221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1240588
Bài 2: Chống tham nhũng và bài học kinh điển
0
Article
null
Bài 2: Chống tham nhũng và bài học kinh điển
,

- Phải chăng cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta bị chi phối bởi triết lý kiểu “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình” – một cách xử lý nương nhẹ mà Lênin đã chỉ ra: nỗi sỉ nhục đối với người cộng sản, người cách mạng?

>> Bài 1: Băn khoăn từ… “nhân thân tốt”

Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả, mời bạn đọc cùng tranh luận.

 

"Biết tự bảo vệ"

Một luận điểm nổi tiếng của Lênin mà người cộng sản nào cũng thuộc lòng, nhưng không phải ai cũng hiểu thấu đáo: “Một cuộc cách mạng chỉ có ý nghĩa khi nó biết tự bảo vệ”.

Biết tự bảo vệ, ngoài nhiệm vụ chống ngoại xâm, điều hết sức quan trọng là phải chống suy thoái từ bên trong, trước hết là chống quan liêu và tham nhũng.

Mô tả ảnh.
Bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Sĩ tháng 2/2009.

Cho nên, nói đến bảo vệ cách mạng, bảo vệ chế độ là phải bảo vệ sự trong sạch của đảng cầm quyền. Đó cũng chính là lý do mà Lênin coi quan liêu, tham nhũng là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội.

Ngay trong những ngày đầu Cách mạng tháng Mười, khi chính quyền Xô Viết non trẻ, Người đã chỉ rõ  “kẻ thù của chúng ta ngày nay là bọn đầu cơ và bọn quan liêu”. Khi nói về nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP), Lênin khẳng định: “Hiện giờ có 3 kẻ thù chính  (…), kẻ thù thứ nhất - tính kiêu ngạo cộng sản, kẻ thù thứ hai - nạn mù chữ, kẻ thù thứ ba - nạn hối lộ”.

Thậm chí, Người xem những cán bộ, đảng viên xử lý nương nhẹ với bọn hối lộ, tham nhũng là nỗi sỉ nhục với người cộng sản.

Người yêu cầu phải đuổi họ ra khỏi Đảng: “Kết án bọn ăn hối lộ nhẹ đến mức lố bịch như thế, mà lẽ ra phải xử bắn chúng, đó là hành động đáng sỉ nhục đối với một người cộng sản và một người cách mạng. Phải đưa các đồng chí đó ra truy tố trước toà án dư luận và khai trừ họ ra khỏi đảng”.

Trong quan điểm tư tưởng của Người, Lênin cho rằng nếu các đảng cầm quyền không thành công trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, chống tham nhũng thì sớm muộn cũng sẽ làm mất lòng tin của nhân dân và thất bại trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới.

Có lẽ vì vậy mà Lênin luôn có thái độ quyết liệt với quan liêu, tham nhũng. Người yêu cầu “tất cả biểu hiện nào của thái độ quan liêu, dù nhỏ đến đâu, cũng phải bị trừng phạt.”

Đối với kẻ tham nhũng - những kẻ mà Lênin gọi là “bọn khốn nạn lợi dụng chính sách kinh tế mới” - Người yêu cầu Bộ Dân ủy Tư pháp “phải lay động các toà án nhân dân và dạy cho họ biết trừng trị một cách không thương xót (kể cả việc đem bắn) và nhanh chóng những kẻ lạm dụng chính sách kinh tế mới.”

Khi nghe tin hàng loạt cán bộ thuộc Tổng cục Các công trình nhà nước quan liêu, trì trệ làm chậm tiến độ xây dựng nhà máy thuỷ điện Vonkhốp, Người viết thư cho Bộ trưởng Dân ủy Tư pháp, yêu cầu: “Phải  đưa việc này ra toà, bêu riếu những kẻ có lỗi trên báo chí cũng như bằng những hình phạt nghiêm khắc, qua Ban chấp hành Trung ương thúc các thẩm phán để họ trừng trị bọn quan liêu, trì trệ một cách nghiêm khắc hơn”.

Người cũng nêu vấn đề: “Ý nghĩa xã hội của nó có lớn gấp 1.000 lần so với lối bí mật dập đi một cách ngu xuẩn trong nội bộ Trung ương Đảng đối với một vụ dơ dáng, một tệ quan liêu dơ dáng mà không đưa ra công khai hay không?”

Trong thư gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Nga, Lênin đã từng chỉ thị:

Khẳng định với tất cả các tỉnh ủy rằng BCH Trung ương sẽ khai trừ ra khỏi đảng tất cả những ai có chút mưu toan “tác động” đến toà án nhằm “giảm nhẹ” trách nhiệm của những đảng viên cộng sản.

Ra thông tri báo cho Bộ Dân ủy Tư pháp (sao gửi các tỉnh ủy) biết rằng toà án phải trừng phạt các đảng viên cộng sản một cách nghiêm khắc hơn là đối với những người không phải là đảng viên cộng sản.

Nếu không chấp hành chỉ thị này, các thẩm phán và các ủy viên ban lãnh đạo Bộ Dân ủy Tư pháp sẽ bị đuổi ra khỏi cơ quan làm việc.

