- Theo Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh bà Phạm Phương Thảo, đoàn ĐBQH thành phố đã có nhiều nỗ lực kiến nghị xử lý tình trạng lãng phí trong sử dụng kho bãi, nhà xưởng nhưng mọi chuyện chưa được xử lý rốt ráo, kéo dài nhiều năm.
Ví dụ trên được đưa ra trong phiên thảo luận giữa đoàn ĐBQH Việt Nam - Lào - Campuchia về kinh nghiệm giám sát, trong khuôn khổ chương trình trao đổi kinh nghiệm lập pháp do Ban công tác đại biểu tổ chức tại Vũng Tàu.
ĐBQH Việt Nam và Campuchia trao đổi kinh nghiệm giám sát. Ảnh: Lê Nhung |
Hoạt động giám sát vừa giúp Quốc hội hoàn thiện công tác lập pháp vừa tạo điều kiện cho Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Kiến nghị chung chung khó thực hiện
Tuy nhiên, có không ít vụ việc mà các đoàn ĐBQH khi đi giám sát, đã phát hiện và kiến nghị xử lý nhưng cuối cùng vẫn "bỏ ngỏ"...
Điều này vừa làm giảm hiệu lực giám sát, vừa dẫn đến tình trạng giám sát chồng chéo, gây lãng phí. bởi khóa trước giám sát rồi mà khóa sau vẫn làm lại.
Chuyện lãng phí nhà xưởng, đất công vốn đã được đại biểu nhiều khóa Quốc hội TP.HCM tiến hành giám sát, rồi chất vấn. Thủ tướng đã chỉ đạo bằng các quyết định vào năm 2002 và 2007. Gần đây, đoàn ĐBQH thành phố lại tiếp tục đi giám sát và có báo cáo đề xuất.
Thế nên, dù luật cho phép thì cá nhân từng ĐBQH cũng không thể đơn phương tự đi giám sát". Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp Nguyễn Hữu Nhơn
Văn phòng Chính phủ lại có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP phối hợp kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để báo cáo Thủ tướng.
"Đối tượng chịu sự giám sát hầu như toàn là "cấp trên" của các đại biểu.
Theo bà Thảo, cùng với việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để lãng phí trong sử dụng đất thì nên xem xét sửa Luật Đất đai sao cho phù hợp thực tiễn.
Rõ ràng, ĐBQH rất hiểu tầm quan trọng của "hậu giám sát", của việc phải đeo bám sự việc đến cùng để giám sát không dừng ở hình thức. Nghị viện nhiều nước cũng sử dụng rất hiệu quả công cụ này do tận dụng được tối đa những yếu tố của thể chế và vận dụng linh hoạt các quy định.
Bà Thảo chỉ ra: "Gần đây, sau khi TP công khai địa chỉ một số tập đoàn, tổng công ty lãng phí đất đai, nhà xưởng thì sự việc đã bắt đầu có chuyển biến. Thành phố đã thu hồi và bán được một số diện tích đất".
Nhưng vấn đề là câu chuyện này đã kéo dài từ rất lâu mà không được xử lý rốt ráo ngay từ đầu. Như vậy, hiệu lực của giám sát đến đâu?
Theo bà Thảo, việc ra Nghị quyết để quy trách nhiệm, thời hạn xử lý có thể là một trong các biện pháp khắc phục tình trạng chất vấn, kiến nghị kéo dài mà lộ trình khắc phục cứ "mờ mịt".
Còn ông Hoàng Văn Lợi, Phó trưởng đoàn ĐBQH Bắc Giang cho rằng, kiến nghị của QH phải rõ ràng, cụ thể: "Nhiều khi phần kiến nghị cứ ghi là đề nghị cơ quan, đơn vị tăng cường năng lực quản lý. Chung chung như vậy khó lắm".
"Toàn cấp trên"
Ngoài chuyện các cơ quan nhà nước chưa triệt để và nghiêm túc tiếp thu, xử lý vấn đề Quốc hội kiến nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng nên xem lại chất lượng giám sát. Hiện giám sát vẫn đang là một khâu yếu.
Đoàn khảo sát của UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường QH đi thực địa tại dự án Nhân Cơ tháng 3 vừa qua để có thông tin về dự án bô-xít gửi tới kỳ họp thứ 5 của QH. Ảnh do đoàn khảo sát của UB cung cấp |
Lý do, theo Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp Nguyễn Hữu Nhơn, vì đối tượng chịu sự giám sát hầu như toàn là "cấp trên" của các đại biểu. Thế nên, "dù luật cho phép thì cá nhân từng ĐBQH cũng không thể đơn phương tự đi giám sát".
Kết cục là, hoạt động giám sát vẫn sôi nổi và tập trung nhất ở ngay tại các kỳ họp, thông qua chất vấn.
Ông Hoàng Văn Lợi cho rằng, các đoàn ĐBQH, các ủy ban nên đồng loạt tiến hành giám sát về cùng một nội dung thì hiệu quả mới tập trung, như đợt giám sát về gói kích cầu vừa qua.
Bà Phạm Phương Thảo gợi ý, cần tập trung giám sát ở cấp trung ương, các bộ ngành. Một số lĩnh vực nên được giám sát sâu hơn như sử dụng ngân sách, quy hoạch, đất đai...
Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, các nghị sĩ Campuchia cho rằng cần làm rõ quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Kinh tế QH Campuchia, các ủy ban đều có những bộ phận thanh tra riêng để điều tra, thu thập thông tin. Ủy ban của ông có thể yêu cầu các cơ quan tài chính kinh tế, ngân hàng quốc gia đến để chất vấn.
Khác với Việt Nam, cả 9 ủy ban của Quốc hội Campuchia đều có nhiệm vụ giám sát tài chính theo lĩnh vực.
Quy trình và thủ tục giám sát ở QH: - Chuẩn bị, quyết định chương trình giám sát - Xem xét báo cáo - Giám sát văn bản pháp luật - Chất vấn và trả lời chất vấn - Bỏ phiếu tín nhiệm - Tổ chức đoàn giám sát - Thành lập Ủy ban điều tra - Xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo |
- Lê Nhung