp trên.

Điểm quy định này đã cụ thể hóa một vấn đề quan trọng là về nguyên tắc thừa nhận và tôn trọng quyền của các cấp chủ động bầu ra người lãnh đạo mà không cần sự phải được cấp trên chuẩn thuận trước (với một số điều kiện nhất định). Cùng với việc này là tôn trọng quyền ứng cử, đề cử, nhận đề cử vào chức danh bí thư; xem bầu bí thư với danh sách các ứng cử viên nhiều hơn 1 là bình thường. Có thể xem đây là một tiến bộ khá lớn so với nhận thức và cách làm trước, rất đáng hoan nghênh.

Cũng có một số khía cạnh cần trao đổi thêm. 

Lo nhân sự ngoài dự kiến trúng cử?

Một là, quy định điều kiện đại hội chỉ được tiến hành bầu cử bí thư (không phải xin ý kiến cấp uỷ cấp trên) đối với người không nằm trong phương án nhân sự bí thư đã được đảng ủy cấp trên đồng ý, dù người đó đã được trên 50% đại biểu giới thiệu nếu được trên 50% cấp uỷ viên khoá mới nhất trí.

Mô tả ảnh.

Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ 19 tháng 12/2005. Ảnh: Hải Châu

Quy định như vậy đã phù hợp với tinh thần Điều lệ Đảng chưa? Phải chăng như vậy là giao cho cấp ủy mới một quyền hạn nào đó tương tự như phúc quyết ý chí của đại hội để đưa vấn đề lên cấp trên? Mà cấp trên khi xem xét vấn đề thì mặc nhiên coi ý kiến đại hội và ý kiến cấp ủy có vị thế ngang nhau.

Điều lệ Đảng quy định rõ: Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội (tôi nhấn mạnh) cơ quan lãnh đạo của Đảng… ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ. Như vậy, trong thời gian đại hội họp thì mọi tổ chức, cơ quan đảng thuộc đảng bộ đó (bao gồm cấp uỷ mới, cấp uỷ cũ, các đảng bộ cấp dưới) phải phục tùng đại hội. Đại hội chỉ phục tùng cơ quan lãnh đạo cấp trên (đại hội, cấp ủy cấp trên...) mà thôi. Xem ý kiến của cấp ủy có vị thế ngang, thậm chí cao hơn ý kiến của đại hội là không đúng tinh thần của Điều lệ về nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội dung này.

Quy định như vậy có mang tâm trạng lo ngại nhân sự ngoài dự kiến trúng cử không? Đối với một người được đề cử hoặc ra ứng cử tại đại hội, không được vận động bầu cử, mà hội đủ vài chục phần trăm người giới thiệu đã là quá khó, nếu 2 - 3 người thì lại càng khó . 

Một khi có ai đó ngoài dự kiến mà được trên 50% đại biểu giới thiệu thì kết luận đương nhiên phải rút ra là: i) việc chuẩn bị nhân sự không tốt, nhân sự dự kiến không thích hợp, phải thay đổi ii) nhân sự ngoài dự kiến đang có tín nhiệm cao trong đại biểu đại hội. 

Khoan hãy nói sự tín nhiệm đó là đúng đắn hay nhầm lẫn, nhưng khó mà phủ định ý kiến của đại biểu nếu không đưa ra được bằng chứng cụ thể thuyết phục. Còn nếu đưa ra lý lẽ chung chung thì sẽ được hiểu là gò ép, vận động bầu cử trái quy chế.

Quy định như vậy có thực tiễn không? Một cấp ủy mới, gồm cả những người trong cuộc  chưa có người chủ trì (bí thư, phó bí thư…) họp lại để trao đổi về một vấn đề gay cấn và nhạy cảm, thì làm sao thảo luận và cân nhắc kỹ? Mà giả sử họ làm được thì việc đó có tác dụng gì đối với đại hội, đối với cấp trên? Còn nhiều tình huống khác thì giải pháp ra sao? Đơn cử một tình huống: Cả người trong phương án cũng như ngoài phương án đều không được trên 50% đại biểu giới thiệu, nhưng người trong phương án thấp hơn ngoài phương án. 

Hai là, quy định như vậy, về khách quan, mang ý nghĩa là thừa nhận nhưng không hoan nghênh việc đề cử và ứng cử ngoài dự kiến, thể hiện cách nghĩ, cách làm kiểu quân xanh, quân đỏ.

Giới thiệu nhân sự một cách công khai

Nói tóm lại, ý nghĩa cơ bản của quy định nói trên rất đáng hoan nghênh, nhưng về chi tiết cụ thể, có những khía cạnh chưa thực thấu lý đạt tình, cũng không có hiệu quả thực tiễn, không giúp xử lý vấn đề trong các tình huống phức tạp, hạn chế đề cử mới và tự ứng cử, điều rất cần thiết cho bầu cử dân chủ.

Phải chăng đã đến lúc thực hiện một cách trực tiếp và đơn giản hơn quyền hạn và chế độ trách nhiệm của đại hội và cấp ủy cấp trên trong bầu cử theo đúng tinh thần Điều lệ Đảng. Bầu ra cơ quan và chức danh lãnh đạo là quyền và trách nhiệm của cấp đó (đại hội, cấp ủy cấp đó..,). Quyền của cấp trên là chuẩn y. Cấp trên hướng dẫn, kiểm tra giúp cho cấp dưới làm tốt bầu cử dân chủ, càng không được vi phạm quyền dân chủ bầu cử của cấp dưới.

Cấp trên nên giới thiệu nhân sự bí thư cấp ủy cấp dưới một cách công khai, bằng Thư gửi đại hội chẳng hạn. Trong thư, cấp trên nói rõ lý do giới thiệu, khẳng định trách nhiệm về tính đúng đắn của lời giới thiệu. Lời giới thiệu không phải là nghị quyết bắt buộc thi hành đối với đại hội. Đại hội nghiêm túc nghiên cứu ý kiến của cấp trên, nhưng tôn trọng và bảo vệ quyền của từng đại biểu chủ động bỏ phiếu theo nhận thức và quan điểm đánh giá của họ. Ai trúng cử thì làm. 

Nếu cấp trên thấy bầu cử không đúng quy chế, nhân sự không đủ tiêu chuẩn thì không chuẩn y, có thể giao cho cấp ủy cấp dưới bầu, hoặc chỉ định bí thư cấp dưới nếu xét thấy cần.

  • Bùi Đức Lại (nguyên chuyên gia Ban Tổ chức Trung ương)

    Bài tiếp theo: Không áp đặt nhân sự cụ thể dưới bất cứ hình thức nào
     
    Nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương khẳng định chủ trương thí điểm đại hội bầu bí thư huyện, tỉnh là phù hợp với ý Đảng, lòng dân.
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,