- Việc Việt Nam nộp báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa nhằm chứng minh phạm vi thềm lục địa mà Việt Nam có thể mở rộng đến đâu, tất nhiên không quá 350 hải lý - ông Nguyễn Duy Chiến, Vụ trưởng Ban Nghiên cứu chính sách biển, Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) trao đổi với VietNamNet.
Xin ông cho biết thực chất của việc nộp 2 báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam lên Liên hợp quốc vừa qua?
Theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Việt Nam cũng như các quốc gia ven biển khác có thềm lục địa tối thiểu rộng 200 hải lý (tức khoảng 370km) tính từ đường cơ sở dùng để đo chiều rộng lãnh hải của mình.
Trong trường hợp thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý thì các quốc gia ven biển được quyền mở rộng thêm lục địa của mình đến tối đa là 350 hải lý. Nhưng cụ thể phạm vi được mở rộng đến đâu, hay nói cách khác, ranh giới ngoài của thềm lục địa ngoài 200 hải lý là ở đâu, thì phải căn cứ vào điều kiện địa chất, địa mạo của từng khu vực để xác định.
Việc xác định như vậy cũng không phải do quốc gia ven biển đơn phương ấn định mà phải nộp lên Ủy ban thềm lục địa của Liên hợp quốc Báo cáo quốc gia của mình, kèm theo các bằng chứng khoa học về địa chất, địa mạo của khu vực cụ thể. Như vậy, việc Việt Nam nộp báo cáo quốc gia chính là để chứng minh phạm vi thềm lục địa mà Việt Nam có thể mở rộng là đến đâu, tất nhiên không quá 350 hải lý.
Tại sao cơ sở pháp lý của báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam là Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc, thưa ông?
Cơ sở pháp lý để Việt Nam nộp báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa chính là các quy định của Công ước Luật Biển 1982 mà Việt Nam là một thành viên. Việc Việt Nam nộp các báo cáo chính là để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Công ước. Ngoài các quy định của Công ước Luật Biển 1982, các quy định của Ủy ban thềm lục địa cũng là cơ sở pháp lý hỗ trợ vì các quy định này nêu rõ thời hạn mà Việt Nam phải nộp cũng như cách thức các báo cáo.
Ảnh: Phạm Tuấn |
Chẳng hạn, theo đúng các quy định liên quan, Việt Nam phải nộp các báo cáo quốc gia trước ngày 13/5/2009. Nếu quá thời hạn đó mà không nộp thì Việt Nam mặc nhiên mất quyền mở rộng thềm lục địa của mình ra quá phạm vi 200 hải lý, tính từ đường cơ sở để đo chiều rộng của lãnh hải.
Ngày 6/5/2009, Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung của hai nước đối với khu vực phía Nam Biển Đông và sau đó, ngày 7/5, Việt Nam nộp tiếp một báo cáo riêng.
Việc Việt Nam nộp 2 báo cáo vừa rồi hoàn toàn căn cứ vào các điều kiện của Công ước và cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định để khẳng định các quyền chính đáng mà một quốc gia ven biển thành viên của Công ước được hưởng.
Xin ông cho biết rõ hơn về bản báo cáo nộp chung với Malaysia?
Theo quy định của Công ước Luật Biển 1982 cũng như của Ủy ban thềm lục địa của Liên hợp quốc, các quốc gia ven biển có thể nộp một báo cáo chung toàn diện cho toàn bộ thềm lục địa của mình, nhưng cũng có thể nộp thành các báo cáo khác nhau (từng phần) cho từng khu vực vì không phải quốc gia nào cũng đủ khả năng chuẩn bị và nộp báo cáo cho toàn bộ thềm lục địa của mình đúng thời hạn. Tình hình đến nay cho thấy có một số quốc gia nộp một báo cáo chung toàn diện, nhưng phần lớn các quốc gia nộp các báo cáo từng phần.
Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung cũng là căn cứ vào quy định của Công ước Luật Biển 1982. Theo đó, các quốc gia liên quan có thể thỏa thuận làm báo cáo chung nếu khu vực thềm lục địa nào đó thực sự liên quan đến họ. Cho đến nay, có 5- 6 báo cáo chung đã được nộp lên Ủy ban thềm lục địa như của Pháp và Nam Phi, của Fiji, quần đảo Solomon và Tonga...
Các công việc tiếp theo sau khi nộp báo cáo lên Ủy ban thềm lục địa của Liên hợp quốc sẽ là gì, thưa ông?
Theo thủ tục của Ủy ban thềm lục địa, sau khi nghe các quốc gia nộp báo cáo trình bày, Ủy ban sẽ quyết định về việc lập tiểu ban gồm 7 ủy viên để xem xét báo cáo. Tiểu ban sẽ chuẩn bị khuyến nghị trình Ủy ban xem xét quyết định.
Ủy ban có tất cả 21 ủy viên, do đó, trong cùng một thời điểm, chỉ có thể có 3 tiểu ban. Trước Việt Nam còn có 25 báo cáo khác chưa được xem xét. Do đó, hiện nay chưa rõ khi nào Ủy ban thềm lục địa sẽ quyết định lập tiểu ban để xem xét các báo cáo của Việt Nam.
Trình bày Báo cáo quốc gia tại Liên hợp quốc, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết mọi bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. |
-
Xuân Linh