221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1240128
Quốc hội không thể "ngồi chờ"
1
Article
null
Quốc hội không thể 'ngồi chờ'
,

 - Để làm tốt vai trò của mình, Quốc hội (QH) phải là một QH chủ động, năng động, có trách nhiệm chứ không phải là một “QH ngồi chờ”.

Nhà lập pháp thiếu luật cho chính mình

Ngày cuối Hội thảo "Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước khi Việt Nam là thành viên của WTO” do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với LH các Hội khoa học và kỹ thuật tổ chức tại TP.HCM (8-9/10), TS Hoàng Ngọc Giao, Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (PLD) cho rằng QH Việt Nam chưa xây dựng được cơ chế pháp lý rõ ràng nhằm đảm bảo hiệu quả cho hoạt động của chính QH trong việc xem xét và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước.

Liệu việc mở bể than ở châu thổ sông Hồng hay việc tung ra các gói kích cầu của Chính phủ có phải là những vấn đề trọng đại của đất nước hay không?”, ông Giao đặt vấn đề, “nếu phải, quyền của QH, quyền thật sự ấy, trong những vấn đề đó là gì, tới đâu?”

Cho rằng chưa có sự rõ ràng, minh bạch trong vấn đề này, ông Giao nhấn mạnh: “Điều đầu tiên cần phải làm rõ là vấn đề nào, cỡ nào thì được coi là vấn đề trọng đại. Đặc biệt, phải rõ ràng loại vấn đề trọng đại nào thuộc thẩm quyền quyết định của QH, loại vấn đề trọng đại nào thuộc thẩm quyền quyết định trực tiếp của nhân dân dưới hình thức trưng cầu dân ý...”

Theo ông Giao, “để làm tốt vai trò của mình, QH trước hết phải là một QH chủ động, năng động, có trách nhiệm chứ không phải là một “QH ngồi chờ”. Và năng lực của QH được thể hiện trước tiên ở việc phải xây dựng được tiêu chí để đánh giá vấn đề nào là vấn đề trọng đại của đất nước”.

Không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, ông Bùi Ngọc Sơn, giảng viên khoa Luật ĐHQG Hà Nội, cho rằng sẽ khó chỉ ra cụ thể từng vấn đề QH cần quyết định mà tốt nhất, nên xác định các chức năng quan trọng của QH để trên cơ sở đó, QH thực thi quyền quyết định các vấn đề thuộc chức năng ấy của mình.

Có 4 chức năng mà theo ông Sơn, QH nên tập trung, gồm: thành lập Chính phủ, lập pháp, quyết định ngân sách và đối ngoại; trong đó, để thực hiện hiệu quả chức năng lập pháp,  “Quốc hội nên giới hạn việc làm luật trong những lĩnh vực quan trọng nhất, quyết định sự sống còn, phát triển của đất nước nhất chứ không nên làm luật tràn lan”.

Ông Sơn cũng cho rằng phải cụ thể hóa điều này trong Hiến pháp. Ngoài ra, nên trao quyền quyết định ngân sách cho QH bởi đó là cách hiệu quả nhất giúp QH giám sát việc chi tiêu của Chính phủ.

Không nên "quyết" rồi mới "trình"

GS.TS Trần Ngọc Đường, Viện nghiên cứu lập pháp, cho rằng các quyết định quan trọng cấp Nhà nước - trừ quyết định bí mật quốc gia - đều phải được xây dựng và thông qua theo một qui trình dân chủ, thu hút được trí tuệ của dân chúng.

Muốn vậy, Đảng phải thay đổi phương thức lãnh đạo.

GS. Trần Ngọc Đường: Đảng quyết trước và QH chỉ hiện thực hóa quyết định của Đảng sẽ khó tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Ảnh: Đ.Q 

“Phải đổi mới quy trình ra các nghị quyết trọng đại của đất nước bằng cách "tung" chủ trương đó ra trước cho dân thảo luận, sau đó mới tập hợp lại đưa cho Bộ Chính trị làm cơ sở quyết định. Làm như thế, Đảng không mất quyền lãnh đạo chút nào mà lại càng phát huy sức mạnh của Đảng, trí tuệ của toàn thể nhân dân”, GS. Đường nói.

Ngoài ra, cũng theo GS. Đường, phải minh bạch những vấn đề thuộc hàng trọng đại của đất nước trước khi có sự định hướng của Đảng.

Nếu làm theo cách hiện nay, Đảng quyết trước và QH chỉ hiện thực hóa quyết định của Đảng thì khó tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Tham vấn nhân dân trong những vấn đề trọng đại phải trở thành nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền”, ông Đường nói.  

  • Đoàn Quý
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,