Thật quả là nhục nhã và kỳ quái: một đảng cầm quyền lại bảo vệ cho những tên vô lại của mình”.

Và Lênin cảnh báo nếu có điều gì làm tiêu vong chính quyền cách mạng thì chính là việc đảng cầm quyền bảo vệ cho những tên vô lại trong hàng ngũ của mình.

“Chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện nhân dân thì chúng ta mới quản lý nhà nước được. Nếu không, Đảng Cộng sản sẽ không lãnh đạo được giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ không lôi kéo được quần chúng theo mình và tất cả bộ máy sẽ tan rã”.

Nặng như tội Việt gian, mật thám

Hơn 30 năm sau, một người cộng sản Việt Nam - Hồ Chí Minh - ngay trong những ngày cách mạng còn trong trứng nước, đã “gặp” Lênin trong tư tưởng coi quan liêu tham nhũng là kẻ thù của nhân dân, của cách mạng.

Đó không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử mà là sự gặp nhau của những tư tưởng lớn.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa

Trong tác phẩm nổi tiếng “Chống tham ô, lãng phí”, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Những kẻ tham ô lãng phí và quan liêu phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao tài sản của chính phủ và nhân dân, tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”.

Vì vậy, Người coi chống quan liêu, tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của cuộc cách mạng: “Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng, cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng chính trị”.

Đó cũng chính là lý do Người đã phải gạt nước mắt để quyết định xử tử đại tá Trần Dụ Châu và sau này là một thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, những người đã từng có công trong cuộc kháng chiến.

Trái tim nhân ái của Người đã nhường chỗ cho kỷ cương phép nước. Bởi vì, Người biết, buông lỏng kỷ cương là nhân nhượng với quan liêu tham nhũng, nghĩa là dung dưỡng cho những sâu mọt từ bên trong. “Không quyết tâm diệt trừ lũ sâu mọt này, thì đến lượt nó, sẽ đục ruỗng chế độ, làm tiêu vong sự nghiệp”.

Bài học không bao giờ cũ

Ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phê chuẩn việc thực hiện Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc.

Trước đó, Đảng ta đã xác định tham nhũng là một trong 4 nguy cơ cần phải loại trừ. “Việt Nam coi chống tham nhũng là quốc sách, là sự nghiệp quan trọng liên quan đến sự sống còn của chế độ”.

Thế nhưng, thời gian gần đây, việc xử lý chống tham nhũng đang làm nhiều người băn khoăn.

Trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp cuối năm 2008, có đại biểu cho rằng “xử lý tội tham nhũng chưa kiên quyết, chưa triệt để và có xu hướng “nhẹ trên, nặng dưới”.

Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 10/2008, Chủ tịch UB Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng “quyết tâm chống tham nhũng rất cao nhưng chuyển biến chậm và kết quả không như mong muốn”.

Tại một cuộc hội thảo về chống tham nhũng của VN hồi cuối năm ngoái, tham tán ĐSQ Hà Lan Beng Van Loosdlecht lo ngại: “Chúng tôi có cảm giác là thế cờ chống tham nhũng đang bị đảo ngược, bị sai lệch. Con cá bé bị bắt, con cá to lại lọt lưới”.

Đó cũng là lo ngại của Thủ tướng trong cuộc họp lần thứ 7 ngày 18/7/2008 của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng. Theo Thủ tướng, “hình như việc chống tham nhũng đang có vẻ chùng xuống, không quyết liệt như khi mới ra nghị quyết TƯ 3 hoặc khi Luật phòng, chống tham nhũng mới ra đời”. Thủ tướng đề nghị  phải làm rõ lý do.

Chưa thấy có thông tin về việc các cơ quan chức năng có hay không làm rõ nguyên nhân theo chỉ đạo nói trên của Thủ tướng. Nhưng vụ xử lý ông Huỳnh Ngọc Sĩ và ông Đoàn Văn Kiển khiến dư luận băn khoăn.  

Liệu cách làm ấy có phải theo kiểu “nhẹ trên, nặng dưới” như lời cảnh báo của các đại biểu Quốc hội? Hay cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta bị chi phối bởi triết lý kiểu “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình” – một cách xử lý nương nhẹ mà Lênin đã chỉ ra: nỗi sỉ nhục đối với người cộng sản, người cách mạng?

Trong những nguyên nhân khiến cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang chùng xuống, liệu có nguyên nhân chúng ta chưa hiểu thấu đáo luận điểm của Lênin “cách mạng phải biết tự bảo vệ” hoặc chưa nhận thức sâu sắc quan điểm tư tưởng và phương thức hành động chống tham nhũng theo tinh thần của Lênin và Hồ Chí Minh là “thượng tôn pháp luật”?

Chống tham nhũng, phải hiểu thấu và hành động triệt để, theo tư tưởng của Lênin và Hồ Chí Minh. Bài học về sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, thấm máu và nước mắt, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng chưa hề nhạt đi ý nghĩa thời sự.

  • Dương Trọng Dật
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,