- Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi cho rằng "Việt Nam phải nghiên cứu một cách cẩn trọng việc có thực sự cần thiết tung ra gói kích cầu thứ hai hay không".
Ảnh: Cao Nhật
Ông Konishi nhắc lại lời khuyên ADB từng đưa ra hôm 22/9 khi công bố báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2009 đối với Chính phủ Việt Nam. Đó là cần rút ra bài học từ việc thực hiện gói kích cầu thứ nhất, sau đó mới tiếp tục đưa ra những hành động tiếp theo.
Cũng tại buổi họp báo chiều nay (30/9) sau khi bế mạc Hội nghị “Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với nghèo đói và phát triển bền vững tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương”, Phó Chủ tịch ADB Ursula nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chiến lược bảo trợ xã hội để giải quyết thị trường lao động sau khủng hoảng.
“Trước cuộc khủng hoảng, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng cao, chỉ có khoảng một nửa số lượng lao động trẻ bước vào các thị trường lao động trong khu vực có thể kiếm được việc làm chính đáng, trong khi phần còn lại phải nuôi sống bản thân và gia đình họ thông qua lĩnh vực lao động phi chính thức.”
Cũng trong tháng này, ADB đã đưa ra dự báo kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2009. Điều này đồng nghĩa với việc 60 triệu người dân châu Á sẽ không thể thoát nghèo trong năm nay.
Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997-1998, khi chủ yếu những người có mức thu nhập dưới chuẩn nghèo 1,25 USD/ngày chịu tác động, cuộc khủng hoảng mới đây đã tác động mạnh nhất lên những người “cận nghèo” có mức thu nhập trên dưới 2 USD/ngày.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu hối thúc các chính phủ cần hành động ngay lập tức để cải thiện an sinh xã hội bằng cách thực hiện có hiệu quả hơn các mục tiêu và hướng chi nhiều hơn cho giáo dục và y tế.
Theo bà Ursula, các chính phủ "cần thúc đẩy việc làm chính đáng và cải thiện các điều kiện cho những người đang phải đứng ngoài thị trường lao động chính thức. Chỉ có giải quyết được những vấn đề này, tăng trưởng của khu vực mới trở nên vừa toàn diện, vừa bền vững".
Trước đó, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng đã đến dự phiên khai mạc của Hội nghị và khẳng định Việt Nam coi thách thức là cơ hội, đề ra biện pháp kích thích kinh tế sao cho người nghèo là nhóm được hưởng lợi chính.
-
Cao Nhật