- Không ít người khuyết tật ở TP.HCM ngỡ ngàng về sự hiện diện của một dự luật liên quan trực tiếp đến mình khi được UB các vấn đề xã hội tham vấn.
Tại buổi tham vấn cho dự thảo Luật người khuyết tật, do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại quận Bình Thạnh, TP.HCM ngày 26/8, một câu hỏi được đặt ra là “có biết về dự thảo Luật đang được xây dựng không” thì đa số nói “mới nghe tại buổi góp ý hôm nay”.
Người khuyết tật ở TP.HCM tham gia góp ý cho dự thảo. Ảnh: Đoàn Quý
Không ít người khuyết tật ngỡ ngàng về sự hiện diện của một dự luật liên quan trực tiếp đến mình. Những trăn trở cũng như kiến nghị về vấn đề chăm sóc sức khỏe (cấp thẻ Bảo hiểm y tế, chỉnh hình, phục hồi chức năng...), dạy nghề, việc làm, việc tuyên truyền cho giới trẻ lối sống nhân ái, biết quan tâm cộng đồng... đã được chia sẻ sôi nổi.
Theo bà Hồ Thị Minh Nguyệt, thương binh 4/4 (phường 7, quận Bình Thạnh), “rất cần có hộp thư, đường dây nóng để người khuyết tật tham gia ý kiến rộng rãi hơn”.
Thiếu chế tài, luật thành khẩu hiệu
Cũng theo bà Nguyệt, mỗi một luật khi ban hành đều có chế tài sau luật nhưng trong dự thảo Luật người khuyết tật, chưa thấy nêu ra vấn đề này. “Người vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào, nếu một doanh nghiệp từ chối, lợi dụng người khuyết tật… thì cần phải có chế tài, nếu không sẽ thành một khẩu hiệu cho vui”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong quy định về xây dựng các công trình công cộng, các cơ quan nhà nước đều có tiêu chí đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng, nhưng thật ra nhiều công sở, người khuyết tật vẫn chưa thể “tiếp cận”.
Đặc biệt, xe buýt “khước từ” đón chị Dung (một người khuyết tật trên đường tới dự buổi tham vấn ý kiến, khiến chị chỉ còn cách đi bộ tới nơi tổ chức buổi tham vấn) làm mọi người sững sờ và đặt câu hỏi, chế tài nào cho việc xe buýt khước từ người khuyết tật như vậy.
Góp ý cho dự luật này, nhiều ý kiến cho biết, hiện việc giải quyết việc làm là vấn đề cơ bản nhất để người khuyết tật hòa nhập vào cộng đồng, để họ không còn cảm thấy mình là gánh nặng của xã hội.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng dự thảo cần phân loại cụ thể hơn nữa các mức độ tàn tật/khuyết tật để việc thực hiện chính sách được công bằng và đúng đối tượng; tạo chế tài hợp lý, nhất quán để xử lý các trường hợp vi phạm cũng như khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp đối với cộng đồng người khuyết tật. Đã đến lúc phải xã hội hóa công tác chăm sóc người khuyết tật bằng các văn bản luật chứ không thể tuyên truyền một cách cung chung.
Ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trước đó, tại các địa phương khác là Hà Nội, Đồng Nai và Vĩnh Phúc, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã tổ chức Hội nghị tham vấn cộng đồng để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật.
Song song với việc sớm hoàn thiện dự thảo, việc xây dựng nguồn quỹ ổn định, lâu dài đảm bảo thực hiện các chính sách cũng không kém phần quan trọng. Hiện nay trên phạm vi cả nước có hơn 5,3 triệu người khuyết tật, nhưng chỉ mới trên 1 triệu người được trợ cấp xã hội, trao tặng xe lăn, chân tay - dụng cụ giả... và hơn 10.000 người được đào tạo nghề.
- Đoàn Quý - TTXVN