- "Thủ tục mà đơn giản nhưng nếu anh gây khó dễ cho dân, tham nhũng, tiêu cực thì dân còn khổ. Cùng với công khai hóa, bộ, ngành phải xem lại cán bộ của mình", Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Phúc: Chắc chắn sẽ giảm được chi phí rất lớn. Ảnh: LAD
Ông Phúc đánh giá: Đề án 30 đã kết thúc thành công giai đoạn 1, thông qua việc các bộ, ngành, địa phương công bố công khai bộ thủ tục hành chính để dân tra cứu.
Điều này giúp người dân tiếp cận được thông tin, giám sát hoạt động của bộ máy hành chính, rút ngắn được thời gian, giảm thiểu các chi phí không chính thức, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực.
Cơ quan hành chính cũng nâng cao được tính chuyên nghiệp, cải thiện quan hệ với người dân.
"Xén" các thủ tục tự phát
Thủ tướng yêu cầu phải đơn giản hoá tối thiểu 30% các quy định, thủ tục. Vậy trọng tâm của Tổ công tác là sẽ loại bỏ những thủ tục như thế nào? Thời hạn là bao lâu?
- Sẽ loại bỏ những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp. Hoặc những quy định liên quan đến thể chế đã lạc hậu.
Chẳng hạn, hai xã có điều kiện như nhau, nhưng có xã có tới 200 thủ tục, xã lại chỉ có vài chục. Nghĩa là có xã tự "đẻ" ra văn bản để gây phiền nhiễu cho người dân và DN.
Các thủ tục tự "sáng tạo" ra là phải loại bỏ. Thời hạn báo cáo kết quả là trước 28/2/2010.
Riêng 6 địa phương là Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số bộ, ngành có những thủ tục đang gây bức xúc cho dân và DN thì phải tiến hành làm xong trước 30/10.
Người dân và doanh nghiệp có được tham gia đề xuất các thủ tục phải loại bỏ không? Tổ công tác có cơ chế nào để tiếp nhận cũng như phản hồi ý kiến người dân?
- Lắng nghe phản ánh của DN và người dân qua các kênh thông tin, đó là khâu quyết định để có thủ tục hợp lý. Ngoài ra là vai trò tư vấn của chuyên gia trong Hội đồng tư vấn.
Chẳng hạn, trong các lĩnh vực xuất khẩu, hải quan sẽ tham vấn là cần loại bỏ những thủ tục nào. Các tổ công tác sẽ kiểm tra thường xuyên. Chính phủ xem việc loại bỏ này như một chỉ tiêu thi đua. Nếu không làm tốt cải cách thủ tục hành chính, sẽ không được khen thưởng, nâng lương dù làm tốt các việc khác.
"Việc cắt giảm TTHC không hề đơn giản vì liên quan đến quyền lợi". Ảnh: LAD
Chúng tôi đã công khai bộ thủ tục hành chính trên các website bộ, ngành, địa phương và các thành viên Tổ chuyên trách sẽ tiếp nhận, phản hồi ý kiến của dân.
Người dân và DN cũng sẽ phát hiện những thủ tục lạc hậu, thông qua báo chí. Sắp tới chúng tôi sẽ mở chuyên mục trên các báo.
Theo Nghị định kiểm soát thủ tục hành chính sắp tới sẽ ban hành, mọi thủ tục hành chính sẽ phải được đăng ký ở cơ quan chức năng, do cơ quan TƯ kiểm soát.
Xem lại cán bộ
Nếu cắt giảm được 30% thủ tục, ông có định lượng được sẽ giảm bao nhiêu chi phí cho người dân và DN và những lợi ích khác?
- Chắc chắn sẽ giảm được chi phí rất lớn, nhưng số lượng bao nhiêu phải tính toán sau khi đã loại bỏ xong.
Với những đơn vị chậm trễ hoặc chưa quyết liệt thì xử lý trách nhiệm như thế nào?
- Chúng tôi đã thường xuyên, qua báo chí, qua các văn bản Thủ tướng gửi trực tiếp, để công khai nhắc nhở, phê bình các địa phương chậm trễ.
Thủ tướng đã chỉ đạo, năm 2009 và 2010 tập trung đột phá vào khâu cải cách thủ tục hành chính. Bộ, ngành, địa phương phải xem đây là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng, đánh giá cán bộ.
Sau khi đã loại bỏ được thủ tục hành chính chồng chéo và thống nhất được trên toàn quốc, Chính phủ sẽ giám sát việc thực hiện thế nào để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu?
- Vấn đề còn liên quan đến phẩm chất, năng lực cán bộ. Thủ tục đơn giản nhưng nếu anh gây khó dễ cho dân, tham nhũng, tiêu cực thì dân còn khổ. Cùng với công khai hóa, bộ, ngành phải xem lại cán bộ của mình.
Khi còn công tác ở Quảng Nam, tôi đã yêu cầu các cơ quan, nếu công chức đã hẹn dân đến trả các thủ tục, mà dân phải đến tới lần thứ 3 thì chúng tôi sẽ yêu cầu xử lý.
Như vậy, phải có sự giám sát kiểm tra, đôn đốc, mà quan trọng nhất là người dân sẽ giám sát.
Việc cắt giảm rất cần thiết nhưng không hề đơn giản vì liên quan đến quyền lợi. Nên phải cải cách cả phương thức làm việc. Phải có tinh thần trách nhiệm trước dân thì mới có thể cắt bỏ.
Đê án 30 được đánh giá là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong cải cách hành chính. Vậy sau đề án này, Chính phủ có tiếp tục đặt trọng tâm cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để tránh tình trạng phiền hà cho dân như ông nói?
- Kế hoạch thực hiện Luật cán bộ, công chức sẽ làm rõ hơn vấn đề này hơn. Ví dụ tiêu chuẩn hóa cán bộ, những tiêu chí chọn, luân chuyển, sự giám sát của người dân.
Không chỉ Tổ cải cách của Thủ tướng mà quan trọng là chính quyền các cấp phải lo vấn đề này. Những gì gây phiền hà cho dân đều phải bị loại bỏ.
Khi Hà Tây, huyện Mê Linh và bốn xã ở Hòa Bình sáp nhập vào Hà Nội, có tới 2,5 triệu dân phải đổi chứng minh thư nhân dân. Nhưng theo kiến nghị của Tổ Công tác, Thủ tướng đã quyết định người dân được tiếp tục sử dụng chứng minh thư cũ cho đến hết thời hạn và đã tiết kiệm được cho dân 12 - 14 tỷ đồng. |
-
Lê Nhung