- Thảo luận về dự thảo Luật Thuế tài nguyên sáng nay (9/9), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa thống nhất ý kiến về việc nên áp dụng thuế suất như thế nào, để vừa không ảnh hưởng đến thu ngân sách, vừa khuyến khích doanh nghiệp.
Theo thuyết minh của ban soạn thảo, trong điều kiện các nguồn lực để phát triển đất nước chưa đủ mạnh thì tài nguyên là nguồn lực rất quan trọng. Việc nâng từ Pháp lệnh thuế tài nguyên lên thành Luật có vai trò rất quan trọng.
"Nên có mức thuế vừa phải"
Thống kê từ con số thu ngân sách năm 2007 cho thấy, số thu từ dầu khí chiếm 25% tổng thu ngân sách.
Ảnh: Ca Hảo
Số thu thuế tài nguyên các năm từ 2005 - 2008 bình quân mỗi năm trên 23.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% tổng thu ngân sách nhà nước và tương đối ổn định qua các năm.
Với khung thuế suất như trong dự thảo Luật (giữ nguyên như Pháp lệnh hiện hành), số thu mỗi năm sẽ vào khoảng 21.300 tỷ đồng. Nếu lấy mức thuế suất tối đa của khung, số thu mỗi năm lên tới 40.360 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị cho rằng: "Chỉ nên tính vừa phải để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, vừa bảo vệ được tài nguyên".
Mức thuế khai thác rừng tự nhiên như hiện nay quá cao, tạo điều kiện cho lâm tặc, đồng thời khiến rừng tự nhiên cạn kiệt.
Vấn đề đáng quan tâm là hiện nay Nhà nước mới chỉ thu thuế với 8 nhóm tài nguyên: khoáng sản kim loại và không kim loại, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, sản phẩm của rừng tự nhiên, thủy sản tự nhiên, nước thiên nhiên và tài nguyên khác.
Các tài nguyên khác như không khí, vùng biển, vùng trời, kho số, tần số, các nguồn năng lượng (gió, ánh sáng mặt trời), văn hóa phi vật thể... thì chưa có căn cứ để tính thuế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, "ngay thuế xuất khẩu cũng đã có thể phân chia tới 10 ngàn chủng loại, không có lý do gì không chia nhỏ các loại tài nguyên để áp mức thuế phù hợp".
Ưu đãi thuế để giữ chủ quyền
Theo dự thảo Luật, các tàu đánh bắt cá xa bờ sẽ được miễn thuế 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Sau thời gian miễn giảm, nếu tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ở vùng biển xa bờ còn bị lỗ thì sẽ tiếp tục được xét giảm thuế tài nguyên nhưng không quá 5 năm liên tục tiếp theo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nên chọn một phương án thống nhất, hoặc miễn hẳn hoặc chỉ giảm 50%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền giải thích: "Miễn giảm thuế cho tàu đánh bắt xa bờ vừa khuyến khích ngư dân, vừa nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền lãnh thổ".
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn bổ sung, chính sách này "không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị".
Tiếp thu góp ý này, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định "ban soạn thảo sẽ xem xét, cân nhắc".
"Không chỉ với tàu đánh bắt xa bờ, ngay cả những vùng thăm dò dầu khí, nếu là vùng chồng lấn, thì chính sách thuế cũng sẽ phải cân nhắc có những ưu đãi để giữ được chủ quyền", ông Ninh cho hay.
-
Lê Nhung