- Nhà chính trị đề ra đường lối, quan điểm nhưng thực thi nó, đưa vào cuộc sống lại là công việc của nhà hành chính... Để cải cách hành chính (CCHC) thành công, cần minh định rõ vai trò chính trị - hành chính và cam kết mạnh mẽ của chính trị.
Nhìn lại khoảng thời gian trước đổi mới, hầu như ít thấy sự tách biệt giữa vai trò của chính trị với hành chính trong lãnh đạo và quản lý quốc gia. Sự lãnh đạo của cơ quan chính trị đối với cơ quan hành chính giống như nhà nước cấp trên đối với nhà nước cấp dưới. Điều này phù hợp với yêu cầu của thời chiến, với cơ chế tập trung bao cấp.
Song bước ngoặt chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng đang đòi hỏi sự thay đổi tư duy sâu sắc trong quan hệ giữa chính trị và hành chính.
Cần cam kết mạnh mẽ của chính trị
Người hoạt động chính trị ngồi vào vị trí nào đó là dựa trên lá phiếu bầu với công việc theo nhiệm kỳ. Mong muốn được tái cử là động cơ sâu xa để họ có trách nhiệm thực thi những hứa hẹn với những người đã bầu họ.
Nhà chính trị dù ở các cấp khác nhau đều có nhiệm vụ đưa ra những định hướng toàn bộ, xác định mục đích lâu dài, thể hiện ở khả năng thiết lập đường lối, quan điểm phát triển đất nước. Khả năng mà nhà chính trị phải sử dụng là dựa vào tài trí, đức độ của mình để thu phục mọi người.
Nhà chính trị đề ra đường lối, quan điểm nhưng thực thi nó, đưa vào cuộc sống lại là công việc của nhà hành chính. Đặc biệt, trước những thay đổi lớn của quốc gia vào những bước ngoặt của lịch sử, sẽ nổi bật đòi hỏi của dân tộc đối với vai trò, tài năng của lãnh đạo chính trị.
Trong mối quan hệ chính trị - hành chính thì hành chính phục vụ chính trị. Phục vụ chính trị phải bằng khả năng tổ chức hành động, xác định mục tiêu trung hạn, mục tiêu cụ thể để thi hành đường lối, quan điểm do chính trị đề xướng. Do đó, nhà hành chính phải biết sử dụng hữu hiệu các phương tiện như: cơ cấu tổ chức, tổ chức lao động, chế độ và thủ tục làm việc, quy chế nhân sự… mà trong đó con người chỉ là một thành tố.
Mức độ thành công của CCHC chủ yếu phụ thuộc vào mức độ cam kết CCHC của chính trị. |
Thời bao cấp, chúng ta có nhiều ví dụ do xem nhẹ, hoặc nói cách khác là bỏ qua vai trò của hành chính nên có những chủ trương đề ra tuy đúng nhưng lại kém hiệu quả.
Chẳng hạn, ngay từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã sớm có chủ trương sinh đẻ có kế hoạch khi dân số chỉ ngang với Hàn Quốc. Song do chúng ta thực hiện biện pháp thêm con là thêm phụ cấp lương, thêm diện tích nhà... vô hình trung đã khuyến khích sinh đẻ. Hiện nay, mặc dầu hơn 10 năm qua đã kiên quyết giảm mức sinh con, thì dân số Viêt Nam vẫn gấp đôi Hàn Quốc.
Khi chính trị thấy có khả năng không thực hiện được cam kết của mình trước dân không phải vì những sai lầm trong định hướng chính trị mà do thực thi yếu kém thì chính trị buộc phải tiến hành CCHC để hành chính phục vụ chính trị tốt hơn. Do đó, mức độ thành công của CCHC chủ yếu phụ thuộc vào mức độ cam kết CCHC của chính trị.
Không để "tiến một bước, lùi hai bước"
Chính trị cam kết ủng hộ CCHC là dấu hiệu quan trọng đảm bảo cho thành công của công cuộc cải cách này. Đặc biệt CCHC giai đoạn hiện nay để nuôi dưỡng niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước cần kiên định tư tưởng về sự chuyên nghiệp hóa đội ngũ công chức. Bởi trong thực tế, đội ngũ công chức nước ta vốn được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, chức năng nhiệm vụ chưa rõ ràng, tuyển dụng và bổ nhiệm chưa khoa học… nên hiệu quả công việc thấp. Cũng như phải thực sự cam kết đảm bảo các quy trình, các thủ tục đã xác lập phải thực sự được vận hành trong các cơ quan nhà nước.
Khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, khi dân trí đã được nâng lên nhờ tác động của thành tựu công nghệ thông tin thì năng lực quản lý nhà nước buộc phải nâng cao để phục vụ yêu cầu phát triển. Không thể chấp nhận quan điểm năng lực quản lý tới đâu cho phát triển tới đó.
Trải qua ¼ thế kỷ chuyển đổi cơ chế kinh tế, những bài học thành công và thất bại cho thấy các hệ quả đều liên quan đến khả năng lãnh đạo và quản lý của những người đứng đầu các tổ chức. Kết quả CCHC giai đoạn vừa qua đã đem lại sự chuyển quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương, tạo sự chủ động cho các địa phương. Thành công hôm nay của Bình Dương, Đà Nẵng cho thấy vai trò tiên quyết của những người lãnh đạo địa phương.
Ngược lại, chúng ta cũng thấy, hiện nay ở một số bộ, người đứng đầu đang làm chưa đúng việc của mình. Bộ trưởng - nhà chính trị, lãnh đạo cao nhất của một bộ, đáng lẽ phải tập trung làm cho tốt việc tạo lập và chia sẻ tầm nhìn, đề ra phương hướng hoạt động, phát triển chiến lược, đảm bảo sự tương thích giữa các vai trò và nguồn lực, tạo động lực và khuyến khích cấp dưới, song dường như lại đầu tư nhiều tâm sức vào quản lý như xây dựng chương trình, lập kế hoạch, dự toán ngân sách... Đây là nhiệm vụ của cấp thứ trưởng - nhà hành chính, để bộ trưởng toàn tâm cho vai trò lãnh đạo.
Có sự lệch pha trên, phải chăng vì quản lý yếu kém quá khiến nhà chính trị phải đóng vai trò quản lý nhiều hơn?
Chúng ta đang sống một thời kỳ đặc biệt: chuyển mạnh sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, nhưng lại trong tình huống chuẩn bị cho bước phát triển "hậu khủng hoảng", khi mà chính trị và kinh tế thế giới sẽ có những chuyển biến rất mới. Rõ ràng không thể lãnh đạo và quản lý đất nước theo những quan điểm và phương thức cũ. Khả năng lãnh đạo và quản lý phải thể hiện ngay trong tiến trình thay đổi đó, nói cách khác, đó là sự cam kết chính trị ở một cấp độ mới.
Quá trình cải cách là cả một chặng đường dài, hay nói đúng hơn, không có điểm kết thúc, do mỗi chặng ngắn lại phát sinh ra những vấn đề mới cần giải quyết. Vì vậy, trong mỗi giai đoạn, cần xác định rõ mục tiêu và phải thực sự đạt được nó, tránh rơi vào tình trạng tiến một bước lại lùi mất hai bước, thậm chí lạc mất định hướng lâu dài.
CCHC phải được hướng theo mục tiêu chính trị rõ ràng, nhất quán, không thể chỉ là những thủ tục, mà quan trọng hơn, đó là cái mà các thủ tục ấy phải nhằm đến.
-
PGS Nguyễn Thu Linh
(Phó Viện trưởng Viện Các vấn đề phát triển)